Ngay sau phiên bế mạc kỳ họp 6, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì họp báo công bố kết quả kỳ họp.
Theo Vụ trưởng Vụ Thông tin Hoàng Thị Lan Nhung, sau 22,5 ngày làm việc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Quốc hội đã thông qua 07 luật, 09 nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần 2 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác.
Liên quan đến Luật Căn cước đã được Quốc hội thông qua, báo chí nêu câu hỏi người dân đã có căn cước công dân có phải bắt buộc thu thập thêm mống mắt khi Luật mới có hiệu lực không? Việc thu thập sẽ được thực hiện ra sao?
Trả lời, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết, việc thu thập mống mắt thuộc nhóm sinh trắc học và điểm mới quy định trong Luật Căn cước phải có thiết bị chuyên dụng của cơ quan quản lý, cấp căn cước.
Khi người dân đến làm mới, cấp đổi lại thì cơ quan quản lý căn cước sẽ thu thập các thông tin làm giàu dữ liệu cơ sở dữ liệu căn cước, cơ sở dữ liệu về dân cư, trong đó, sẽ dùng các thiết bị chuyên dụng thu thập mống mắt.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Minh Đức trả lời tại buổi họp báo
Với người dân đã có thẻ căn cước công dân theo luật hiện hành, luật vừa thông qua đã có quy định điều khoản chuyển tiếp.
“Quy định công dân đang có căn cước công dân có giá trị, hiệu lực còn dài thì không phải cấp đổi thẻ và có giá trị sử dụng như căn cước được cấp theo luật mới” – ông Đức thông tin.
Theo đó, người dân không phải đến cơ quan quản lý căn cước để tích hợp thông tin, khai báo thông tin sau khi luật mới có hiệu lực. Trừ trường hợp công dân có yêu cầu, yêu cầu bổ sung, thay đổi thông tin liên quan cá nhân mình hay đổi thẻ.
Cũng tại buổi họp báo, các vị chủ trì còn nhận được câu hỏi liên quan đến 2 dự thảo luật được Quốc hội điều chỉnh lùi thời điểm thông qua là dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) và dự luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Theo bà Phạm Thị Hồng Yến, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế, đến thời điểm này, ngoài vấn đề đã thống nhất, dự luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn tồn tại một số nội dung lớn cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách, thực hiện rà soát toàn thể dự thảo luật, dự thảo văn bản hướng dẫn.
Cụ thể, các phương án cần tiếp tục nghiên cứu, thiết kế các phương án tối ưu, bao gồm: Thực hiện nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở kinh doanh thương mại dịch vụ; mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận quyền sử dụng thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội mà không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Vấn đề quản lý khai thác quỹ đất; các trường hợp áp dụng phương pháp định giá đất cũng như sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp kinh tế; trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản cũng là những nội dung cần xem xét.
“Mục tiêu của việc lùi thời gian thông qua luật là để đảm bảo chất lượng, tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện, đảm bảo tốt nhất, quyền, lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư, người dân” – bà Yến nói.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi họp báo
Về luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), bà Yến cho hay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến 3 lần, nhưng hiện vẫn còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau là 3 vấn đề hết sức quan trọng: Can thiệp sớm; kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt các tổ chức tín dụng.
“Đây là các vấn đề hết sức trọng yếu, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng và an toàn tài chính quốc gia nói chung và liên quan việc sử dụng các nguồn lực nhà nước” – bà Yến nhìn nhận.
Trước đó, chia sẻ về việc trên, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, việc chưa thông qua luật Đất đai (sửa đổi) và dự luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thể hiện sự cẩn trọng, trách nhiệm vì trong quá trình thảo luận cần xem xét kỹ lưỡng nhất là đánh giá tác động chính sách.
“Nếu không đánh giá tác động thì sửa luật rất khó” – ông Cường nêu quan điểm và tái khẳng định, việc chưa thông qua để đảm bảo sự thận trọng, kỹ lưỡng, để làm sao luật ban hành đáp ứng yêu cầu cuộc sống, không xung đột, chồng chéo với các luật khác.
Ông Cường cho biết, hiện đang báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định tổ chức kỳ họp Quốc hội bất thường vào đầu tháng 1/2024.
“Rất cần Quốc hội đồng hành với Chính phủ trong những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” – ông Cường nhấn mạnh.