Vóc dáng thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai

Thứ Ba, 31/01/2017 05:46

|

Cũng như các đô thị lớn trên thế giới và khu vực, thành phố Hồ Chí Minh với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, đang ở vào thời điểm mang tính quyết định để tìm phương hướng phát triển bền vững trong tương lai và tạo ra “vóc dáng” riêng của mình trong một thế giới đang trong quá trình toàn cầu hóa.

“Vóc dáng” Sài Gòn trước đây và TPHCM hiện nay đã được các thế hệ đi trước định hình theo từng thời kỳ phát triển với những đặc trưng sông nước Nam bộ “trên bến - dưới thuyền”, để rồi theo thời gian, khi thành phố từng bước chuyển mình theo hướng văn minh - hiện đại mà vẫn không làm mất đi bản sắc riêng của mình dù đã trải qua biết bao biến cố lịch sử thăng - trầm…

Chúng ta chắc đều có chung một nhận định: TPHCM hôm nay, một lần nữa lại đang ở vào thời kỳ phát triển rực rỡ với quy mô đất đai hơn 2.000 km2 trải dài từ Tây sang Đông gắn liền với biển, với dân số hơn 10 triệu con người đang có khát vọng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn trước mắt mà nhìn về phía trước.

Chính vì vậy, nếu chúng ta không biết tận dụng mọi thời cơ - lợi thế mà xu thế phát triển chung của thế giới - khu vực và thiên nhiên mang lại, tự chấn chỉnh lại mình để cùng chung tay xây dựng, từng bước tạo ra “vóc dáng” của TPHCM trong thế kỷ 21 theo hướng văn minh - hiện đại, thì chúng ta sẽ có lỗi với cả quá khứ và tương lai.

Những định hướng lớn

- Về mục tiêu định hướng phát triển không gian đô thị TPHCM, Đồ án quy hoạch đã định hướng phát triển không gian theo cả 4 hướng, đặc biệt theo hướng Nam về phía biển với sự hình thành Khu đô thị cảng Hiệp Phước; hướng Tây với Khu đô thị Tây Bắc. Bên cạnh đó, với việc di chuyển các cảng biển nằm sâu trong nội thành ra bên ngoài, đã mở rộng được không gian phát triển khu vực trung tâm hạt nhân của TPHCM, cho phép chúng ta cải tạo mở rộng trung tâm nội thành hiện hữu kết hợp với Khu đô thị mới Thủ Thiêm hình thành Khu trung tâm hạt nhân của một đô thị đặc biệt với 10 triệu người. Cũng trong đồ án này, lần đầu tiên đã nghiên cứu phân vùng phát triển đô thị với 3 khu vực: Khu vực nội thành, Khu vực nội thành phát triển và Khu vực các huyện ngoại thành. Đây là những điểm nổi bật mà các đồ án trước chưa nghiên cứu.

- Về mục tiêu tăng cường liên kết vùng, vấn đề liên kết vùng được chú trọng khá nhiều trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh đồ án quy hoạch chung 2010, thông qua định hướng phát triển các trục giao thông đối ngoại, tăng tính liên kết với các tỉnh xung quanh bằng cách mở rộng khai thông các khu vực cửa ngõ của thành phố nhằm mục đích tác động tới sự hình thành các đô thị trong vùng.

- Về mục tiêu tác động phát triển kết cấu hạ tầng, đồ án cũng định rõ cần triển khai phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, là cơ sở để hoàn thành mục tiêu đồng bộ hóa, đồng thời tập trung đề xuất giải quyết quy hoạch cốt nền phải hoàn chỉnh, là vấn đề trong nhiều năm qua chưa được giải quyết. Vấn đề quy hoạch thống nhất cốt nền, góp phần quan trọng trong việc giải quyết ngập úng. Ngoài ra, Đồ án quy hoạch chung 2010 còn đề cập đến quy hoạch cơ sở hạ tầng ngầm và công trình ngầm đô thị, tăng mỹ quan cho thành phố.

- Về mục tiêu phát triển các khu dân cư mới, đã định hướng phát triển các khu có quy mô lớn (hơn 500ha), theo hướng đa cực, đồng bộ hạ tầng xã hội, hạn chế phát triển các dự án quy mô nhỏ và không phát triển các dự án phân lô hộ lẻ; quy hoạch phân bố khu dân cư theo 4 hướng quy hoạch đề ra…

- Về mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc - cảnh quan đô thị, vấn đề cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn các giá trị di sản kiến trúc - cảnh quan đô thị được coi trọng, nhằm góp phần duy trì và tạo dựng bản sắc đặc trưng của đô thị TPHCM…

Có thể nhìn nhận một số thành tựu bước đầu khá quan trọng tạo tiền đề cho việc phát triển bền vững của thành phố dần từng bước tạo “vóc dáng” thành phố trong tương lai trong công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị như sau:

Quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch

Chính vì sớm triển khai công tác nghiên cứu quy hoạch mà TPHCM đã sớm đón nhận những làn sóng đầu tư nước ngoài khá lớn từ các quốc gia trên thế giới và nhất là từ các nước trong khối ASEAN. Điểm nhấn đầu tiên được thực hiện từ ý tưởng phát triển thành phố về phía nam với việc xác định trục đường Nguyễn Văn Linh và Khu đô thị mới Nam thành phố. Trục đường Nguyễn Văn Linh vừa đóng vai trò tuyến đường vành đai quan trọng, vừa là trục đường xương sống để phát triển một chuỗi, một hành lang đô thị trên diện tích gần 3.000ha ở phía Nam thành phố. Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, với việc Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã được công nhận là “Khu đô thị kiểu mẫu” đầu tiên trong cả nước cùng với trục đường Nguyễn Văn Linh, đã trở thành những minh chứng sống động cho sự đột phá của TPHCM trong công tác quản lý phát triển đô thị.

Cũng chính trong quá trình nghiên cứu quy hoạch, chúng ta đã có cơ sở khoa học để xây dựng Khu Đại học Quốc gia TPHCM, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghiệp công nghệ cao và hàng loạt các khu chế xuất - khu công nghiệp…

Đặc biệt, đối với những khu vực cần tập trung nghiên cứu cải tạo phát triển và kêu gọi đầu tư, thành phố đã tổ chức thi tuyển quốc tế để lựa chọn các nhà tư vấn có đủ năng lực và tầm vóc thực hiện nghiên cứu lập quy hoạch đô thị. Đó là các đồ án quy hoạch đô thị tại Khu đô thị mới Nam thành phố năm 1994 do Công ty SOM từ Mỹ, Khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 2003 - Công ty SASAKI từ Mỹ và Khu trung tâm hiện hữu mở rộng 930ha năm 2007 do Công ty NIKKEN SEIKKEI từ Nhật Bản nghiên cứu thực hiện.

Bằng việc tiếp tục nghiên cứu đầu tư xây dựng các trục giao thông quan trọng mới như Đại lộ Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng…, “vóc dáng” thành phố trong tương lai đã từng bước hiện lên rõ nét.

Cải tạo đô thị, nâng cao chất lượng sống và bảo tồn di sản

Từ năm 1994, nhiều chương trình chỉnh trang, cải tạo đô thị đã được triển khai như Chương trình cải tạo vệ sinh môi trường nước của thành phố, trong đó bao gồm nhiều dự án như dự án tại lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ… Việc thực hiện các dự án này cho đến nay đã từng bước mang lại cho thành phố một diện mạo mới khi các nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch đã được giải tỏa, hệ thống thoát nước được nâng cấp, dòng nước các kênh từng bước trong xanh trở lại.

Song song với việc tập trung phát triển đô thị, thành phố cũng tập trung nghiên cứu bảo tồn các di sản văn hóa - lịch sử - kiến trúc. Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo bảo tồn kiến trúc và cảnh quan đô thị gồm nhiều chuyên gia và một đội ngũ các nhà khoa học để nghiên cứu đề xuất các quy định cần thiết, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống các công trình kiến trúc và cảnh quan đô thị cần bảo vệ.

Sự tập trung chỉ đạo của lãnh đạo thành phố với việc phát triển hạ tầng giao thông trên cơ sở nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, thành phố đã năng động tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư như đề xuất các mô hình đổi đất lấy hạ tầng, bán quyền thu phí… giúp cho thành phố hôm nay đã và đang hoàn thành nhiều công trình vừa mang tính chất công trình hạ tầng giao thông vừa là điểm nhấn trong kiến trúc cảnh quan của thành phố. Đó là cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, đường hầm sông Sài Gòn, các trục giao thông quan trọng như Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Đại lộ Võ Văn Kiệt, đại lộ Phạm Văn Đồng… và những tuyến metro đầu tiên đang được triển khai xây dựng.

Phát triển hệ thống trung tâm đô thị và các khu đô thị mới

Thành phố Hồ chí Minh đã chú trọng phát triển hệ thống các trung tâm đô thị. Hệ thống các trung tâm đô thị thành phố cho đến nay bao gồm trung tâm hiện hữu của thành phố tại khu nội thành cũ trên địa bàn quận 1, 3 và một phần quận 4, Bình Thạnh có quy mô 930ha, đồng thời mở rộng sang khu Thủ Thiêm (quận 2) có diện tích 737ha. Từ bài học kinh nghiệm phát triển đô thị theo hướng bền vững, thành phố đã quy hoạch các khu đô thị có quy mô lớn, không manh mún, tạo điều kiện phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ và cung ứng dịch vụ đô thị cho người dân.

Bên cạnh Khu đô thị Nam thành phố với khu trung tâm là Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, thành phố đã quy hoạch và phát triển thêm 3 khu đô thị mới khác là Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị mới Tây Bắc.

Ngoài ra, thành phố còn có 11 dự án khu đô thị mới quy mô từ 200ha trở lên và 44 dự án khu dân cư, khu đô thị mới có quy mô nhỏ hơn 200ha, với tổng diện tích đất khoảng 23.370ha. Các khu đô thị mới đã và đang được đầu tư phát triển, góp phần đáng kể vào công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa thành phố.

Thực hiện chiến lược kinh tế biển của cả nước, dự án nạo vét luồng Soài Rạp đã được khánh thành và đưa vào sử dụng giai đoạn 2 vào ngày 21-6-2014, có ý nghĩa rất quan trọng, tác động lớn đến khối lượng hàng xuất nhập khẩu qua cụm cảng TPHCM.

Đa dạng hóa các loại hình nhà ở

Với chủ trương phát triển nhà ở theo dự án có quy mô và đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật, nhiều khu nhà mới khang trang trên địa bàn thành phố đã được xây dựng, thay thế dần các khu nhà lụp xụp, nhà trên và ven kênh rạch và các khu nhà, chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp. Nhà ở phát triển đa dạng về kiểu dáng, về không gian kiến trúc cũng như nâng cao tính thẩm mỹ về nội thất và ngoại thất.

Bên cạnh các loại hình nhà ở cao cấp như biệt thự, nhà vườn, các loại hình như nhà liên kế và nhất là loại nhà chung cư, đã được thành phố quan tâm và khuyến khích phát triển. Nhiều mẫu nhà chung cư cao tầng được xây dựng với kiến trúc đẹp, hiện đại, góp phần đa dạng hóa các loại hình nhà ở. Hàng loạt các cao ốc chọc trời trong khu trung tâm đã được mọc lên; nhiều tuyến phố mới đã được hình thành, hoặc tuyến phố cũ đã được cải tạo chỉnh trang, góp phần làm thay đổi diện mạo của thành phố sau hơn 40 năm thống nhất đất nước.

Tổng hợp lại, chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng vào sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai với “vóc dáng” của một thành phố vừa văn minh - hiện đại, vừa mang đậm truyền thống của một đô thị sông - nước Nam bộ vì đã được định hình từ quá trình nghiên cứu quy hoạch đô thị một cách khoa học và sự lao động sáng tạo, luôn luôn phấn đấu hết mình của mọi tầng lớp nhân dân thành phố.

Tất cả những tiền đề trên chỉ có thể trở thành hiện thực nếu tất cả chúng ta cùng chung tay xây đắp trong một xã hội thực sự công bằng - dân chủ và thực sự vì dân với tiêu chí công khai - minh bạch - rõ ràng và có trách nhiệm giải trình từ phía chính quyền.

Bình luận (0)

Lên đầu trang