Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy đảng những phần tử cơ hội chính trị

Thứ Hai, 08/02/2021 16:59

|

Những kẻ cơ hội chính trị gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự nghiệp cách mạng của dân tộc và uy tín của Đảng, xâm hại tới lợi ích của quần chúng nhân dân cũng như làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Vì thế, đấu tranh loại bỏ những phần tử cơ hội chính trị là trách nhiệm của các tổ chức đảng, đồng thời có sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân.

Những phần tử cơ hội chính trị - thời nào cũng có!

Thời nào cũng vậy và thể chế chính trị nào cũng có những phần tử cơ hội chính trị, tìm mọi cách “chui” vào các cơ quan công quyền để thực hiện mục tiêu vun vén lợi ích cá nhân. Suy cho cùng, mục tiêu cá nhân của những phần tử ấy là chức quyền, địa vị để “oách” với thiên hạ, vơ vét cho “đầy túi tham” và cuối cùng trở thành kẻ chống đối, lật đổ chế độ bất cứ lúc nào khi có điều kiện. Nếu để lọt vào các cơ quan nhà nước nhiều kẻ cơ hội chính trị, nhất là ở những vị trí lãnh đạo cấp cao thì không chỉ làm cho nhà nước đó suy yếu mà còn là nguy cơ, thách thức vai trò lãnh đạo của đảng cầm quyền, có thể dẫn đến thảm họa cho đất nước, làm sụp đổ chế độ chính trị.

Đối với nước ta, dưới sự lãnh đạo, cầm quyền duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, các đảng viên của Đảng không những được bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng mà còn được giới thiệu bổ nhiệm, bầu cử vào cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Chính vì thế, cho dù không đủ tiêu chuẩn, các phần tử cơ hội luôn tìm mọi cách “chui” vào Đảng để có được chức danh lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Hiện nay, toàn Đảng đã tiến hành xong đại hội đảng bộ các cấp, tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tiến tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, cũng là dịp để những phần tử cơ hội tìm mọi cách để được bầu vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng. Chính vì vậy, Đảng đã ban hành và hoàn thiện nhiều văn bản quan trọng liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự đại hội, với những quy định khá chặt chẽ để bầu được những người có đủ đức, đủ tài, đủ tầm, đủ tiêu chuẩn và uy tín vào cơ quan lãnh đạo của Đảng; đồng thời, quyết không để lọt vào cấp ủy các cấp những kẻ cơ hội chính trị. Nhiều bài nói, bài viết của các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước thể hiện sự trăn trở, chỉ ra những biểu hiện cụ thể của kẻ cơ hội chính trị, nhằm cảnh báo trong toàn Đảng, toàn dân và đề ra nhiều giải pháp nhằm không để lọt những kẻ cơ hội chính trị vào các cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng.

Đảng đã ban hành và hoàn thiện nhiều văn bản quan trọng liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự đại hội, với những quy định khá chặt chẽ để bầu được những người có đủ đức, đủ tài, đủ tầm, đủ tiêu chuẩn và uy tín vào cơ quan lãnh đạo của Đảng (Trong ảnh: Các đại biểu biểu quyết tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025). Ảnh: TTXVN

Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị, “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” nêu rõ: “Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng;… bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”. Tháng 11-2018, trong cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, dứt khoát không đưa vào quy hoạch nhiệm kỳ mới những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, biến chất, rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhất là những kẻ cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch”(1).

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay, không chỉ trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền mà ngay cả khi đất nước hòa bình, những phần tử cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách để có được chức vụ trong hệ thống chính trị. Họ như những “con sâu mọt đục khoét” chế độ, nhưng không phải tất cả bọn họ đã bị “lật mặt”, xử lý kỷ luật, đuổi ra khỏi Đảng. Điều đó cho thấy, sự tồn tại dai dẳng của những kẻ cơ hội chính trị, dù là trong một tổ chức luôn đề cao tính kỷ luật cũng như luôn chấn chỉnh về ý thức, động cơ chính trị của các thành viên, như Đảng Cộng sản.

Những phần tử cơ hội chính trị nguy hại như thế nào?

Những phần tử cơ hội chính trị càng “chui sâu, leo cao” trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước thì mối nguy hiểm do chúng gây ra lại càng lớn. Quan điểm, lập trường chính trị và nhân cách của họ khi trở thành các nhà lãnh đạo, quản lý sẽ ảnh hưởng đến tồn vong của Đảng, của chế độ chính trị nước ta. Vì thế, việc để cho kẻ cơ hội chính trị nắm giữ những vị trí, trọng trách trong bộ máy Đảng và Nhà nước sẽ là thảm họa cho đất nước.

Những phần tử cơ hội chính trị không chỉ ngấm ngầm chống đối, không thực hiện đúng đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng mà còn lợi dụng niềm tin của những cán bộ, cơ quan có thẩm quyền để “lướt” qua các quy trình cán bộ, nhằm vươn tới nấc thang danh vọng, vun vén lợi ích cá nhân. Như vậy, kẻ cơ hội chính trị không chỉ suy thoái về tư tưởng chính trị mà còn suy thoái cả về đạo đức, lối sống.

Ở mỗi kỳ đại hội Đảng, nếu để một kẻ cơ hội chính trị lọt vào cấp ủy cũng đồng nghĩa với việc loại bỏ một người có tài, đức ra khỏi cấp ủy; không chỉ làm tổn thương những nhân cách trung thực, phương hại những phẩm giá chân chính, mà còn làm thui chột những cán bộ, đảng viên có động cơ phấn đấu lành mạnh. Nếu để lọt vào các tổ chức của hệ thống chính trị nhiều kẻ cơ hội chính trị, nhất là ở vị trí lãnh đạo cấp cao thì không chỉ làm cho thể chế chính trị suy yếu mà còn là nguy cơ, thách thức đối với sự cầm quyền của Đảng. Khi để lọt những kẻ cơ hội chính trị vào cấp ủy các cấp và khi họ thao túng, hoành hành bởi có được quyền lực chính trị thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa chính trị, văn hóa cầm quyền của Đảng.

Nhận diện được các phần tử cơ hội chính trị hiện nay - dễ hay khó?

Trên thực tế, rất nhiều trường hợp phải đến khi xét kỷ luật cán bộ, thậm chí đến khi nghỉ hưu họ mới lộ ra và kết luận được họ là phần tử cơ hội chính trị. Khi đó, xét cả quá trình tiến thân của họ, khi toàn bộ những sai phạm được kiểm tra, thanh tra, kết luận thì bản chất cơ hội chính trị của họ mới được bộc lộ, nhất là những kẻ “leo cao, chui sâu” đến tận cơ quan lãnh đạo cấp cao trong hệ thống chính trị. Điều đó khẳng định rằng, việc nhận diện được các phần tử cơ hội chính trị là rất khó, đúng như V.I. Lê-nin đã nhận định: “Đặc điểm của tất cả chủ nghĩa cơ hội hiện đại trong mọi lĩnh vực là: nó mang tính chất không rõ ràng, lờ mờ và không thể nào hiểu nổi được. Do bản chất của mình, phái cơ hội chủ nghĩa bao giờ cũng tránh đặt các vấn đề một cách rõ ràng và dứt khoát; bao giờ nó cũng tìm con đường trung dung, nó quanh co uốn khúc như con rắn nước giữa hai quan điểm đối chọi nhau”(2) và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần ví họ “như con lươn, con chạch”.

Tuy nhiên, việc nhận diện các phần tử cơ hội chính trị không phải khó đến mức không thể thực hiện được.

Vậy phần tử cơ hội chính trị là ai?

Phần tử cơ hội chính trị thực chất là người tham vọng vô hạn độ với quyền lực chính trị. Cho dù không đủ tiêu chuẩn nhưng họ dùng mọi thủ đoạn để có được vị trí lãnh đạo trong thể chế chính trị, nhằm thực hiện mục đích cá nhân chứ không phải vì mục tiêu lý tưởng hay để phụng sự sứ mệnh của tổ chức khi họ là thành viên. Tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi giai đoạn lịch sử mà tính chất, mức độ và biểu hiện của các phần tử cơ hội chính trị ở mỗi nước sẽ khác nhau và trong mỗi thể chế chính trị cũng khác nhau. Ở Việt Nam, những phần tử cơ hội chính trị thực chất là những kẻ mang danh cán bộ, đảng viên, có tham vọng vô hạn độ với quyền lực chính trị, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Những phần tử cơ hội chính trị là những người nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, thậm chí “nói một đằng, làm một nẻo”. Cũng có kẻ nói hay, nói dẻo, nói đúng như nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhưng thực chất lại không tin, không phục; ra vẻ làm theo nghị quyết nhưng là để đối phó với tổ chức và kỷ luật đảng, che mắt thiên hạ và làm việc qua loa, đại khái, không đến nơi đến chốn. Cũng có khi họ luôn miệng nói trung thành với Đảng, nhưng lại núp dưới danh nghĩa đổi mới, lợi dụng nguyên tắc tập trung dân chủ để quyết định những chủ trương, dự án gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và mang nặng dấu ấn của “lợi ích nhóm” nhưng không dễ quy trách nhiệm và xử lý kỷ luật. Họ là những người có “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà, dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích vật chất.

Những phần tử cơ hội chính trị thường kén chọn chức danh, vị trí công tác, xin được làm, thậm chí “chạy” để có được vị trí việc làm có nhiều lợi ích vật chất, chọn việc dễ, tránh việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn, cho dù chức vụ cao hơn nhưng lại ít “bổng lộc”, không có cơ hội để tham nhũng. Họ thiếu gương mẫu trong công tác; không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao, trung bình chủ nghĩa, “giấu mình chờ thời”, lấy lòng người khác để có được nhiều phiếu khi bầu cử. Với một số cấp ủy viên đương nhiệm còn đủ điều kiện tái cử thì ngại va chạm, sợ trách nhiệm, sợ cấp dưới sẽ hơn mình nên không chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận; thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các công việc, nhất là những việc khó, nhạy cảm, phức tạp thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình vì sợ “rớt phiếu”.

Trong sinh hoạt đảng, những phần tử cơ hội chính trị thiếu tinh thần tự phê bình, giấu giếm khuyết điểm, hạn chế thấp nhất khi phải phê bình người khác, nhất là thủ trưởng; thực hiện “mũ ni che tai”, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Thậm chí, có người còn tranh thủ dịp phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hay ở thái cực khác là bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng, nhằm làm giảm uy tín của họ.

Những phần tử cơ hội còn gây mất đoàn kết hoặc để mặc nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng; hay, để xảy ra tham nhũng, thất thoát, tiêu cực ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Một số người đứng đầu vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, độc đoán, chuyên quyền, thiếu công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập dưới nhiều hình thức những người thẳng thắn đấu tranh, phê bình. Họ né tránh mỗi dịp tổ chức học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ hoặc bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, uy tín bị giảm sút; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức.

Cũng có không ít những kẻ cơ hội chính trị thiếu trung thực trong kê khai lý lịch, che giấu việc vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không dám giải trình rõ nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu; lợi dụng chức, quyền để thu lợi bất chính; bản thân hoặc người thân có quan hệ phức tạp với người nước ngoài nhưng không khai báo.

Đến kỳ bầu cử cấp ủy, những phần tử cơ hội chính trị tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ sự ủng hộ cho cá nhân một cách không trong sáng. Đây thực chất là người tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, bè phái, cục bộ, “lợi ích nhóm”.

Làm gì để loại bỏ những phần tử cơ hội ngay từ đại hội đảng bộ các cấp?

Vấn đề nhân sự đại hội đảng bộ các cấp bao giờ cũng quan trọng, luôn nhận được sự quan tâm của toàn Đảng và xã hội; đối với cấp càng cao thì sự quan tâm càng lớn vì đó là những lực lượng lãnh đạo có vai trò quyết định đến việc xác định đường lối chính trị và lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng. Vì vậy, việc sáng suốt lựa chọn những người có tầm nhìn chiến lược, đủ bản lĩnh chính trị; kiên quyết sàng lọc, không để lọt các phần tử cơ hội chính trị vào cấp ủy đảng các cấp càng trở nên quan trọng, cấp thiết, bởi điều đó quyết định sinh mệnh chính trị của Đảng và là trách nhiệm chính trị của toàn Đảng, toàn dân.

Muốn phòng ngừa tận gốc những kẻ cơ hội tìm cách “chui” vào vị trí lãnh đạo các cấp của Đảng, cần phải thực hiện nghiêm, thực hiện tốt, thực chất, có hiệu quả các quy định của Đảng về công tác cán bộ. Trước hết, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy các cấp phải bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch trong công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng trong nhiệm kỳ tới.

Các cấp ủy đảng phải chủ động ngay từ khâu quy hoạch cán bộ. Quy hoạch, chuẩn bị nhân sự chặt chẽ, chu đáo, chính xác là bước quan trọng đầu tiên sàng lọc không để lọt những kẻ cơ hội chính trị vào cấp ủy khóa mới. Tiếp đó là các khâu đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển để rèn luyện, thử thách, đánh giá cán bộ. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm các quy định về quy trình tuyển chọn, lựa chọn cán bộ, không chỉ theo đúng quy trình mà phải chọn đúng người. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu nhạy cảm nhất, khó khăn nhất và cũng là khâu yếu nhất kéo dài trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua. Đánh giá cán bộ phải chặt chẽ, thực chất, dân chủ, khách quan, minh bạch và đặc biệt là phải công tâm, không vì động cơ thiếu trong sáng mà “yêu nên tốt, ghét nên xấu”; đồng thời, phải hết sức tỉnh táo đối với những đối tượng “nói hay, diễn giỏi, hùng biện khéo” và tìm mọi cách “vòng vèo” để lọt vào cấp ủy khóa mới với động cơ háo danh, vụ lợi.

Quy hoạch, chuẩn bị nhân sự chặt chẽ, chu đáo, chính xác là bước quan trọng đầu tiên sàng lọc không để lọt những kẻ cơ hội chính trị vào cấp ủy khóa mới. (Trong ảnh: Các đại biểu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025). Ảnh: TTXVN

Phải lựa chọn cán bộ đáp ứng với tiêu chuẩn chung nêu tại Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 4-8-2017, của Bộ Chính trị khóa XII, về “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” là: “Trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng về độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trong bất cứ tình huống nào, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Có tinh thần yêu nước nồng nàn, đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Yên tâm công tác, chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy phải tiến hành 5 nội dung quan trọng, với yêu cầu phát huy tốt vai trò, chức trách, nhiệm vụ của từng chủ thể trong từng nội dung, mỗi bước của công tác nhân sự đại hội:

Thứ nhất, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ.

Trên cơ sở Quy định số 126-QĐ/TW, ngày 28-2-2018, của Bộ Chính trị, “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”, các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ các cấp tiến hành rà soát, thẩm tra, thẩm định, kết luận rõ tiêu chuẩn chính trị đối với cán bộ thuộc thẩm quyền. Công tác thẩm định phải bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình. Bảo đảm tất cả các trường hợp cán bộ, đảng viên được giới thiệu vào cấp ủy khóa mới đều phải được thẩm định và kết luận về tiêu chuẩn chính trị; kiên quyết không để những cán bộ không đủ tiêu chuẩn chính trị, tiêu chuẩn đạo đức được đề bạt, bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo, quản lý. Bản thân mỗi nhân sự khi được giới thiệu vào cấp ủy khóa mới phải có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trong bất cứ tình huống nào; không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm.

Với nguyên tắc một việc chỉ giao cho một người (hoặc một người phụ trách) và người đó phải chịu trách nhiệm đến cùng (hoặc chịu trách nhiệm chính) với công việc đó, cán bộ tham mưu được phân công theo dõi nhân sự phải chịu mọi trách nhiệm về thẩm định hồ sơ, đánh giá, giới thiệu cán bộ ứng cử từ đầu đến cuối và sẽ bị xử lý kỷ luật nếu có sai phạm do mục đích cá nhân không trong sáng, kể cả sau này mới phát hiện ra.

Thứ hai, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cấp ủy trong công tác cán bộ.

Người đứng đầu, nhất là người địa phương, phải hết sức công tâm, khách quan, khoa học trong chuẩn bị, chỉ đạo, điều hành các cuộc họp về chuẩn bị nhân sự cấp ủy. Cùng với việc phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong cấp ủy, phải chú trọng đấu tranh phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội chính trị và vi phạm nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của chính người đứng đầu nếu trong hành động của họ có biểu hiện tham vọng quyền lực, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong chuẩn bị nhân sự đại hội. Dứt khoát không để họ vun vén lợi ích cá nhân, chi phối tổ chức để giành lấy vị trí “độc tôn” trong việc sắp xếp nhân sự, nhằm xây dựng “phe cánh”, tạo dựng ê-kíp; đặc biệt là, đưa người nhà, người thân, dù không đủ tiêu chuẩn vào cấp ủy.

Thứ ba, phát huy vai trò của tập thể cấp ủy, nhất là ban thường vụ cấp ủy trong công tác nhân sự.

Nhiều sai lầm trong công tác nhân sự, để lọt kẻ cơ hội chính trị vào cấp ủy thường có nguyên nhân từ tập thể cấp ủy, nhất là ban thường vụ cấp ủy thiếu trách nhiệm, buông bỏ những nguyên tắc hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, ngại đấu tranh, không dám bày tỏ chính kiến, dễ dàng thỏa hiệp, dễ dãi thông qua danh sách tái cử và đề cử cấp ủy khóa mới.

Các cấp ủy, ban thường vụ, người đứng đầu cấp ủy các cấp cần quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị và Kết luận số 55-KL/TW, ngày 15-8-2019, của Ban Bí thư, “Về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng”. Theo đó, có đến 4/5 bước trong quy trình nhân sự là thông qua cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy, nên yêu cầu rất cao đối với từng thành viên các tổ chức này, không chỉ phải tỉnh táo, sáng suốt mà còn đòi hỏi bản lĩnh, trách nhiệm với phiếu tín nhiệm của mình trong mỗi bước của quy trình nhân sự.

Thứ tư, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác chuẩn bị nhân sự đại hội.

Cần phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng trong việc tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng thông qua góp ý, phê bình để người đứng đầu có đủ thông tin và sáng suốt trong quá trình chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp. Cần coi trọng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong việc giám sát cán bộ, đảng viên theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị, “Về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Nhiều thông tin quan trọng về cán bộ - nhân sự đại hội sẽ có được nếu phát huy tốt vai trò của nhân dân nơi cư trú, của báo chí và các mối quan hệ xã hội khác. Đây sẽ là yếu tố quan trọng để xác minh, kết luận, nhằm loại bỏ những phần tử cơ hội chính trị trước mỗi kỳ đại hội. Vì vậy, một mặt, cần sớm công khai danh sách ứng viên bầu vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng trước đại hội đảng bộ các cấp cho nhân dân biết để góp ý, cung cấp thông tin quan trọng, cần thiết liên quan đến các nhân sự dự kiến. Mặt khác, cần quản lý tốt thông tin đại chúng, nhất là mạng xã hội, tỉnh táo loại bỏ, vô hiệu hóa với những thông tin thiếu trung thực, thiếu tính xây dựng, thậm chí là thông tin bịa đặt nhằm hạ thấp uy tín của cán bộ tốt.

Thứ năm, phát huy trách nhiệm chính trị của mỗi đại biểu dự đại hội đảng bộ các cấp.

Đây là khâu quan trọng, quyết định nhất để có thể loại bỏ những phần tử cơ hội chính trị ra khỏi cấp ủy đảng cho dù họ đã lọt vào đến đại hội, kể cả với tư cách là “cơ cấu cứng”. Kẻ cơ hội chính trị khó có thể mua chuộc được cả đại hội, nhất là khi các quy định của Đảng, cụ thể là Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”, được ban hành. Theo đó, từng hành vi “chạy” phiếu bầu, “mua” phiếu bầu… đang bị toàn Đảng, toàn dân lên án và đấu tranh ngăn chặn mạnh mẽ.

Thực tế cho thấy, đại hội đảng bộ các cấp với số đảng viên tiêu biểu nhất và đông nhất, đại diện cho cả đảng bộ sẽ có vai trò quyết định nhân sự trúng cử cấp ủy. Vì thế, mỗi đại biểu cần tỉnh táo, phân tích sáng suốt, không để những tác động mang tính vụ lợi, không khách quan làm “méo mó” kết quả bầu cử. Dứt khoát không vì vật chất tầm thường (có thể là quà cáp, “phong bì” biếu tặng dưới nhiều hình thức) hay chịu ảnh hưởng của những sự “rỉ tai”, lôi kéo của người khác hoặc nghe theo thông tin thất thiệt chưa được kiểm chứng để rồi đánh mất mình, làm tổn thương đến niềm tin, kỳ vọng của tổ chức đảng đã gửi gắm và bầu mình đến đại hội để quyết định những vấn đề trọng đại của Đảng.

Với sự chuẩn bị nhân sự thật kỹ lưỡng, nêu cao trách nhiệm của toàn Đảng và toàn xã hội, chắc chắn chúng ta sẽ có những kỳ đại hội Đảng thành công, ghi nhận thêm những tiến bộ trong thực hiện dân chủ, góp phần khẳng định Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là đạo đức, là văn minh.

PGS, TS. NGUYỄN MINH TUẤN,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

---------------------------

(1) Nguyễn Tấn Tuân: “Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 - 2026 họp phiên đầu tiên”, https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/ban-chi-dao-xay-dung-quy-hoach-can-bo-cap-chien-luoc-nhiem-ky-2021-2026-hop-phien-dau-tien-553618, ngày 04-11-2018

(2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 8, tr. 476

Bình luận (0)

Lên đầu trang