Công tác khám chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu người dân

Thứ Tư, 14/06/2017 20:34  | Thanh Hoà

|

(CAO) Là Tư lệnh ngành thứ 3 đăng đàn chất vấn tại kỳ họp thứ 3 ngày 14-6, Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến nhận được rất nhiều câu hỏi cũng như những ý kiến tranh luận của các đại biểu Quốc hội về những tồn tại, hạn chế của ngành.

Cần tập trung nâng cao chất lượng y tế cơ sở

Lĩnh vực y tế thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chính sách mới được ban hành nhằm đổi mới công tác khám chữa bệnh, nâng cao hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở. Tuy nhiên, qua ý kiến các ý kiến chất vấn và tranh luận, các đại biểu cho rằng còn nhiều tồn tại, hạn chế đặt ra, nhiều khó khăn thách thức.

Hệ thống y tế cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu người dân trong tình hình mới, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, công tác quản lý vật tư y tế còn nhiều bất cập, đội ngũ cán bộ y tế còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng, văn hóa ứng xử và y đức tại một số cơ sở y tế chưa thực sự làm người dân hài lòng. Cơ chế tài chính và chính sách chưa thực sự thu hút cán bộ y tế về cơ sở.

Vẫn còn tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến, làm quá tải ở tuyến trên, lãng phí ở tuyến dưới. Quản lý giá thuốc, bán thuốc không đơn, lạm dụng thuốc kháng sinh còn phổ biến. Công tác quản lý thuốc nam, thuốc đông y, thực phẩm chức năng chưa chặt chẽ. Ngoài ra, còn tình trạng trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế và xảy ra một số tai biến y khoa ở các tuyến, gây lo lắng cho nhân dân. Tình trạng lạm dụng xét nghiệm y tế gây lãng phí, khó khăn cho người bệnh,…

Một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến chất vấn nhất của đại biểu chính là về hệ thống y tế cơ sở. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, lĩnh vực này có những thành tựu được quốc tế đánh giá cao như có cả y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ - con, tăng chỉ số chăm sóc sức khỏe toàn dân, tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế.

Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến

Chỉ ra những hạn chế của hệ thống y tế cơ sở như chất lượng khám chữa bệnh chưa cao, bố trí bất cập, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, không cần cứ nơi nào đạt tiêu chí nông thôn mới thì phải có trạm y tế, vì nhiều nơi gần bệnh viện tuyến huyện, tỉnh. “Mong chính quyền địa phương phải chú ý tiêu chí này khi xây dựng nông thôn mới, tránh đầu tư dàn trải” - Bộ trưởng lưu ý và đề nghị chính quyền các địa phương phải tập trung đầu tư y tế dự phòng, chứ không phải chỉ tập trung cho điều trị.

Bộ trưởng Tiến cho biết, hiện nay Bộ đang thí điểm triển khai mô hình y tế gia đình. Đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, Bộ trưởng Tiến đánh giá: Y tế cơ sở rất quan trọng, để thực hiện y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu như tiêm phòng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em… “Làm tốt cái này sẽ chỉ có rất ít bệnh nhân phải điều trị” - Bộ trưởng Tiến tin tưởng.

Về đầu tư cơ sở hạ tầng cho hệ thống y tế cơ sở, Bộ trưởng Bộ Y tê cho biết sẽ tranh thủ các nguồn viện trợ ODA để xây dựng. Ngoài ra, sẽ sử dụng Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, sắp tới sẽ có Quỹ phòng chống tác hại rượu bia, “sẽ hình thành mô hình chăm sóc sức khỏe giống như một số nước trong khu vực, tức là lấy quỹ này chăm sóc sức khỏe ban đầu người dân, không phải dùng ngân sách” - Bộ trưởng lý giải và hy vọng sắp tới đề án tăng cường y tế cơ sở sẽ thực hiện tốt.

Về câu hỏi của các đại biểu Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa), Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) về tình trạng thông tuyến khám chữa bệnh BHYT làm tăng tuyến huyện, tỉnh, giảm tuyến xã, Bộ trưởng cho biết: Thông tuyến là 1 quy định của Luật BHYT, nhưng dẫn đến tình trạng trên là tất yếu. Để giải quyết, Bộ trưởng cho biết đã họp bàn với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và kết luận chỉ có tăng cường chất lượng y tế cơ sở mới giải quyết được tình trạng này. Bộ trưởng cũng nêu ra một số mô hình y tế cơ sở hoạt động khá tốt như bác sĩ gia đình ở Khánh Hòa hay các mô hình y tế cơ sở ở Sóc Sơn, Hà Nội.

Quỹ BHYT sắp bội chi 7.000 tỷ đồng

Cùng giải trình với Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: Hiện nay, người đóng BHYT được hưởng quyền lợi rất cao so với mức đóng, được tiếp cận y tế tốt; việc quản lý Quỹ BHYT tốt, độ bao phủ 83% dân số, mức thu chưa đến 30 USD nhưng đã thu được trên 75.000 tỷ, chất lượng khám chữa bệnh, tinh thần thái độ phục vụ đã tốt lên rất nhiều.

Bên cạnh đó, do quá đông, rải rác rất nhiều cơ sở y tế nên vẫn có những bất cập như do giao chính sách giao tự chủ cho các bệnh viện nên để đối phó, nhiều bệnh viện có biểu hiện lạm dụng, trục lợi Quỹ như bắt bệnh nhân nằm dài hơn; giường bệnh tuyến huyện thường không sử dụng hết 100% nhưng nhiều bệnh viện báo lên đến 200 - 300%...

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, hiện nếu không có giải pháp tích cực, dự báo sẽ âm khoảng 7.000 tỷ đồng, còn nếu kiểm soát tốt thì quỹ sẽ không bị bội chi. Bà Minh cũng “tha thiết mong các đại biểu, các đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các tỉnh, thành phố phối hợp chúng tôi và ngành y tế giám sát, quản lý quỹ này sao cho tốt, hiệu quả”.

Tranh luận lại, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan khá gay gắt: “Mục tiêu của tất cả chúng ta ở đây là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ cho người dân tốt nhất. Chính người dân mới là chủ của số tiền mà BHXH đang quản lý thay”. Chỉ ra cách quản lý chưa hợp lý hiện nay như chưa liên thông các số liệu về BHYT, dẫn đến không ai biết ai làm gì, đại biểu cho rằng, ở đâu cũng có tiêu cực, “chúng ta phải xem lại cách quản lý có lỏng lẻo không chứ không phải đổ cho người dân và ngành y tế muốn trục lợi”.

Trước nguy cơ vỡ quỹ, đại biểu cho rằng chính Bộ trưởng Bộ Y tế và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng chỉ ra rằng thu quỹ ít nhưng chi nhiều nên vỡ quỹ là tất nhiên, phải tìm ra các giải pháp “chứ không phải chỉ nhăm nhăm siết chi”. Bà Lan cũng chia sẻ: siết chi bằng cách gọi điện, gửi email… là cách làm khiến các bệnh viện rất bức xúc và “tiềm ẩn tiêu cực không kém gì trục lợi BHYT”, đồng thời, gây ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang