(CAO) Vụ tấn công nhắm vào cơ sở sản xuất dầu ở Ả Rập Saudi đang làm thổi bùng căng thẳng âm ỉ bấy lâu ở “thùng thuốc súng” Trung Đông đồng thời khiến thị trường dầu mỏ chao đảo. Giá dầu đã tăng vọt lên hơn 10% sau vụ tấn công.
Trong khi tổng thống Mỹ Donald Trump doạ sẽ trả đũa và “đạn đã lên nòng” thì Iran bác bỏ sự liên quan đến vụ tấn công.
Sau đây là tóm tắt những diễn biến chính của vụ tấn công này:
1/ Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng cuộc tấn công là đòn đáp trả của “những người Yemen” sau khi Ả Rập Saudi dẫn đầu liên quân tấn công phiến quân Houthi ở đất nước họ. Ông cho rằng đây là phản ứng phòng vệ chính đáng.
2/ Phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công nhắm vào các địa điểm sản xuất dầu, được điều hành bởi công ty sản xuất dầu nhà nước Saudi - Aramco.
3/ Sau vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái (drone) và tên lửa hành trình vào cơ sở sản xuất dầu, giá dầu thô đã tăng hơn 12%. Giá dầu Brent lúc đầu cũng tăng đến 20%, thiết lập kỷ lục tăng nhiều nhất kể từ khủng hoảng Vùng Vịnh giai đoạn 1990-1991. Sau cơn “địa chấn”, giá dầu dần giảm xuống khi một số quốc gia như Mỹ cho biết sẽ tuồn dầu dự trữ trong các kho ra ngoài thị trường để cân bằng lại.
Khói bốc lên từ cơ sở sản xuất dầu của Ả Rập Saudi sau vụ tấn công bằng drone ngày 14-9 - Ảnh: Reuters
4/ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngay lập tức bác sự liên quan của những người Yemen đến vụ tấn công, đồng thời cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công.
5/ Tổng thống Mỹ Donald Trump trong khi đó doạ sẽ đáp trả, và cảnh báo rằng “đạn đã lên nòng”.
6/ Nga trong khi đó cho rằng sẽ là “vô trách nhiệm” khi bàn về khả năng trả đũa sau vụ việc, đồng thời lên án việc sử dụng vụ việc để làm gia tăng thêm căng thẳng quanh vấn đề Iran là hành động “phản tác dụng”.
7/ Các cáo buộc nhắm vào Iran khiến nước này “nổi đoá”. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran cảnh báo các căn cứ và tàu sân bay của Mỹ ở khu vực đều nằm trong tầm ngắm của các tên lửa Iran.
8/ Israel trong khi đó cho biết họ đã chuẩn bị cho khả năng bị lôi vào cuộc xung đột, đối đầu giữa Mỹ và Iran sau vụ việc, theo lời thủ tướng nước này – ông Benjamin Netanyahu nhận định.
Ảnh vệ tinh cơ sở sản xuất dầu bị tấn công - Ảnh: Digital Globe
9/ Vụ việc cũng làm nổi lên mối căng thẳng tôn giáo truyền đời giữa phái Hồi giáo dòng Sunni ở Ả Rập Saudi với phái Shiite ở Iran. Phái Sunni ở Saudi cao buộc phái Shiite Iran gây hấn trên toàn khu vực Vùng vịnh, tấn công các cơ sở sản xuất dầu. Những cáo buộc bị Tehran bác bỏ. Riyadh trong vụ việc mới nhất không cáo buộc bất kỳ ai gây ra vụ tấn công.
10/ Các nhà phân tích cho biết giá dầu Brent, hiện đang được bán ở mức 68 USD/thùng có thể leo lên mức 100 USD/thùng nếu Saudi không nhanh chóng khôi phục nguồn cung dầu.
11/ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đề cập đến những tác động của vụ tân công nhưng cho rằng vẫn còn quá sớm để gia tăng sản lượng hoặc tổ chức một cuộc họp về vấn đề này.
12/ Hai nguồn tin nói với Reuters rằng để cơ sở sản xuất Saudi Aramco trở lại sản lượng sản xuất bình thường phải mất đến vài tháng.
13/ Ả Rập Saudi cung cấp hơn 7 triệu thùng dầu/ngày đến nhiều địa điểm trên thế giới. Trong nhiều năm nay nước này là điểm cung ứng dầu lớn nhất cho thị trường.
14/ Trong khi đó, công ty Saudi Aramco cho biết đang tìm cách bán cổ phần để biến nó thành công ty niêm yết lớn nhất Thế giới.
(CAO) Hôm 17-9, Reuters dẫn lời tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Iran “dường như” là bên đứng sau các vụ tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu mỏ ở Ả Rập Saudi.