Công trình đầu tư công xây rất lâu, xuống cấp rất nhanh

Thứ Tư, 18/09/2019 11:44

|

(CAO) Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu thực trạng này khi cho ý kiến về dự luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung sáng 18-9. Nhìn rõ bất cập, vướng mắc, theo bà Nga, mới có thể sửa đổi hợp lý và hiệu quả.

Thời gian cấp phép dài... vô tận

Bày tỏ sự quan tâm tới việc cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải thắc mắc, liệu các điều khoản trong dự luật có đảm bảo giảm thời gian làm các thủ tục hành chính trong xây dựng hay không?

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu ý kiến thảo luận

“Tại hội thảo cải thiện môi trường pháp lý trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản mới đây, có doanh nghiệp phàn nàn nếu làm doanh nghiệp mới biết thời gian làm thủ tục là vô tận”- bà Hải phản ánh và cho rằng “tất cả những chi phí doanh nghiệp gánh đều đổ vào túi người dân”.

“Một doanh nghiệp cho biết, công trình xây dựng nhà ở của người ta khoảng 200 tỉ, lãi suất vay 1,5% thì trung bình mỗi ngày họ phải trả 100 triệu đồng tiền lãi. 100 triệu đó lại đưa vào giá thành của toà nhà và người mua phải chịu” – bà Hải nêu ví dụ.

Theo nữ Trưởng ban Dân nguyện, tất cả những việc này là thực tế đang tồn tại nhưng theo Điều 89 về cấp phép và quản lý xây dựng thì dường như nội dung sửa đổi rất chung chung. “Tôi đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo rà soát kỹ, đặc biệt là điều 89 về cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng để làm sao rút ngắn quy trình, thời gian” - bà Hải yêu cầu.

Bên cạnh những công trình “rất khó khăn khi xin cấp phép xây dựng” (của người dân – PV), bà Hải chỉ ra có những công trình ngang nhiên tồn tại khiến người dân rất tâm tư, mất lòng tin. Nêu câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, bà Hải nói: “Có hay không việc phạt cho tồn tại? Tôi mong muốn luật này đưa ra nguyên tắc phạt là phải xử lý và phải đảm bảo đúng quy hoạch, quy chuẩn ban đầu vì tồn tại như vậy mất tính răn đe”.

Cũng lo lắng về tình trạng vi phạm trật tự quản lý xây dựng hiện nay, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý nhận định dự thảo luật chưa cho thấy được tinh thần chấn chỉnh vi phạm này. “Mỗi khi bước vào chung cư, nhà cao tầng là sợ lắm, trong khi quy định để đảm bảo an toàn ở những công trình này nằm trong tầm tay của cơ quan quản lý nhà nước” – ông Tuý nhìn nhận.

Chấm dứt “phạt cho tồn tại”

Vẫn trong mối quan tâm trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga yêu cầu làm rõ các công trình xây dựng không phép và sai phép mức độ thế nào.

“Có những công trình xây dựng không phép, sai phép trong một thời gian dài nhưng cho tồn tại và không được phát hiện, đến khi phát hiện thì lại khởi tố doanh nghiệp. Có bao nhiêu chủ thể có trách nhiệm, có thẩm quyền?” – bà Nga nêu câu hỏi và cho rằng, trách nhiệm, thẩm quyền ở đây không chỉ của Bộ Xây dựng mà còn của các địa phương.

Nói về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp chia sẻ, hiện nay có một số vụ án muốn xử lý hình sự cần phải có yếu tố đã xử lý hành chính. Nhưng thực tế “không tìm được vì có xử lý hành chính đâu”.

“Trong lĩnh vực xây dựng thì đổ đống cát, đống gạch trước cửa là có người đến ngay nhưng những công trình lớn thì cơ quan quản lý nhà nước ở đâu, những người có thẩm quyền ở đâu. Thẩm quyền có nhưng trách nhiệm bây giờ như thế nào?” – bà Nga băn khoăn.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà tiếp thu giải trình

Bàn về chất lượng công trình, bà Nga chỉ ra có những công trình có đầu tư công, công trình của nhà nước làm thì rất lâu nhưng xuống cấp rất nhanh. Điều gì dẫn tới tình trạng này cũng là yêu cầu mà nữ Chủ nhiệm lưu ý cần đánh giá kỹ khi tiến hành sửa đổi luật.

“Lâu nay có khái niệm là rút ruột công trình. Thế thì cái quy trình hoạt động xây dựng của chúng ta như thế nào mà dẫn tới thực trạng này” – bà Nga nêu câu hỏi.

Giải trình vào cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận tất cả các vấn đề được các Uỷ viên Thường vụ Quốc hội nêu ra đều xác đáng. Theo Bộ trưởng Hà, những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực xây dựng phụ thuộc 2 khâu, 1 là thể chế, 2 là tổ chức thực hiện.

“Cái gì tổ chức thực hiện còn yếu kém thì ta khắc phục và trong 5 yếu tố lần này có xử lý về luật Xây dựng” – ông Hà cho biết.

Về cấp phép, ông Hà thông tin, trong luật 2014 và một số văn bản chi tiết có một số bất cập trong thực hiện. Nội dung thẩm định và cấp phép có điểm trùng nhau. Cơ quan cấp phép và cơ quan thẩm định không thống nhất. Có công trình thẩm định 1 cơ quan, cấp phép 1 cơ quan gây khó khăn.

Ngoài ra, một số thủ tục không song song, hết trình tự này mới tới trình tự khác, mà nếu cứ thực hiện như vậy thì cấp phép rất dài, chồng chéo ở một số cơ quan và lần này sửa để giải quyết vấn đề này.

Về thực tế “phạt cho tồn tại”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, theo nghị định 139 thì từ 1-1-2018 đã không cho phép tình trạng này.

“Nếu sai phép, không đúng phép phải khôi phục công trình theo đúng quyết định chứ không phạt cho tồn tại nữa” – ông Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng thôgn tin tới các đại biểu rằng dự thảo lần này không “đẻ” ra thủ tục hành chính, điều kiện gì mà chỉ bổ sung để khắc phục hạn chế hiện nay trong xây dựng khu đô thị nhưng không đồng bộ cơ sở hạ tầng.

Được biết, Luật Xây dựng hiện hành mới có hiệu lực 5 năm tính đến thời điểm sửa đổi, bổ sung lần này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang