(CAO) Luật Căn cước dù không bắt buộc phải đổi thẻ CCCD sang thẻ căn cước nhưng cơ quan công an khuyến khích người dân nên bổ sung dữ liệu sinh trắc học về ADN, mống mắt và giọng nói. Việc này mang lại rất nhiều lợi ích như liên quan đến sức khỏe hoặc bị giả mạo thì dữ liệu sinh trắc học sẽ giúp xử lý chính xác và nhanh hơn.
Đây là thông tin được Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó Phòng Tham mưu Công an TPHCM đưa ra tại cuộc họp báo định kỳ hàng tuần về tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn do Ban tuyên giáo Thành ủy và Sở TT&TT TPHCM tổ chức vào chiều 29/2.
Trước đó, ngày 27/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khóa XV), Quốc hội thông qua Luật Căn cước. Theo đó, Luật gồm 7 Chương 46 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Đây là một bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ Căn cước, căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về chuyển đổi số ở nước ta theo mục tiêu của Đề án 06 Chính phủ.
Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin tại buổi họp báo
Những điểm mới của Luật Căn cước gồm không chỉ thay đổi về tên gọi, mẫu thẻ mới được đề xuất rất nhiều điểm khác biệt so với thẻ căn cước công dân. Trong đó, mục "quê quán" thay thành "nơi đăng ký khai sinh"; "nơi thường trú" thay thành "nơi cư trú", đồng thời di chuyển sang mặt sau của thẻ thay vì mặt trước như hiện nay.
Chữ ký của cơ quan cấp thẻ đổi từ "Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội" thành "Bộ Công an". Trên bề mặt thẻ căn cước sẽ không còn các thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải. Mã QR code trên thẻ căn cước cũng được đề xuất chuyển sang mặt sau, thay vì mặt trước như hiện hành.
Công dân dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu; Cấp giấy chứng nhận căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; Khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước, cơ quan quản lý sẽ thu thập mống mắt (bắt buộc), ADN, giọng nói (người dân tự nguyện) của công dân, bên cạnh việc lấy vân tay.
Ngoài ra, căn cứ Khoản 1, 3 Điều 46 Luật Căn cước thì thẻ CCCD vẫn có giá trị sử dụng hết thời hạn ghi trên thẻ, trừ các trường hợp thẻ CCCD, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024. Do đó người dân có thẻ CCCD, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 không cần phải làm thủ tục cấp đổi thẻ CCCD và chờ đến làm thẻ căn cước mới khi Luật Căn cước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết hiện nay Công an TPHCM đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết từ nhân sự, trang thiết bị, công tác rà soát công dân đến độ tuổi cấp thẻ Căn cước (14 tuổi), công dân đến độ tuổi đổi thẻ CCCD do hết hạn (25, 40, 60 tuổi), công dân dưới 14 tuổi có nhu cầu cấp thẻ Căn cước,… nhằm đảm bảo việc triển khai có hiệu quả Luật Căn cước trên địa bàn TP ngay sau khi có hướng dẫn cụ thể của Lãnh đạo Bộ Công an.
Bên cạnh đó, Bộ Công an đang gấp rút chuẩn bị về mặt hạ tầng kỹ thuật để việc thu thập dữ liệu mống mắt (bắt buộc thu thập), ADN, giọng nói (người dân tự nguyện) vào cơ sở dữ liệu căn cước khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định tại Luật Căn cước, kể từ 1/7/2024.
“Dù không bắt buộc phải đổi thẻ CCCD sang thẻ căn cước, nhưng cơ quan công an khuyến khích người dân nên đi bổ sung dữ liệu sinh trắc học về ADN, mống mắt và giọng nói. Việc này mang lại rất nhiều lợi ích, như liên quan đến sức khỏe hoặc bị giả mạo thì dữ liệu sinh trắc học sẽ giúp xử lý chính xác và nhanh hơn”, Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.