Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đồng tình với Tờ trình của Chính phủ là đổi tên Luật Bảo vệ và phát triển rừng thành Luật Lâm nghiệp để khẳng định rõ vị trí pháp lý của ngành mang tính toàn diện trong phạm vi điều chỉnh của lĩnh vực lâm nghiệp.
Bảo vệ và phát triển rừng nằm trong chuỗi hoạt động của lâm nghiệp, theo đó mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật ở các hoạt động. Theo ông Sơn, về phân loại và phát triển rừng nên phân 2 loại rừng cho dễ hiểu và dễ thực hiện. Đó là rừng bảo vệ và rừng sản xuất. Trong rừng bảo vệ thì có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và một số rừng đặc dụng theo vùng biên cương, biên giới... Quy định này quy định rõ các tiêu chí trong luật để Chính phủ và Bộ Nông nghiệp hướng dẫn và tổ chức thực hiện phân loại một cách chính xác.
Liên quan đến phân loại về danh giới rừng, ĐB Sơn cho rằng: Ranh giới rừng gắn với đất nên bổ sung trong giải thích từ ngữ về đất rừng, danh giới rừng phải gắn với định vị về đất đai, nhất là rừng sản xuất. Vì khi thu hoạch rừng rồi thì vẫn còn đất lâm nghiệp và mối quan hệ với Luật Đất đai nên điều chỉnh cho phù hợp.
Thời gian vừa qua, việc giao đất, giao rừng và những tranh chấp lớn nhất không chỉ tranh chấp về rừng mà cơ bản là những tranh chấp về đất đai cần có vai trò vào cuộc rõ nét của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường để xử lý vấn đề này.
Về chính sách bảo vệ và phát triển rừng, ĐB Đinh Thị Phương Lan - Quảng Ngãi đặc biệt đồng tình với đại biểu Sơn đoàn Hà Tĩnh đề nghị rà soát và tập trung quy định các chính sách đối với bảo vệ và phát triển rừng vào trong một điều khoản và quy định các nội dung cụ thể là nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng rừng đầu tư lao động vốn công nghệ, áp dụng khoa học, công nghệ bảo vệ và phát triển rừng.
Có chính sách bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Có chính sách hỗ trợ chủ rừng, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư có điều kiện thuận lợi trong tiếp cận bảo vệ và phát triển diện tích rừng có đất xấu nằm trên vùng sườn núi dốc hay thuộc rừng nghèo hệ sinh thái và hệ động, thực vật bị suy giảm chất lượng, trữ lượng và giá trị đa dạng sinh học bị suy giảm.
Có chính sách ưu tiên giao rừng cho người dân sinh sống tại chỗ. Có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho chủ rừng liên doanh, liên kết phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu, đào tạo, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, cùng với cơ chế hỗ trợ sau đầu tư và đầu tư cần bổ sung quy định về cơ chế tài chính hỗ trợ cho chủ rừng, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi với thời gian thích hợp.
Các đại biểu thảo luận tại nghị trường
ĐB Đinh Thị Phương Lan - Quảng Ngãi đồng tình với nhiều đại biểu là không thể tách được quyền sử dụng rừng và quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nó ở trong 2 luật khác nhau nên ĐB Lan đề nghị rà soát lại nội dung liên quan đến quyền sử dụng rừng và quyền sử dụng đất.
Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, mục đích phân loại rừng là tạo khung pháp lý cho công tác quy hoạch, hoạch định chính sách quản lý rừng có hiệu quả, phù hợp với chức năng cơ bản của các khu rừng, đồng thời bảo đảm tính thống nhất trong các quy định của hệ thống pháp luật, nhất là chế định về phân loại đất tại Luật Đất đai.
Việc thay đổi phân loại rừng chắc chắn sẽ gây xáo trộn về cơ chế quản lý, đòi hỏi phải sửa đổi nhiều văn bản pháp luật liên quan và phải mất nhiều năm mới ổn định. Một số khu rừng phòng hộ chuyển thành rừng bảo vệ sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân vì lý do bảo vệ, bảo tồn rừng.
Nghiên cứu pháp luật quốc tế cho thấy, việc phân loại rừng rất khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa của quốc gia đó và các tổ chức quốc tế không khuyến nghị quy định phân loại rừng chung đối với các quốc gia. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về thể chế hóa quy định rừng biên giới, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư để bổ sung, hoàn thiện luật trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
ĐB Mùa A Vảng (Điện Biên) nhấn mạnh cuộc sống của người dân gắn chặt với rừng, chỉ khi nào người dân thấy bảo vệ rừng đảm bảo cuộc sống của họ thì rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn. Thực tế, khi Nhà nước thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường rừng thì rừng đã xanh tươi trở lại.
Theo đại biểu Mùa A Vảng, các quy định như trong dự án Luật là chưa đủ, chưa khuyến khích và chưa nâng cao trách nhiệm của người dân tham gia bảo vệ rừng; cần quy định cụ thể hơn chính sách của Nhà nước trong bảo vệ và phát triển rừng. Theo đó, đại biểu Mùa A Vảng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định: “Nhà nước có chính sách khuyến khích các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bảo vệ rừng, tái sinh rừng tự nhiên đồng thời giao Chính phủ quy định chính sách đặc thù cho vùng, miền để bảo vệ tốt rừng, khu vực xung yếu, biên giới và khu vực cung cấp các nguồn nước chính cho các thủy điện lớn”.
Cùng ngày, QH cũng tiến hành Biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; Biểu quyết thông qua Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Biểu quyết thông qua Luật thủy lợi; Biểu quyết thông qua Luật du lịch (sửa đổi)...
Trong phần Biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; với 403/449 ĐBQH có mặt tán thành, Quốc hội đã đồng ý tách dự án thành phần giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư cho sân bay Long Thành.
Với 403/449 ĐBQH có mặt tán thành nhưng dự án thành phần giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư cho sân bay Long Thành vẫn đạt tỷ lệ tán thành thấp nhất
Tỷ lệ tán thành thấp nhất trong các nội dung được Quốc hội biểu quyết thông qua trong kỳ họp này (có đến 41 ĐB không tán thành, 5 ĐB không biểu quyết). Giải trình ý kiến băn khoăn của ĐBQH về những hệ lụy nếu đã chi 23.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng nhưng Quốc hội không thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng: Việc đầu tư Dự án Cảng HKQT Long Thành là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong thực hiện đột phá chiến lược về cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Việc nghiên cứu, đánh giá sự cần thiết, địa điểm triển khai, thời gian thực hiện Dự án đã được Chính phủ xem xét thận trọng trong một thời gian dài, Quốc hội khóa XIII khi quyết định chủ trương đầu tư Dự án cũng đã cân nhắc kỹ lưỡng trên nhiều góc độ, nhiều mặt và cũng thấy rõ sự cần thiết của Dự án này.
Sự quá tải của Tân Sơn Nhất và nhu cầu vận tải hàng không ngày càng tăng cao nên việc triển khai Dự án càng trở nên cấp bách hơn. Do đặc thù công tác giải phóng mặt bằng thường mất nhiều thời gian, phát sinh khó khăn, vướng mắc, làm tăng chi phí nếu quá trình thực hiện kéo dài.
Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng HKQT Long Thành thành Dự án thành phần để thực hiện trước, nhằm bảo đảm tiến độ của Dự án, tiết kiệm chi phí và đáp ứng nguyện vọng của người dân. Với vị trí thuận lợi của Dự án, quỹ đất đã thu hồi sẽ được sử dụng hiệu quả cho các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.