(CAO) Trả lời câu hỏi của các phóng viên tại buổi họp báo thường kỳ thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4-2018 của UBND TP.HCM, diễn ra ngày 2-5, đại diện UBND TP cùng các các sở ngành đã thông tin các vấn đề liên quan đến bản đồ quy hoạch 1/5.000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đến giờ vẫn chưa tìm thấy.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM cho biết, TP đã rà soát cũng như có văn bản hỏi các bộ, ngành Trung ương.
Tuy nhiên, từ năm 1995 đến nay đã hơn 20 năm, nhiều đơn vị đã chuyển địa điểm, các đơn vị cho biết không lưu trữ bản đồ này. Hiện tài liệu hồ sơ thì có lưu nhưng đi kèm bản đồ thì không có. Thành phố đã báo cáo Chính phủ cũng như Bộ Tư pháp để có ý kiến.
Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan khẳng định, bản đồ Khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa tìm thấy trong bộ hồ sơ lưu chứ không phải là không có.
Trong thủ tục trình Chính phủ có đầy đủ tất cả theo quy định thì mới được phê duyệt… Rất tiếc đã hơn 20 năm, việc lưu trữ chưa thấy bản đồ quy hoạch gốc. Thành phố đã chỉ đạo phải tìm bằng được, hiện có lẽ mới tìm được bản photo, bản sao chụp chứ không phải bản gốc, bản màu.
Bản đồ quy hoạch 1/5.000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm đến giờ vẫn chưa tìm thấy. Ảnh minh họa
*Cũng tại buổi họp báo, đại diện UBND TPHCM cũng cho biết, TP sẽ cho đấu giá công khai 9 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm để chọn ra nhà đầu tư phù hợp nhất.
Theo ông Võ Văn Hoan, đây là dự án có quy mô khá lớn, dự kiến giá khởi điểm lên đến 27.000 - 28.000 tỷ đồng.
Nhà đầu tư khi trúng đấu giá phải thực hiện đúng theo quy hoạch, chức năng đã phê duyệt. Không phải nhà đầu tư nào cũng được tham gia, mà phải đạt 5 điều kiện: đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư; có năng lực quản lý; trách nhiệm tham gia đầu tư hạ tầng phục vụ cho dự án và kết nối xung quanh; chấp nhận ký quỹ làm tin và phải có khả năng huy động vốn tốt.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã đồng ý cho đấu giá quyền sử dụng 9 lô đất thuộc Khu chức năng số 1 khu đô thị Thủ Thiêm.
Các khu đất này rộng 78.000m2, đã được giải phóng mặt bằng nhưng chưa có hạ tầng kỹ thuật và đường giao thông kết nối; trong đó, 6 lô được quy hoạch là khu dân cư đa chức năng, còn lại là thương mại đa chức năng.
Ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh, thành phố làm việc này vì mục tiêu chung, phát triển đô thị, tạo cơ hội cho người dân được sống tốt hơn chứ không có mục tiêu nào khác. Do quy mô và nhiệm vụ của khu này khá quan trọng nên TP có thể kêu gọi thêm các nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Trong khi đó, ông Võ Công Lực, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường TP) cho biết, quy trình đấu giá sẽ được thực hiện theo Thông tư 14 liên tịch của Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tư pháp, đó là đo đạc diện tích chính xác, thuê công ty tư vấn độc lập xác định giá, trình UBND TP, lên phương án đấu giá, thực hiện việc bán đấu giá.
Chia sẻ thông tin liên quan đến vấn đề bán đấu giá đất công, ông Võ Công Lực cho biết thêm, gần đây TP bán đấu giá 584 nền đất tại quận 2 với thời gian kéo dài kỷ lục, diễn ra từ 8 giờ sáng đến hơn 23 giờ. Giá khởi điểm là hơn 1.300 tỷ đồng nhưng sau đó thu được hơn 2.000 tỷ đồng. Đây là mức giá khá chênh lệch so với giá khởi điểm.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng được vậy, như trường hợp trước đây bán đấu giá 3.700 căn nhà với giá khởi điểm 9.000 tỷ đồng nhưng không ai tham gia.
Tại buổi họp báo, đại diện các sở ngành cũng trả lời các câu hỏi liên quan về quản lý đất công trên địa bàn; tình trạng và nguyên nhân “sốt đất” tại một số khu vực của thành phố; vấn đề sử dụng xe công, khoán sử dụng xe công…