Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp bước đầu vận hành ổn định
Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh Bình Dương (cũ) ước tăng 8,3%, cao hơn cùng kỳ năm 2024. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 45.000 tỷ đồng, bằng 62% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 26% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 78.000 tỷ đồng, tăng 12,5%.

Thường trực UBND TPHCM chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các xã, phường về tình hình hoạt động sau sắp xếp tổ chức bộ máy
Tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 32,9% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn bình quân chung cả nước (29,6%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 196.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2024.
Kim ngạch xuất khẩu đạt 18,4 tỷ đô la Mỹ, tăng 13,9% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 13 tỷ đô la Mỹ, tăng 13,2% (cùng kỳ tăng 9,9%). Cán cân thương mại tiếp tục duy trì thặng dư lớn, với mức xuất siêu 5,4 tỷ đô la Mỹ.
Thu hút đầu tư trong nước được 3,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 26% cùng kỳ và thu hút đầu tư nước ngoài gần 1 tỷ đô la Mỹ, tăng gấp 2,3 lần cùng kỳ. Đến nay trên địa bàn có 29 khu công nghiệp, 10 cụm công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy trên 85%; 79.500 doanh nghiệp có vốn trong nước với tổng vốn 891.000 tỷ đồng và 4.500 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn 42,7 tỷ đô la Mỹ.
Các lĩnh vực an sinh xã hội, giáo dục, y tế được đảm bảo; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,06%. Đặc biệt, chương trình xóa nhà tạm đã hoàn thành trong vòng 75 ngày.
Theo lãnh đạo các xã, phường, sau khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (không còn cấp huyện) kể từ ngày 01/7/2025, các Trung tâm Phục vụ Hành chính công các xã, phường mới đã tiếp nhận tổng số 17.798 hồ sơ, hệ thống bước đầu vận hành ổn định.

Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Võ Văn Minh phát biểu tại buổi làm việc
Hiện có 08/14 sở, ngành đã chuyển cán bộ, công chức về TP.HCM làm việc. Đa phần cán bộ, công chức chấp hành theo phân công, tuy nhiên vẫn có nguyện vọng được công tác tại khu vực Bình Dương do khó khăn về thời gian di chuyển, chưa tìm được chỗ ở, chưa có nhà công vụ…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các xã, phường cho biết hầu như các địa phương đã cơ bản đi vào hoạt động ổn định. Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động như: Cơ sở vật chất chưa đáp ứng điều kiện hoạt động; việc tiếp nhận hồ sơ còn vướng do chưa đồng bộ về mã số thuế và mã định danh; hệ thống phần mềm chưa đảm bảo thông suốt; chưa kịp thời cập nhật chữ ký số cho các công chức, viên chức; chưa cập nhật địa giới hành chính…
Lãnh đạo các xã, phường kiến nghị Thành phố sớm hướng dẫn về kinh phí ngân sách nhà nước; hướng dẫn đơn giá đất để tính giá trị quyền sử dụng đất khi xác định nghĩa vụ tài chính…
Tạo thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận dịch vụ hành chính công nhanh chóng, hiệu quả
Sau khi lắng nghe các kiến nghị của địa phương, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được khẳng định, việc sáp nhập các địa phương vào TP.Hồ Chí Minh mở ra một giai đoạn phát triển mới, với yêu cầu cao hơn, thách thức lớn hơn nhưng cũng là cơ hội để khẳng định tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự nỗ lực của toàn hệ thống chính quyền.

Lãnh đạo các xã, phường, sở ngành trả lời các kiến nghị của địa phương
Chủ tịch UBND Thành phố kêu gọi mỗi cán bộ, công chức cần bỏ qua những khác biệt về địa lý, văn hóa để hướng về mái nhà chung; phát huy nguồn lực, tiềm năng lợi thế, cùng một quyết tâm phấn đấu vì tầm nhìn phát triển mới, toàn tâm toàn lực thực hiện nhiệm vụ, “làm hết việc chứ không chỉ làm hết giờ”.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được yêu cầu các cấp, các ngành nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, theo hướng chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn. Trong bối cảnh địa bàn Thành phố mở rộng, cần áp dụng mạnh mẽ công nghệ số để quản lý, điều hành linh hoạt, thông minh.
Việc phân công nhiệm vụ trong ban lãnh đạo, các phòng ban chuyên môn phải được rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm phủ kín các lĩnh vực quản lý, không để trống trách nhiệm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận dịch vụ hành chính công nhanh chóng, minh bạch và hiệu quả.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được phát biểu kết luận buổi làm việc
Về định hướng nhiệm vụ các tháng cuối năm, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân cùng đồng tâm hiệp lực đưa Thành phố vươn lên tầm nhìn mới, phấn đấu trở thành Thành phố Top 100 trên thế giới vào năm 2045.
Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu trong tháng 7/2025, các đơn vị phải hoàn thành quy chế phân công nhiệm vụ, công bố trình tự thủ tục hồ sơ trong giải quyết các thủ tục hành chính đối với cấp xã, phường và hướng đến giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới hành chính.
Bên cạnh đó, Thành phố sớm bố trí nguồn ngân sách đầu tư các Trung tâm Phục vụ hành chính công để đảm bảo về con người, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại và vận dụng công nghệ số để giải quyết công việc trong bối cảnh mới.

Toàn cảnh buổi làm việc
Về công tác quy hoạch, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, sẽ tiếp tục cập nhật và điều chỉnh phù hợp với định hướng mới trong tương lai phát triển của Thành phố. Đồng thời, yêu cầu tập trung đẩy mạnh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai, chú trọng hoàn thiện các thủ tục sớm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đường sắt.
Về phát triển công nghiệp, Thành phố có chủ trương phát triển đô thị, công nghiệp công nghệ cao ở trung tâm và di dời các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm ở vùng đô thị trung tâm sang các vùng địa phương phía Bắc. Vì vậy, Thành phố sẽ tập trung quy hoạch các khu công nghiệp để tiến hành di dời.
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Được mong muốn, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp ở 36 xã, phường trên địa bàn Bình Dương (cũ) tiếp tục vượt qua các khó khăn thách thức, hành động quyết liệt để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ, tiếp tục đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong năm 2025 và những năm tiếo theo.