Chương trình “Doanh nhân – Chúng tôi và Chúng ta": Ấn tượng, xúc động và ý nghĩa

Chủ Nhật, 13/10/2024 14:41

|

(CAO) Tối 12/10, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức Chương trình “Gặp gỡ tháng 10” năm 2024, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024).

Đến dự chương trình có Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Tăng Hữu Phong, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Võ Tân Thành; đại diện các sở ban ngành; lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA); đại diện các hội, câu lạc bộ doanh nghiệp và đông đảo các doanh nhân...

Các đại biểu, khách mời, doanh nhân tham dự chương trình

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Trần Hoàng - Tổng Biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn cho biết, cứ vào tháng 10, giới doanh nhân Thành phố và cả nước phấn khởi tổ chức các hoạt động nhằm kỷ niệm ngày truyền thống đầy tự hào và cùng nhớ về ngày lịch sử sâu sắc khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công Thương Việt Nam vào ngày 13/10/1945. Hòa chung với không khí của ngày hội, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức Chương trình Gặp gỡ tháng 10 với chủ đề: "Doanh nhân – Chúng tôi và Chúng ta".

"Con đường kinh doanh, phát triển kinh tế, xây dựng Thành phố và đất nước là con đường vinh quang và tự hào nhưng đầy khó khăn của doanh nhân – những chiến sĩ tuyến đầu trên mặt trận kinh tế. Họ đã và sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ khi có sự hỗ trợ và đồng hành của các tầng lớp xã hội khác. Mục tiêu dân giàu, nước mạnh không chỉ phụ thuộc vào đội ngũ Doanh nhân - Chúng tôi mà là tất cả Chúng ta", ông Trần Hoàng chia sẻ về chủ đề của chương trình.

 Ông Trần Hoàng - Tổng Biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phát biểu

Phát biểu tại chương trình, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, trải qua các giai đoạn phát triển, sau đổi mới, đến nay, sau 20 năm, vai trò của doanh nhân ngày càng được khẳng định, thể hiện niềm tin của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp xã hội vào doanh nhân.

Cùng cả nước, lực lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Thành phố chúng ta đã không ngừng lớn mạnh, chất lượng ngày càng nâng cao, vươn tầm quốc tế, đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đội ngũ doanh nhân đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, nâng cao vị thế kinh tế của TPHCM đối với cả nước, khu vực và trên thế giới.

 Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu

Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam trong thời điểm tình hình kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn, tác động tiêu cực trên thế giới đang tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, sự điều hành của doanh nhân và mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Thay mặt lãnh đạo TPHCM, ông Võ Văn Hoan chia sẻ và cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nhân, thực hiện các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nhân vượt qua khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

"Tôi cũng mong rằng, hơn bao giờ hết, lực lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Thành phố chúng ta sẽ tiếp tục phát huy đặc trưng văn hóa, tính cách của con người Thành phố luôn năng động, sáng tạo, vượt qua thử thách, nhân ái, nghĩa tình, trách nhiệm và thi đua kinh doanh giỏi để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn các doanh nhân sẽ sớm tiếp cận các tiêu chuẩn về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, để nghiên cứu, đưa vào áp dụng cho quy trình sản xuất, kinh doanh, thương mại của mình nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các đối tác quốc tế...", Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.

 Các đại biểu, khách mời, doanh nhân đã rất xúc động khi theo dõi phim tư liệu về doanh nhân với tựa đề "Chúng tôi và Chúng ta" trình chiếu tại chương trình

Tại chương trình, Ban tổ chức đã chiếu phim tư liệu về doanh nhân với tựa đề "Chúng tôi và Chúng ta" do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Hãng phim Truyền hình TPHCM (TFS) sản xuất.

Các khách mời, doanh nhân đã xúc động khi cùng nhau nhìn lại lịch sử phát triển kinh tế của Thành phố, đất nước, từ những bước tiên phong mở lối đến thời kỳ đổi mới phát triển. Ở đó, mỗi chặng đường đều có hình ảnh của doanh nhân Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ doanh nhân TPHCM thật vẻ vang, đầy tự hào. 

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cùng các khách mời giao lưu, chia sẻ tại chương trình

Những doanh nhân đại diện cho thế hệ đi trước như ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Công nghệ Hồng Cơ, ông Nguyễn Ái Hữu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Xelex... ngay sau đó đã được mời lên sân khấu để giao lưu, chia sẻ về những chặng đường của họ, cũng như các thế hệ doanh nhân đã đi qua.

 Ông Trần Hoàng - Tổng Biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tặng hoa tri ân các khách mời tham gia giao lưu

Những câu chuyện họ mang đến chương trình không chỉ là những thành công ấn tượng, mà còn là những bài học và triết lý kinh doanh đậm chất nhân văn. Nhấn mạnh rằng, để duy trì được sự bền vững, doanh nghiệp không chỉ cần tầm nhìn dài hạn mà còn phải linh hoạt thích ứng với những biến động không ngừng của thị trường. Các thế hệ doanh nhân đi trước đã từng đối diện với khủng hoảng kinh tế, những cú sốc thị trường và thậm chí cả những thay đổi về chính sách. Tuy nhiên, chính những thời điểm khó khăn đó lại là cơ hội để họ rèn luyện bản lĩnh, rèn chí dám nghĩ dám làm để tìm ra những hướng đi mới mang tính đột phá.

Đặc biệt, các doanh nhân "gạo cội" cũng nhấn mạnh tinh thần cống hiến vì cộng đồng, vì xã hội. Họ kêu gọi thế hệ doanh nhân trẻ chú trọng không chỉ đến lợi nhuận mà còn đến việc đóng góp cho đất nước, cộng đồng và bảo vệ môi trường, kinh doanh bền vững...


Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Một doanh nhân tốt và thành đạt phải có đủ 3 chữ "Tâm-Tài-Tầm"

Trao đổi với Báo Công an TPHCM bên lề chương trình, về lý do vì sao vào năm 1984, khi đang là thanh tra tài chánh của Boeing, lương cao, ổn định, nhưng ông lại quyết định về Việt Nam, thời điểm này trong nước còn đang rất khó khăn? Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết: Đơn giản vì tôi là người Việt Nam, dòng máu Việt luôn chảy trong người. Năm 1984, Lúc đó tôi nhận được điện thoại từ đại diện Ngoại giao Việt Nam tại Liên Hợp quốc mời về thăm đất nước. Tôi đã cùng 2 con trai trở về, được ít ngày thì 2 cháu bị sốt xuất huyết mà thời đó thuốc chữa trị rất thiếu thốn, vào bệnh viện nhưng các y bác sĩ cũng chỉ hướng dẫn gia đình cho cháu uống nhiều nước và lấy chanh chà lên người để giảm sốt. Rồi nghe ở phòng bên cạnh những tiếng người khóc vì con họ đã tử vong, thật đau xót! Những ai đã trải qua thời kỳ đó đều hiểu! Rất may các con tôi đã qua khỏi.

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG)

Trên đường trở về Philipines tôi luôn đau đáu một điều: Làm sao để quê hương mình bớt thiếu thốn về y tế, thuốc men. Chính vì thế sau khi nhận được lời đề nghị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là giúp Hàng không Việt Nam mở đường bay tới Phillipines, tôi đã nhận lời ngay. Thế rồi vượt qua nhiều khó khăn tôi đã kết nối được đường bay giữa Việt Nam và Phillipines. Tiếp theo là thúc đẩy một loạt các hiệp định hàng không với nhiều quốc gia trong khu vực ra đời, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương kinh tế, hàng hoá với các nước. Đây cũng là điều đã thúc đẩy tôi trở về Việt Nam để thành lập công ty và phát triển kinh doanh cho tới bây giờ.

Được biết, ông hiện là Phó Chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính và Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu", cá nhân ông cùng gia đình và doanh nghiệp đã tham gia và đóng góp nhiều vào công việc thiện nguyện, hướng về cộng đồng. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Là một doanh nhân, cũng là công dân thì trách nhiệm của tôi phải gắn liền với cộng đồng, tôi luôn nói với nhân viên cũng như anh em bạn bè hay người thân trong gia đình: Nếu muốn làm một doanh nhân tốt và thực sự thành đạt phải có 3 chữ đi với nhau: "Tâm-Tài-Tầm". Cái Tâm phải đưa lên đầu, lợi ích trước mắt nhưng cái hại sau lưng thì tuyệt đối không được làm. Rồi mới tới chữ Tài, phải do trau dồi, học hành, chăm chỉ, chịu quan sát, tư duy và sáng tạo, nó không tự nhiên mà có, phải do rèn luyện, tôi luyện mới thành. Và cuối cùng là chữ Tầm, là nhìn xa trông rộng, nhìn xuyên xuốt, thấu đáo và kỹ lưỡng để có định hướng lâu dài.

Đây chính là Kim chỉ nam định hướng đi của tôi và các thế hệ tương lai trong gia đình noi theo. Công việc thiện nguyện đã được tôi và gia đình cũng toàn thể Công ty triển khai lâu dài từ nhiều năm trước, tài trợ cho Quỹ học bổng Vừ A Dính cũng là một phần trong công việc xã hội của công ty, bởi vì chỉ có con đường học tập mới giúp con người chúng ta tiến bộ. Tôi đã ủng hộ và vận động gây Quỹ từ khi số tiền còn khá khiêm tốn, đến nay mỗi năm tổng số tiền cũng như các dự án được các nhà hảo tâm ủng hộ đã lên tới hơn 80 tỷ đồng.

Về Câu lạc bộ "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu" tôi có quan điểm như thế này: Bảo vệ chủ quyền và biển đảo của đất nước không là nghĩa vụ của riêng ai mà là của toàn dân, chúng ta không trực tiếp cầm súng canh giữ, chiến đấu được, nhưng chúng ta có thể ủng hộ và tiếp sức cho các chiến sĩ yên tâm, vững vàng bảo về lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc. Hãy làm điều đó bằng trái tim của mình vì điều thiêng liêng nhất là toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Chúng ta nên làm cái gì đó để hậu phương vững chắc, để những chiến sĩ yên tâm canh giữ từng tấc đất, vùng trời, biển của quê hương!

Bình luận (0)

Lên đầu trang