Chú Ba Nghĩa - người thầy đáng kính của chúng tôi

Thứ Năm, 05/12/2024 08:31

|

(CATP) Là những người thuộc thế hệ đầu tiên được tuyển vào lực lượng CAND theo dạng tuyển đại học ngoài ngành, người lãnh đạo đầu tiên của cơ quan tuyển sinh mà chúng tôi gặp chính là chú Huỳnh Trọng Nghĩa, Phó trưởng Phòng Tổ chức cán bộ (TCCB), sau này là Đại tá, Phó Giám đốc Công an TPHCM (CATP). Số phận may mắn cho tôi là một trong số ít người được tuyển mà sau này được làm lính trực tiếp của chú.

Chú Ba Nghĩa lúc đó là cách gọi thân thương của cán bộ, chiến sỹ (CBCS) và lính mới như chúng tôi đối với chú. Nói là may mắn bởi lính mới vô Ngành như tôi lại chưa được đào tạo về nghiệp vụ bài bản, nếu không gặp được một thủ trưởng biết thương lính và tận tình chỉ bảo như chú chắc khó mà được trưởng thành như ngày nay, nói gì đến những bản lĩnh cần có của một cán bộ sau này tham gia vào công tác lãnh đạo, chỉ huy? Vì thế, những kỷ niệm về chú giờ đây dù đã qua gần 4 thập kỷ vẫn không thể phai nhòa....
 

Từ bản lĩnh người thầy...

Thầy theo tôi hiểu là người dìu dắt, chỉ dẫn, dạy dỗ không những trong lĩnh vực phụ trách mà cả trong ứng xử đời thường. Là thủ trưởng trực tiếp phụ trách công tác Đào tạo - Tuyển sinh của CATP lúc bấy giờ vốn rất nặng nề, bởi khối lượng công việc nhiều do nhu cầu bức bách về công tác này trong giai đoạn đó, nên tôi thấy lúc nào chú Ba Nghĩa cũng trăn trở lo toan với công việc. Tuy bận rộn là vậy, nhưng cách ứng xử của chú lại là bài học cho lớp trẻ chúng tôi. Đó là sự mềm mỏng, nho nhã không hề nóng giận hay tỏ thái độ quát nạt của bề trên mỗi khi chúng tôi có sai sót. Nhớ một lần tôi đã phạm sai lầm đúng ra không thể tha thứ. Đó là việc lập danh sách cử cán bộ đi đào tạo đã được chú chấp thuận, nhưng do thời hạn cấp bách phải nộp gấp, chú lại đi họp chưa thể ký, đóng dấu gửi đi. Vì nóng ruột và non nớt, tôi nghĩ đơn giản làm sao có chữ ký đem đóng dấu là được, nên đã lấy viết đồ lại chữ ký của chú và ung dung đem đi đóng dấu.

Nào ngờ cô văn thư đã phát hiện nên không những không đóng dấu lại còn đem bản danh sách với "chữ ký rởm" mà tôi là tác giả để báo với chú. Không ngờ lúc đó chú chỉ mĩm cười nói xin lỗi do chú vội đi họp nên ký không đúng cho chú xin lại. Nói rồi chú cầm tờ danh sách xé đi và thẳng tay bỏ sọt rác. Cảm giác của tôi là sự sợ hãi vô cùng. Lúc đó đã quá giờ cơm trưa, khi cô văn thư vừa quay gót chú mới hướng về phía tôi còn đang đứng như trời trồng và nói: "Trưa rồi, lấy xe chở chú đi ăn cơm"!

Trời! Vừa được chú có pha cứu tôi còn chưa kịp "chữa lành", giờ lại đứng hình vì tôi chỉ có mấy đồng dằn túi, không biết xoay xở thế nào để trả tiền cơm cho hai chú cháu đây? Như hiểu được tâm trạng tôi, chú vỗ vai nói: "Đi ăn, để chú bao". Khi đã yên vị nơi quán cơm, chú mới nhắc tôi: "Đây chỉ là chữ ký đóng dấu nội bộ nên sai lầm không phải là lớn, chứ ở các bộ phận khác thì nhẹ là lột áo về nhà, nặng thì vô tù đó! Ngành mình không thể nóng vội mà phải nghiêm túc thực hiện đúng nguyên tắc". Chú nói nhẹ nhàng vậy thôi nhưng đó là bài học nhớ đời và tôi luôn nhớ ơn người thủ trưởng vô cùng tâm lý này!

Công tác chỗ chúng tôi luôn được sự quan tâm săn đón của nhiều người, nên việc được mời đi ăn uống sau giờ làm việc không phải ít. Nếu bản thân luôn dễ dãi sau những lần mời mọc chắc chắn sẽ sa đà vô những việc không hay. Ở chú việc khéo léo từ chối những lần mời mọc như vậy là thường xuyên. Không những thế chú còn đề ra 5 nguyên tắc để răn dạy chúng tôi trước khi nhận lời, đó là đi với ai, ở đâu, người nào chủ trì, người nào chủ chi, mục đích? Nếu tất cả yếu tố trên bảo đảm không có vấn đề gì còn cảm thấy bất an thì mới được nhận lời. Điều để chúng tôi luôn ghi nhớ và thực hiện đúng lời dạy của chú là từ lời nói tới việc làm không mâu thuẫn. Cuộc sống của CBCS thời bao cấp thật khó khăn và chú cũng không ngoại lệ. Tuy là lãnh đạo nhưng gia đình đông người, nếu chỉ trông chờ vô đồng lương thôi thì không đủ, nên ngoài giờ làm chú lại tất bật chạy xe lên mảnh vườn giáp Củ Chi để nuôi trồng tăng thu nhập. Điều làm tôi ngưỡng mộ là sáng hôm sau vẫn thấy chú đến cơ quan đúng giờ, phục trang nền nã, phong thái vẫn ung dung tự tại (hồi đó Ngành mình còn chưa cấp đủ quân phục cho tất cả các lực lượng, nên nhiều bộ phận không trực tiếp chiến đấu hoặc tiếp xúc với người dân thì chỉ đeo bảng tên và mặc thường phục). Chú cũng vậy, không quân phục, quân hàm, quân hiệu... nhưng cách ăn mặc của chú tuy giản dị như chính nhân cách của chú mà vẫn toát lên sự uy nguy, phép tắc. Cùng với đó là nụ cười luôn thường trực. Đó là nụ cười rất đặc biệt mà khi nhớ về chú là nhớ đến nụ cười vừa có sức lan tỏa trong đó bao hàm cả sự nhân từ độ lượng.

Đại tá Huỳnh Trọng Nghĩa đã gắn bó và cống hiến cho lực lượng CATP từ những ngày đầu giải phóng

Đến tầm nhìn xa về lĩnh vực công tác đảm trách

Hồi đó khi được chú tin tưởng giao dự thảo báo cáo công tác đào tạo cán bộ của 5 năm trước và phương hướng cho những năm 90 của thế kỷ trước. Là dân theo học môn tự nhiên nên việc đầu tiên của công tác này là phải thống kê trình độ của CBCS. Do thời đó không có máy vi tính như bây giờ nên mọi công việc đều phải làm thủ công rất vất vả, độ chính xác cũng chỉ tương đối. Vậy mà khi trình kết quả thống kê cho chú thì cả thầy trò đều bật ngửa.

Chú nói với tôi mà như chỉ nói riêng với mình về kết quả này: Mặt bằng chung của chúng ta nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung còn thấp do đều có một đặc thù là các địa phương mới giải phóng, nguồn cán bộ thiếu nên phải bổ sung từ nhiều nơi. Quý nhất là số cán bộ chi viện từ các tỉnh phía Bắc đã được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm công tác nhưng số đó không nhiều. Giờ đây bài toán đặt ra là phải giải quyết trước mặt bằng về trình độ văn hoá trong thời gian ngắn rồi mới tính đến nâng cao về đào tạo nghiệp vụ. Thế là việc thiết lập mối quan hệ công tác với Sở Giáo dục (nay là sở Giáo dục và Đào tạo) trở nên khăng khít và khẩn trương.

Sau đó được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của đơn vị bạn mà trực tiếp là Phòng Bổ túc văn hoá (nay là Phòng Giáo dục thường xuyên), nhiều lớp học văn hóa tại các đơn vị phòng, quận, huyện được thành lập với nhiều hình thức học linh hoạt. Điều này rất phù hợp với điều kiện vừa học tập, vừa công tác của CBCS. Hình thức học này hơn hẳn cách để các CBCS tự liên hệ học văn hóa ở các trường bên ngoài hoặc tại PX14/VH-NN của CATP, mà lúc đó phải giải thể vì không còn phù hợp. Thủ trưởng các đơn vị lúc này cũng rất ủng hộ vì vừa luôn có lực lượng thường trực tại đơn vị vừa có điều kiện quản lý và theo sát được quá trình học tập của CBCS.

Bản thân chú Ba Nghĩa cũng là người gương mẫu tiên phong tham gia các lớp học này. Thương chú nhiều việc lại vất vả vì gia đình, đám lính trẻ chúng tôi phân công nhau buổi tối đến nhà chú để phụ đạo thêm. Vậy là vị thế đã thay đổi, giờ hành chính trong cơ quan, chú sửa các văn bản dự thảo của chúng tôi, tối đến chúng tôi lại sửa bài tập cho chú. Dù hoàn cảnh nào thì cả hai phía đều rất nghiêm túc trong vai trò của mình. Phải công nhận là chú đã lớn tuổi mà giờ phải cặm cụi giải bài toán phương trình hoặc tập làm văn nghị luận thì cũng thương, nhưng được cái chú học chăm chỉ, nghiêm túc và đặc biệt sáng dạ. Trong quá trình học chú hay đưa ra những câu hỏi bất ngờ như: Tại sao chiều của đường sức lại luôn theo một hướng âm dương, có khi nào ngược lại không? Hoặc như các ion trong dung dịch sao không chìm xuống đáy mà lại chuyển động hỗn loạn. Đôi khi bản thân tôi cũng thầm thán phục và so sánh nếu thời trẻ chú không phải tham gia đánh Mỹ mà được đi học chính quy như lứa chúng tôi thì chắc chú rất giỏi.

Tôi càng thấm thía hơn ngày mở lớp, đồng chí đại diện học viên đã phát biểu, tuổi trẻ của chúng tôi đã bỏ lại ở chiến trường, nay được quan tâm cho đi học dù rất vất vả nhưng xin hứa sẽ cố gắng vượt qua.

Đồng chí Huỳnh Trọng Nghĩa là một trong những lãnh đạo của CATP lúc sinh thời luôn có sự quan tâm sâu sát đến tờ Báo CATP. Ông đã dành nhiều tâm huyết trong công tác chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện đưa tờ báo vượt qua khó khăn, thử thách để đi vào ổn định và phát triển.

Bên cạnh việc tập trung ưu tiên phổ cập văn hóa cho số cán bộ chủ chốt, chú Ba Nghĩa cũng đã chỉ đạo phải chọn cử các CBCS trẻ, có năng lực phẩm chất để đưa đi đào tạo hệ đại học chính quy, vì đó là bộ phận nòng cốt bổ sung cho lực lượng sau này. Việc này chú rất kiên quyết, không để tự CBCS đăng ký mà chọn cử. Để đạt được tỷ lệ đậu đại học cao so với mặt bằng chung, chú cũng yêu cầu phải nhờ Sở Giáo dục chọn những thầy cô giỏi, có tâm huyết sang mở các lớp ôn luyện thi. Cùng với sự cố gắng vượt bậc của các học viên và sự giảng dạy chất lượng của các thầy cô đã cho kết quả bất ngờ, không những tỷ lệ đậu cao hơn mọi năm mà có nhiều thí sinh đã đạt điểm được chọn cử ra nước ngoài học tập. Trong số đó có đồng chí nay đã lên cấp tướng và là lãnh đạo của lực lượng CATP.

Nhớ mới đây chú đã về dự họp mặt đơn vị, trông chú còn rất khoẻ và minh mẫn, còn cho ý kiến về buổi họp mặt của năm sau nhân kỷ niệm 50 năm thành lập đơn vị. Vậy mà nay chú đã đi xa. Xin thắp nén hương lòng vĩnh biệt chú - người thầy đáng kính của chúng tôi!

TIN BUỒN

Ban Lễ tang và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:

Đại tá HUỲNH TRỌNG NGHĨA, SN 1941; nguyên Phó Giám đốc Công an TPHCM; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huy chương Bảo vệ An ninh Tổ quốc, Huy chương Vì thế hệ trẻ; đã từ trần vào lúc 18 giờ 40 phút, ngày 03/12/2024 (nhằm ngày 03 tháng 11 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 84 tuổi.

Linh cữu quàn tại tư gia, số 226 Ấp Rạch, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (miễn chấp điếu). Lễ nhập quan lúc 8 giờ 00 phút, ngày 04/12/2024. Lễ viếng từ 9 giờ 00 phút, ngày 04/12/2024 đến 13 giờ 00 phút, ngày 06/12/2024. Lễ động quan lúc 14 giờ 00 phút, ngày 06/12/2024. Linh cữu sau đó được đưa đi an táng tại quê nhà.

CHIA BUỒN

Được tin Đại tá HUỲNH TRỌNG NGHĨA, nguyên Phó Giám đốc Công an TPHCM từ trần, Đảng ủy - Ban Biên tập cùng toàn thể cán bộ chiến sĩ, phóng viên, công nhân viên Ban Chuyên đề Công an TPHCM xin gửi đến gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất!

BAN BIÊN TẬP

Bình luận (0)

Lên đầu trang