Công an TPHCM giải đáp nhiều thắc mắc về thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp

Thứ Sáu, 23/08/2024 12:51  | Mai Anh

|

(CAO) Ngày 23/8, Công an TPHCM tổ chức Hội nghị đối thoại trực tiếp với người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính (TTHC), giải quyết TTHC năm 2024 trên địa bàn.

Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TPHCM chủ trì buổi đối thoại. Tham dự có đại diện lãnh đạo một số phòng chức năng thuộc CATP.

Tại hội nghị, nhiều người dân, đại diện tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã có nhiều câu hỏi, ý kiến thắc mắc về các lĩnh vực liên quan đến vấn đề cấp căn cước cho các đối tượng, việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi có thật cần thiết hay không? Thủ tục sang tên khi người dân mua xe mô tô, ô tô ở địa phương khác; Kiểm định phương tiện; Vấn đề cấp hộ chiếu, khai báo lưu trú cho khách nước ngoài…

Quang cảnh buổi đối thoại

Đại diện lãnh đạo các phòng nghiệp vụ CATP đã lần lượt trả lời chi tiết, cụ thể các câu hỏi, ý kiến thắc mắc của người dân, đại diện tổ chức, doanh nghiệp…

Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TPHCM khẳng định, đơn vị luôn sẵn sàng tiếp nhận, giải đáp và cùng tháo gỡ những thắc mắc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp về TTHC, nhằm đảm bảo cao nhất quyền lợi hợp pháp của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Với các ý kiến góp ý, xây dựng, hướng tới tiến độ hoàn thiện TTHC thì các đơn vị cần được ghi nhận một cách đầy đủ, cụ thể, tham mưu cho lãnh đạo để đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện.

Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TPHCM phát biểu tại buổi đối thoại

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, trong 8 tháng năm 2024, Công an TPHCM tiếp nhận, giải quyết gần 6,2 triệu hồ sơ ở các lĩnh vực. Trong đó, gần 3,3 triệu hồ sơ lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh (có 241.659 hồ sơ cấp hộ chiếu phổ thông, 32.914 hồ sơ liên quan đến người nước ngoài và Việt kiều, hơn 3 triệu hồ sơ khai báo tạm trú người nước ngoài); 641.295 hồ sơ đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; 2.019.134 hồ sơ đăng ký quản lý cư trú; tiếp nhận hơn 8 triệu hồ sơ cấp căn cước; giải quyết 7.490 hồ sơ phòng cháy, chữa cháy.

Đến nay, CATP đã công khai 213 TTHC (trước đây là 171 TTHC), đảm bảo các yêu cầu rõ ràng, đầy đủ, chính xác, kịp thời, thường xuyên rà soát, cập nhật, nêu rõ các bộ phận tạo thành TTHC… CATP tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc triển khai 124 dịch vụ công trực tuyến.

Tính đến ngày 15/8, CATP đã tiếp nhận, xử lý hơn 5,7 triệu trên tổng số gần 6,2 triệu hồ sơ trực tuyến (đạt tỷ lệ 93,3%). Hiện nay, 100% các đơn vị thuộc CATP đã áp dụng, thực hiện tốt các quy trình đã công bố phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn công tác, góp phần đẩy mạnh cải cách TTHC.

Thông qua việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông và các ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại hiệu quả thiết thực, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

Thu nhận mống mắt không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân

Tại hội nghị, nhiều người dân thắc mắc về việc mống mắt được thu thập làm dữ liệu căn cước có ảnh hưởng nguy hại gì tới người dân? Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, Luật Căn cước 2023 có thông tin dữ liệu sinh trắc phải bắt buộc thu nhận là sinh trắc mống mắt, cùng với các sinh trắc khác đã thực hiện. Thiết bị thu nhận sinh trắc mống mắt là thiết bị chuyên dụng được cơ quan y tế kiểm nghiệm nên không ảnh hưởng đến mắt.

Do điều kiện lịch sử, văn hóa và hoàn cảnh kinh tế, trên đất nước Việt Nam còn rất nhiều người đã di chuyển đến các khu vực biên giới giáp ranh với nước khác. Hiện nay, TPHCM và cả nước có những trường hợp là người gốc Việt Nam nhưng theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 không xác định được quốc tịch. Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải thông tin, Luật còn có điểm mới là cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Khi có giấy chứng nhận căn cước, người chưa xác nhận quốc tịch được thực hiện các giao dịch cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của họ trên lãnh thổ Việt Nam.

Về việc người dân không đăng ký cư trú được qua phần mềm do bị lỗi, Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải chia sẻ, trong giờ cao điểm do đường truyền máy móc bị trục trặc dễ dẫn tới chậm trễ cho người dân. Nếu người dân không đăng ký được trên cổng dịch vụ công thì Công an sẽ hướng dẫn, tiếp nhận để giải quyết các trường hợp trên.

Nhiều doanh nghiệp, người dân đặt câu hỏi cho các đơn vị chức năng thuộc CATP

Về vấn đề liên quan đến mua bán xe, Thượng tá Đỗ Trung Dung, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, với chủ xe không làm thủ tục thu hồi đăng ký xe, biển số xe thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với các vấn đề phát sinh. Trong vòng 30 ngày, chủ xe nếu không làm thủ tục thu hồi thì phải chịu trách nhiệm như bị phạt nguội hoặc xe đó gây tai nạn. Người bán xe làm thủ tục thu hồi sau đó người mua xe đến Công an làm thủ tục sau vẫn được chấp nhận chứ không nhất thiết phải đi cùng.

Liên quan đến vấn đề hộ chiếu, Thượng tá Nguyễn Đức Nghiệm, Phó trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh cho biết, hiện 100% nộp hộ chiếu bằng cách khai online trên Cổng dịch vụ công; nếu người dân tới vẫn sẽ có cán bộ hướng dẫn khai trên Cổng dịch vụ công. Thao tác trên Cổng rõ ràng và dễ thực thực hiện, sau khi tiếp nhận hồ sơ thì 8 ngày sau sẽ có kết quả.

Về vấn đề liên quan đến cơ sở lưu trú, Thượng tá Nguyễn Đức Nghiệm thông tin, các cơ sở lưu trú phải theo dõi visa của khách nước ngoài. Với người hết hạn thì sẽ bị xử phạt; chủ cơ sở lưu trú phải báo ngay cho Công an phường hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh để được hướng dẫn xử lý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang