Chiều 13-6, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội; công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch.
Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận trách nhiện về những vấn đề trong công tác quản lý văn hóa thời gian qua dẫn đến những “sự cố” đáng tiếc như sự việc liên quan đến thu hồi bài hát, cập nhật hơn 300 bài hát lên website, sai phạm liên quan đến văn bản Tổng cục Du lịch.
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề cập đến tình trạng hướng dẫn viên du lịch chui làm ảnh hưởng bộ mặt ngành du lịch, làm thất thu cho ngân sách thời gian qua; nghệ thuật truyền thống thì bị phai nhạt và đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp khắc phục.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận: ngành du lịch có tiến bộ nhưng cũng nhiều tồn tại, trong đó có du lịch chui (không được cấp thẻ nhưng vẫn hành nghề hướng dẫn du lịch), xảy ra ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh...đặc biệt trong mùa cao điểm, hay các khu vực có lượng du khách Trung Quốc, Nga hoặc các ngoại ngữ hiếm tăng đột biến. Bộ trưởng Thiện cho biết, so với lượng khác du lịch hiện nay, số lượng hướng dẫn viên cũng đáp ứng được, nhưng có vấn đề về sự thiếu hụt hướng dẫn viên các ngôn ngữ hiếm. Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Thiện cho biết sẽ công bố danh sách hướng dẫn viên được cấp phép trên trang web của Bộ, tăng cường sử dụng hướng dẫn viên ở các địa phương khác đến, bố trí hướng dẫn viên suốt tuyến...để giải quyết vấn đề thiếu hụt hướng dẫn viên.
Về công tác bảo tồn di tích như đại biểu Phương đề cập, ông Thiện cho hay: Hiện cả nước có hơn 4.000 di tích được công nhận, do nhiều nguyên nhân, di tích xuống cấp và chúng ta đã có chương trình bảo tồn tôn tạo, giữ cho các di tích phi vật thể được bảo tồn tốt. Hiện nay, nguồn kinh phí từ Trung ương phân bổ cho địa phương để bảo tồn di tích không còn nữa, do đó, giải pháp là phải xã hội hóa, gắn bảo tồn với khai thác. Còn về công tác bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống, ông Thiện cho biết, nghệ thuật truyền thống của chúng ta rất phong phú, trách nhiệm bảo tồn rất nặng nề nhưng lại khó khăn: “Khán giả không ủng hộ, mua vé đến xem rất ít nên đời sống văn nghệ sĩ rất khó khăn, các nhà hát liên quan đến loại hình này cũng có nguồn thu rất ít”-ông Thiện chia sẻ và cho biết Bộ đã có tổ chức các hoạt động nhằm bảo tồn như: đưa các vở diễn hay nhất về Nhà hát lớn Hà Nội để phục vụ đông đảo khán giả, để đồng bào biết đến, rất mừng là khán giả đến rất đông, nhưng đây mới là kết quả bước đầu.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) thì chất vấn Bộ trưởng Thiện về những hạn chế trong công tác cán bộ như tư duy quản lý lạc hậu, nặng về xin cho, nhưng 7 giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra thì không hề đề cập đến việc thanh lọc cán bộ.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Thiện cho biết: liên quan đến thu hồi bài hát, cập nhật hơn 300 bài hát lên website, sai phạm liên quan đến văn bản Tổng cục Du lịch xảy ra vừa rồi trước hết do năng lực cán bộ, nếu năng lực tốt đã không xảy ra những lỗi nghiệp vụ sơ đẳng như vậy. “Chúng tôi đã nhận trách nhiệm, tiến hành kiểm điểm, bồi dưỡng cán bộ, thuyên chuyển cán bộ...”-Bộ trưởng Thiện cho biết.