Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Tập trung giải quyết nhiều vấn đề nóng

Thứ Năm, 15/06/2017 20:11  | Thanh Hoà

|

(CAO) Tại phiên làm việc cuối cùng của chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong các phiên chất vấn 3 ngày qua.

Nhiều vấn đề nổi cộm

Hầu hết những vấn đề nổi cộm nhất trong đời sống kinh tế - xã hội đất nước đều được các đại biểu gửi đến Chính phủ thông qua Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, trong đó có vấn đề liên quan đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia… Về chức năng tư pháp và hỗ trợ tư pháp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị Chính phủ đưa ra các giải pháp để nâng cao công tác này.

Phó Thủ tướng cho biết, ngoài các chương trình, chính sách đã và đang thực hiện, các bộ Luật hình sự, Tố tụng hình sự cũng đang trình Quốc hội thông qua. Để nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, “tinh thần là làm đúng quy định pháp luật, không làm oan người vô tội nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm, có dấu hiệu phải khởi tố điều tra, khi điều tra thì theo quy định pháp luật, trong quá trình đó thì có khoan hồng nếu lập công chuộc tội, xử nghiêm đối tượng cầm đầu..” - Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại phiên chất vấn

Phó Thủ tướng còn cho biết thêm, đối với người thực thi công vụ như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên phải là những người đặt tinh thần phục vụ nhân dân, bảo vệ nhân dân, bảo vệ hiến pháp pháp luật lên trên hết, đồng thời cũng phải được đào tạo căn cơ, bài bản…

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) thì đề nghị Phó Thủ tướng cho biết biện pháp để giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt tại 2 TP lớn là Hà Nội và TP.HCM. Phó Thủ tướng cho biết, đây là quy hoạch tổng thể rất lớn, trong đó bao gồm những kế hoạch rất chi tiết như không để xây dựng cao ốc, chung cư, trung tâm thương mại lớn ngay trung tâm nội đô trong khi cơ sở hạ tầng giao thông chưa cải thiện; rồi cần áp dụng công nghệ, nhất là tin học, ứng dụng cảm biến giao thông để ứng phó ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông...

Về vấn đề khiếu kiện đông người dẫn đến phức tạp về ANTT, Phó Thủ tướng khẳng định, do khiếu kiện chủ yếu về đất đai, quy hoạch, trong đó có vụ kéo dài 20-30 năm nên giải pháp trước hết là phải hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân; đặc biệt “phải có chế tài xử lý người đứng đầu trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo”.

Các đại biểu còn đề nghị Phó Thủ tướng đưa ra các giải pháp rõ ràng về các vấn đề “nóng” hiện nay như vấn nạn tham nhũng, việc bổ nhiệm người nhà tại các địa phương, các dự án thất thoát ngàn tỷ, Formosa, hay vụ án phân bón giả tại công ty Thuận Phong…

Sẽ hoàn thành dự án cao tốc Trung Lương - Cần Thơ trước năm 2020

Vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là giao thông vốn là vấn đề “nóng”, thường xuyên được các đại biểu đề cập trong các phiên chất vấn ở nhiều kỳ họp. Tại phiên chất vấn Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, các đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhắc đến dự án cao tốc Trung Lương - Cần Thơ đã chậm tiến độ từ nhiều năm nay và “đây có phải là yếu kém trong công tác tham mưu?”. Cho rằng sự chậm trễ này làm ảnh hưởng, kéo dài các dự án khác trong vùng, đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng đưa ra giải pháp để đẩy nhanh dự án, để vùng ĐBSCL sớm được thụ hưởng.

Phiên chất vấn

Khẳng định tầm quan trọng của vùng đối với nền kinh tế đất nước, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đầu tư, nhất là về cơ sở hạ tầng, giai đoạn từ 2011-2015 thì cũng đã đầu tư 40 dự án, chiếm 11,5% vốn đầu tư của ngành giao thông vận tải cả nước, hiện đang triển khai 26 dự án, tổng mức đầu tư hơn 90.000 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng cũng thừa nhậ việc chưa đáp ứng yêu cầu thúc đẩy ĐBSCL thực sự thành vùng kinh tế năng động, thành kho gạo cả nước và xuất khẩu, đời sống nhân dân trong vùng còn nhiều khó khăn. Phó Thủ tướng cho biết, dự án Trung Lương-Cần Thơ, Chính phủ đã thấy sự tham mưu kém, kìm hãm dự án khác, nhưng hiện vẫn khó khăn do việc thu xếp vốn của Bộ GT-VT. “Bộ này sẽ cố gắng thu xếp đủ vốn thực hiện, đẩy mạnh công trình đang thực hiện” - Phó Thủ tướng cho biết.

Băn khoăn về việc đây là dự án BOT, việc thu xếp vốn được giao cho nhiều ngân hàng nhưng vẫn không thể thu xếp được vốn, nếu vẫn tiếp tục “kịch bản” cũ thì dự án sẽ dậm chân tại chỗ, đại biểu Hà Văn Thể (Sóc Trăng) đưa ra giải pháp đề nghị Chính phủ hỗ trợ một phần kinh phí, bởi đây là con đường phục vụ 20 triệu dân 13 tỉnh ĐBSCL, gần 10 triệu dân TP.HCM nhưng hiện lưu lượng giao thông rất cao với 50.000 phương tiện, đi 40 km/giờ, nên cần được ưu tiên đầu tư bằng ngân sách chứ không phải chờ vốn BOT.

Phó Thủ tướng cho biết ngân sách nhà nước đã hỗ trợ 1 phần đường TP.HCM -Trung Lương. “Tới đây, Chính phủ sẽ xây dựng thể chế minh bạch đầu tư BOT, trong đó, nhà đầu tư phải đủ năng lực” - Phó Thủ tướng cho biết và khẳng định Chính phủ sẽ giao các bộ ngành cân đối vốn để hoàn thành dự án trước năm 2020.

Bình luận (0)

Lên đầu trang