Qua công tác phát động phong trào toàn dân tích cực tham gia tố giác tội phạm và công tác nắm tình hình tại các Hội nhóm trên không gian mạng có liên quan đến hoạt động cho nhận con nuôi, Công an TPHCM phát hiện nhiều thông tin, tài liệu nghi vấn thực hiện hoạt động mua bán trẻ sơ sinh.
Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc, đồng chí Giám đốc CATP đã chỉ đạo xác lập chuyên án trinh sát để tập trung đấu tranh làm rõ và phân công Thiếu tướng Mai Hoàng – Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP làm Trưởng ban Chuyên án; Phòng Cảnh sát hình sự, Công an quận Tân Bình và các đơn vị có liên quan là thành viên, nhằm áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, khẩn trương và quyết liệt xác minh làm rõ, xử lý nghiêm, triệt để các đối tượng trong đường dây tội phạm; đặc biệt là kịp thời “giải cứu” các trẻ sơ sinh là nạn nhân bị mua bán.
Đại tá Phạm Đình Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự CATP thông tin tại buổi họp báo
Từ thông tin, tài liệu thu thập được; nhanh chóng xác minh, thận trọng phân tích, đánh giá từ những manh mối nhỏ nhất, Ban Chuyên án phát hiện, triệu tập đối tượng Nguyễn Thị Ánh Đào (SN 1989, HKTT: Xóm 13B, xã Nghi Kim, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) đang nuôi - giữ 1 trẻ sơ sinh nam (3 ngày tuổi) tại 1 khách sạn trên địa bàn Phường 2, quận Tân Bình. Bước đầu đối tượng thừa nhận đã dùng thủ đoạn gian dối tìm nhận con nuôi do hoàn cảnh hiếm muộn để liên lạc, nhận nuôi trẻ sơ sinh nêu trên từ chị T.T.T.N (cư trú tại tỉnh Đắk Lắk, là mẹ ruột đứa trẻ), nhưng thực chất là để lại cho 1 cặp vợ chồng tại TPHCM qua đó thu lợi bất chính 40 triệu đồng.
Quang cảnh buổi họp báo
Khẩn trương đấu tranh, mở rộng chuyên án, CATP đã xác định đường dây tội phạm mua bán trẻ sơ sinh dưới hình thức cho nhận con nuôi được điều hành bởi các đối tượng Nguyễn Thị Ánh Đào, Hoàng Thị Nhung (SN 1982, cư trú: xã Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), Đỗ Thị Thúy Ngân (SN 1994; cư trú: xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội), Cao Thị Thu Phương (SN 1983; cư trú: phường Tân Bình, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), hoạt động với quy mô lớn tại 32 tỉnh, thành phố; với sự tham gia, giúp sức của 6 đối tượng môi giới.
Bước đầu xác định, từ đầu năm 2024 đến nay, đường dây tội phạm trên thông qua hội nhóm kín trên mạng xã hội để liên hệ, kết nối với các phụ nữ mới sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng nuôi con để mua 16 đứa trẻ (có độ tuổi từ 3 ngày tuổi đến 3 tháng tuổi), với số tiền từ 10 triệu đồng - 23 triệu đồng/1 đứa trẻ; sau đó, bán lại với số tiền từ 35 triệu - 75 triệu đồng/1 đứa trẻ, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Đáng chú ý, để hợp thức hóa việc mua bán trẻ sơ sinh dưới hình thức cho - nhận con nuôi, các đối tượng đã móc nối với đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức do đối tượng Phan Phương Nam (SN 1989; cư trú: phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cầm đầu để đặt mua giấy chứng sinh giả nhằm hợp thức hóa thủ tục cho nhận con nuôi và đăng ký khai sinh cho các cháu bé bị mua bán. Khám xét khẩn cấp địa điểm làm giả giấy tờ, tài liệu tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, CATP phát hiện, thu giữ 49 công cụ, phương tiện (máy tính, máy in, máy dập, máy photo, máy ép nhựa, mực in, các loại con dấu, các loại phôi...) và hàng ngàn loại giấy tờ giả các loại; trong đó có nhiều giấy chứng sinh giả.
Các đối tượng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh quy mô lớn
Đáng chú ý, để hợp thức hóa việc mua bán trẻ sơ sinh dưới hình thức cho - nhận con nuôi, các đối tượng đã móc nối với đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức do đối tượng Phan Phương Nam (SN 1989; cư trú: phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cầm đầu để đặt mua giấy chứng sinh giả nhằm hợp thức hóa thủ tục cho nhận con nuôi và đăng ký khai sinh cho các cháu bé bị mua bán. Khám xét khẩn cấp địa điểm làm giả giấy tờ, tài liệu tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, CATP phát hiện, thu giữ 49 công cụ, phương tiện (máy tính, máy in, máy dập, máy photo, máy ép nhựa, mực in, các loại con dấu, các loại phôi...) và hàng ngàn loại giấy tờ giả các loại; trong đó có nhiều giấy chứng sinh giả.
Lần theo thông tin từ các giấy chứng sinh giả thu giữ nêu trên, CATP đã thành lập 9 Tổ công tác khẩn trương xác minh 84 trường hợp trẻ sơ sinh có dấu hiệu bị mua bán tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó, phát hiện, giải cứu kịp thời các trường hợp trẻ em đã bị mua bán; tiến hành bàn giao, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân. Trong đó, đáng chú ý đã phát hiện, giải cứu 1 bé trai 20 ngày tuổi bị đối tượng Vi Thị Anh (SN 1986; cư trú: huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La; hiện đang chờ chấp hành 2 bản án với tổng hình phạt hơn 12 năm 6 tháng phạt tù về tội mua bán trái phép chất ma túy) mua lại dưới thủ đoạn nhận con nuôi để hoãn chấp hành án phạt tù.
Kết quả ban đầu đấu tranh chuyên án nêu trên cho thấy, chỉ trong thời gian ngắn (chưa đến 30 ngày) kể từ khi phát hiện nguồn tin, CATP đã triệt phá thành công đường dây mua bán trẻ sơ sinh, làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức, hoạt động tại các Hội nhóm kín trên không gian mạng; khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 16 đối tượng trong đường dây (trong đó, có các đối tượng chủ mưu, cầm đầu) đã điều hành, thực hiện hành vi mua bán trẻ sơ sinh tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành “Mua bán người dưới 16 tuổi” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Chiến công xuất sắc triệt phá đường dây tội phạm mua bán trẻ sơ sinh nêu trên thể hiện tinh thần khẩn trương, mưu trí, sáng tạo và trách nhiệm cao trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, TTATXH, vì cuộc sống bình yên và hạnh phục của nhân dân của lực lượng Công an TPHCM. Đồng thời, cũng là thành tích đặc biệt xuất sắc chào mừng kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 55 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024); 79 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2024), 19 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và Công an TPHCM đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.