Đà Nẵng những ngày nắng nóng

Dân Đà Nẵng đổ xô xuống biển giải nhiệt

Thứ Hai, 01/06/2015 18:48  | Xuân Hoài

|

(CAO) Những ngày này, dưới nền nhiệt 40 độ của miền Trung, tầm 16- 17 giờ chiều hàng ngày, người dân, du khách bắt đầu đổ xô ra biển Đà Nẵng để giải nhiệt sau một ngày chống chọi dưới “chảo lửa”. Xuống biển tắm, họ còn được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa giải trí biển đầy hứng khởi.

Xuống biển trốn nóng…

Tại các tuyến cầu sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, đường Ngô Quyền, đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tất Thành… bắt đầu từ cuối giờ chiều đã xuất hiện CSGT, CSTT hướng dẫn, phân luồng giao thông để tránh tắc nghẽn. Nhất là tại khu vực biển Phạm Văn Đồng, biển Mỹ Khê với lượng người ken kín nên thường hay xảy ra tắc nghẽn.

Dưới bờ biển thì đông nghịt người dọc các bãi biển. Họ hối hả xuống biển ngâm mình dưới dòng nước mát, tuy lượng người đông nước biển không được sạch nhưng đám đông cũng mặc.

19 giờ tối, nhưng biển ở Đà Nẵng vẫn đông như hội. Tại biển Đà Nẵng có hệ thống đèn chiếu sáng (đèn pha) loại lớn nên nhiều bãi biển sáng rực. Bên cạnh hệ thống loa phát thanh để tuyên truyền, thông báo những tin tức cập nhật thì người tắm biển còn được thưởng thức những bản nhạc, bài ca về quê hương đất nước, về TP. Đà Nẵng  nên càng tạo thêm sự thích thú cho người dân mỗi khi đến biển.

Biển Đà Nẵng những ngày nay đông nghẹt người đến trốn nóng - Ảnh: Xuân Hoài

Sau khi xuống biển, người tắm biển lên bờ sẽ có hệ thống tắm nước ngọt (đã thu vào tiền phí giữ xe) lúc nào cũng chật người. Những người tắm biển chuyên nghiệp, du khách thường mang theo áo quần để sau khi tắm xong họ diện đồ mới để  đi ăn, đi chơi ngay tại bãi biển hoặc hệ thống nhà hàng hải sản với nhiều món nổi tiếng…

Anh Nguyễn Văn Anh cùng cả nhà từ Hà Nội vào Đà Nẵng du lịch nhưng thực chất là để “trốn nóng”. Vào được 2 hôm, nhưng anh chẳng đi chơi đâu nhiều vì đã đi nhiều lần nên chỉ nghỉ trong phòng và chờ chiều buông để xuống biển  “ngâm cho đã”.

Ông Trần Phi Thường (75 tuổi, trú phường Hòa Cường, quận Hải Châu) cho biết: “Nóng hết sức chịu đựng chú ơi, chỉ có biển mới giải nhiệt được và cảm thấy thoải mái chứ không thì khó chịu lắm. Nắng gì mà nắng ác thiệt”.

Ông Nguyễn Đức Vũ, phó trưởng BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng cho biết, mùa hè ở biển Đà Nẵng đã đông nghẹt, còn những ngày cuối tuần thì càng tăng đột biến về lượng người (20-20%) nên việc quản lý gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, "với mục tiêu mang đến cho người dân xuống biển với tâm thế thoải mái nhất, chúng tôi đã huy động toàn lực, để bảo vệ an toàn, an ninh trật tự cho người dân tắm biển, thưởng thức nhiều chương trình văn hóa biển"- ông Vũ cho biết.

Gần 70 trường hợp chết đuối được cứu

Nhiều người đến tắm biển Đà Nẵng thường an tâm hơn khi có đội ngũ cứu hộ hết sức chuyên nghiệp. Theo ông Nguyễn Quốc Vinh, đội trưởng đội cứu hộ (thuộc BQL các bãi biển) cho biết, hiện đội có 82 nhân viên và 12 nhân viên thời vụ (ký hợp đồng với ngư dân giỏi bơi lặn) để tăng cường lực lượng trong đợt hè.

Theo ông Vinh, đội có 17 tổ cơ động hoạt động tại các bãi biển Đà Nẵng. Thời gian làm việc của đội cứu hộ, buổi sáng từ 4 giờ 30 sáng đến khoảng 9 giờ; buổi chiều từ 15 đến 19 giờ; những đợt cao điểm có tăng thêm thời gian buổi tối và có một đội trực tại bãi tắm đêm bãi biển Phạm Văn Đồng (công viên Biển Đông).

Không khí biển Đà Nẵng làm dịu đi sự oi nồng của thời tiết nắng nóng- Ảnh: Xuân Hoài

Theo ông Vinh, từ đầu năm đến nay, đội cứu hộ của ông đã cứu được trên 70 trường hợp tránh chết đuối, còn những trường hợp bị sẩy chân, uống nước, chới với gần bờ thì nhiều.

“Nhiều người tắm biển cũng hết sức chủ quan, như tại các điểm chúng tôi cắm biển nhưng vẫn liều tắm, có nhiều trường hợp bơi quá xa, khi gặp sóng lớn thường chới với, đuối sức. Đặc biệt, một người lớn mà đưa nhiều trẻ em đi tắm nên không kiểm soát hết được sự hiếu kỳ của các em cũng là một nguyên nhân xảy ra sự cố khi tắm biển”, ông Vinh nói.

Ông Vinh khuyến cáo: “Trước khi xuống tắm biển hãy nghe hướng dẫn của loa phát thanh về việc luyện tập một số động tác để tránh bị vọp bẻ, đuối sức; không nên bơi quá xa, tránh vùng cấm; phải trang bị áo phao khi đi tắm, nhất là trẻ em; trẻ em dưới 15 tuổi phải có người lớn đi kèm.

Bên cạnh đó, do tại các bãi biển đông nên thường xảy ra tình trạng trẻ đi lạc cha mẹ hoặc cha mẹ bị lạc trẻ thì nên báo ngay với nhân viên bảo vệ, họ có bộ đàm sẽ báo về trung tâm phát thanh; hoặc trực tiếp thông tin thông báo cho trung tâm này tại khu vực công viên biển Phạm Văn Đồng để kịp thời tìm kiếm. Thời gian gần đây, tại các bãi biển Đà Nẵng đã tìm được hàng trăm trẻ bị lạc đã được tìm thấy nhờ hệ thống phát thanh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang