Kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức (09/5/1945 - 09/5/2025)

Đảng ta và cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Nhân dân Liên Xô

Thứ Sáu, 09/05/2025 13:49

|

(CATP) Để đánh bại quân xâm lược, Liên Xô đã phải triệt để huy động sức mạnh vĩ đại của cuộc kháng chiến toàn diện và toàn dân, đồng thời xây dựng một liên minh quốc tế chống phát xít, cùng đồng hành với Anh và Mỹ, cô lập cao độ kẻ thù và làm thất bại mọi mưu đồ tập hợp các nước đế quốc để tiến hành một cuộc “thập tự chinh” chống nhà nước Xô Viết...

Đúng như cuộc Hội nghị Lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta họp tại Hóc Môn - Bà Điểm (11/1939) nhận định tình hình. Ngày 22/6/1941, bọn phát xít Đức đã bội ước tiến công Liên Xô. Chúng dốc hầu hết lực lượng vũ trang của Đức, của các nước bị Đức chiếm đóng và các nước chư hầu ở Châu Âu, gồm 190 sư đoàn để tiến công Liên Xô. Sau đó, bọn chúng sử dụng tới 240 sư đoàn để thực hiện mưu đồ bọn xâm lược. Quân Đức đã tiến sâu vào đất Liên Xô, chiếm U-crai-na, Bi-ê-lô-rút-xi-a, Môn-đa-vi-a, Đôn-bát-xơ, bao vây Lê-nin-grát và uy hiếp Mát-xcơ-va. Đêm 05/12/1941, quân Hít-le đã tiến đến cửa ngõ thủ đô Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết đe dọa đến sự tồn vong của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên, trụ cột của hòa bình và cách mạng thế giới.

Để đánh bại quân xâm lược, Liên Xô đã phải triệt để huy động sức mạnh vĩ đại của cuộc kháng chiến toàn diện và toàn dân, đồng thời xây dựng một liên minh quốc tế chống phát xít, cùng đồng hành với Anh và Mỹ, cô lập cao độ kẻ thù và làm thất bại mọi mưu đồ tập hợp các nước đế quốc để tiến hành một cuộc “thập tự chinh” chống nhà nước Xô Viết.

Hồng quân Liên Xô cắm cờ chiến thắng trên nóc nhà Quốc hội phát xít Đức

Tháng 7/1941, Liên Xô ký với Anh “Hiệp định về những hành động chung trong chiến tranh chống Đức” và sau đó ký hiệp định hợp tác với các chính phủ lưu vong Tiệp Khắc, Ba Lan, Bỉ, Na Uy và Ủy ban dân tộc Pháp. Tháng 10/1941, hội nghị Xô - Anh - Mỹ ở Mát-xcơ-va đánh dấu một mốc quan trọng của liên minh chống phát xít. Trong liên minh quốc tế này, Liên Xô là lực lượng trụ cột và chịu gánh nặng lớn nhất.

Với chính sách phòng ngự tích cực trong vòng 3 tháng (từ tháng 12/1941 đến cuối tháng 3/1942), Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt trên 500.000 quân Đức và đánh bật chúng khỏi Mát-xcơ-va đến 300 ki-lô-mét về phía tây. Kế hoạch “chiến tranh tốc chiến, tốc thắng” của Hít-le nhằm đánh bại Liên Xô đã bị phá sản.

Chiến thắng bước đầu của Liên Xô đã củng cố liên minh chống phát xít, khích lệ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Trong lời kêu gọi gửi đồng chí và đồng bào trong thời gian này, Đảng ta đã thông báo như sau: “Hiện thời phong trào cách mạng ở Pháp và trên Âu lục đương sôi nổi. Quân phát xít Đức - Ý đương bại trận ở Bắc Phi. Trên đất Nga, Hồng quân anh dũng đương phản công thắng lợi”.

Quảng trường thành phố Xta-lin-grát, nơi giao tranh ác liệt giữa Hồng quân Liên Xô và quân phát xít

Ngay sau khi được tin Đức bội ước tiến công Liên Xô, Đảng ta đã chỉ thị “Phát động phong trào ủng hộ Liên Xô tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại”.

Mùa đông năm 1942, quân đội Xô Viết chuyển sang phản công trên nhiều mặt trận.

Tháng 02/1943, Hồng quân giành thắng lợi lớn ở Xta-lin-grát. 330.000 quân tinh nhuệ của phát xít Đức bị tiêu diệt. Thống chế phát xít Pao-lút bị bắt làm tù binh. Chiến thắng Xta-lin-grát đánh dấu bước ngoặt căn bản của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của Liên Xô và của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Quyền chủ động tiến công từ đó thuộc về Hồng quân, quân Đức buộc phải chuyển sang phòng ngự và rút lui. Mùa hè năm 1943, quân đội Xô Viết lại đập tan cuộc phản công của Hít-le ở vòng cung Cuốc-xcơ, đẩy lùi quân Đức từ 500 đến 1.300 ki-lô-mét, hoàn thành bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Chiến thắng thu - đông năm 1942 và xuân - hè năm 1943, đã giải phóng hai phần ba lãnh thổ Liên Xô và đặt quân Đức trước nguy cơ bị diệt vong.

Chiến thắng Xta-lin-grát và chiến thắng Cuốc-xcơ đã cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc. Ở Phi-líp-pin có phong trào kháng chiến của quân đội nhân dân Húc Ba-la-háp. Ở Miến Điện có Liên đoàn chống phát xít vì tự do. Ở Ma-lai-xi-a và Triều Tiên có phong trào đấu tranh vũ trang. Ở Trung Quốc có phong trào chống Nhật. Ở Ấn Độ có phong trào đòi độc lập. Ở Pháp, ở Ý có phong trào du kích do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Ở Nam Tư, Bun-ga-ri, An-ba-ni, Tiệp Khắc có hoạt động vũ trang của các đội quân du kích.

Một luồng gió mới đang thổi mạnh vào đất nước ta. Thời cơ giành thắng lợi lớn cho cách mạng đang tới gần. Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp trong hạ tuần tháng 02/1943 ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) để xúc tiến việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang.

Sau khi điểm qua những thắng lợi của Liên Xô và phe dân chủ chống phát xít từ khi Đức đánh Liên Xô, Hội nghị nhận định: “Năm 1943 là năm phe dân chủ sẽ đánh phe phát xít một cách quyết liệt hơn để sửa soạn điều kiện cho bước thắng lợi cuối cùng. Liên Xô sẽ tổng phản công đuổi hẳn quân xâm lược ra khỏi đất nước. Thắng lợi của Liên Xô, sự tan rã của phát xít quốc tế sẽ thúc đẩy cho cách mạng bùng nổ tại nhiều nước”.

Tranh minh họa, Báo “Việt Nam độc lập”, số 109, 21/10/1941

Nhằm đáp ứng những đòi hỏi mới của tình hình, Hội nghị nêu ra chủ trương mở rộng hơn nữa Mặt trận dân tộc thống nhất, tức Mặt trận Việt Minh, liên minh với tất cả các đảng phái và các nhóm yêu nước để thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã ra đời trong thời gian này: Từ 34 chiến sĩ, chỉ một tuần lễ sau khi được thành lập, Đội đã phát triển thành một đại đội. Đội đã tiến hành công tác vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng, góp phần củng cố khu căn cứ Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn.

Trong tháng 10/1944, đồng chí Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào toàn quốc, thông báo chủ trương của Đảng về triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc. Bức thư nói rõ:

“Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các nước đồng minh sắp giành được thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”.

Đúng như đồng chí Hồ Chí Minh đã bắt mạch chính xác nhịp đập của thời cuộc. Từ tháng 01/1944 đến tháng 01/1945, Hồng quân Liên Xô tổng tiến công quét sạch quân đội phát xít Đức ra khỏi toàn bộ lãnh thổ Liên Xô, giải phóng các nước Đông Nam Châu Âu và bao vây Béc-lin.

Tháng 02/1945, Hội nghị Xô - Mỹ - Anh ở Y-an-ta quyết định tiêu diệt hoàn toàn phát xít Đức, phân chia vùng chiếm đóng và lập ra Liên hiệp quốc. Chiến tranh đã đến cửa ngõ sào huyệt quân đội quốc xã. Giờ tận số của phát xít Đức đã điểm.

Báo “Việt Nam độc lập” - cơ quan tuyên truyền của Việt Minh, do Bác Hồ sáng lập, trực tiếp chỉ đạo và làm tổng biên tập, số 194, phát hành ngày 20/8/1944, đã thông tin như sau: “Hồng quân Nga đánh đến biên giới Đức. Thế là trong một tháng, Hồng quân tiến được 6, 7 trăm cây số, mỗi ngày tiến 20 đến 30 cây số, quân Đức chạy như vịt.

Đức thua to, dân chúng oán Hít-le. Một bọn bại tướng cho người mang bom ném vào phòng giấy Hít-le. Nhiều quan binh to chết. Hít-le may mà thoát nạn. Hiện giờ hắn bắt bớ bắn giết lung tung. Nhiều người Đức ở Nga bị bắt và bị bắn. Thế là người tay chân Hít-le trở lại hại nó”.

Ngày 01/9/1944, báo “Việt Nam độc lập” số 195, thông tin thêm: “Hồng quân Liên Xô đang tiếp tục tiến nhanh và tiến mạnh vào đất Đức: Quân Đức dần dần tan rã. Để thoát chết, chúng đầu hàng Hồng quân ngày càng đông. Có tin nói rằng Hít-le lại bị ám sát lần thứ hai, nhưng đã thoát chết”.

Báo “Việt Nam độc lập” số 214, phát hành ngày 30/4/1945 viết: “Hồng quân đã vào Bá Linh trên cả 3 hướng: đông, bắc và nam. Quân Đức còn chống trong thành. Hồng quân bắt được hơn một triệu tù binh”.

Ngày 05/5/1945, báo “Việt Nam độc lập” số 215, đã thông tin chấn động: “Ngày mồng một tháng 5 lúc 12 giờ trưa đài vô tuyến điện Đức báo tin Hít-le đã chết. Cũng trong ngày ấy, nguyên soái Xta-lin thông báo rằng Hồng quân Liên Xô đã hoàn toàn chiếm Bá Linh và bắt được mấy triệu tù binh. Hít-le chết là cái tin báo trước việc đầu hàng vô điều kiện của Đức.

Năm nay, ngày mồng 1 tháng năm - ngày lễ lao động toàn thế giới. Ngày 1 tháng năm trùng hợp với ngày Hít-le chết, ngày Hồng quân vào Bá Linh, và ngày Đức phát xít sắp sụp đổ. Lao động toàn thế giới năm nay ăn mừng ngày Lễ mồng 1 tháng năm hơn hết trong mấy năm chiến tranh”.

Báo “Việt Nam độc lập” số 216, phát hành ngày 10/5/1945, đã thông báo đến toàn thể đồng bào về một sự kiện lịch sử đã làm nức lòng người: “Nước Đức đã đầu hàng vô điều kiện. Hiệp ước đình chiến giữa Đức và các nước Đồng Minh đã ký ngày thứ hai, mồng 7 tháng 5 năm 1945 vào lúc 12 giờ 40 phút khuya”.

Trong số báo này, có đăng bài thơ “Khóc Hít-le” của tác giả M. Nội dung như sau:

Khóc Hít-le

Bác Hít-le ta tự tử rồi

Con ma phát-xít thế là thôi!

Bao năm vùng vẫy trời tung ngược

Nửa phút tan tành sự nghiệp xuôi

Sống lại nhưng e mang lắm tội

Chết đi cho rảnh họa xong đời

Nhưng mà lịch sử còn ghi để

Tiếng xấu nghìn thu một kiếp người

M.

Báo “Việt Nam độc lập” số 217, phát hành ngày 20/5/1945, đã viết như sau: “Ngày 21 tháng 10 năm 1941, báo Việt Nam độc lập có đăng một bài nói về Nga - Đức chiến tranh và kết luận rằng Nga thế nào cũng thắng Đức. Báo Việt Nam độc lập có nói rằng hồi 1917 đến 1921, sau khi cách mạnh Nga mới thành công, đất nước tan hoang, bạn hữu không có, thế mà còn đánh lui 14 nước vây đánh. Lúc ấy còn thế, huống gì ngày nay Nga đã thành một nước giàu mạnh nhất thế giới, lại có Anh - Mỹ và nhân dân nhiều nước ủng hộ nhất định Nga sẽ thắng.

Cuối cùng trong bài báo ấy có vẽ một cái hình ông Xta-lin là lãnh tụ nước Nga cỡi trên mình Hít-le và giơ tay đập cho nó một cú tuyệt mạng.

Thật là đoàn thể nói cái gì cũng không sai. Ngày 21 tháng 10 năm 1941 là lúc quân Đức tiến đến gần thành phố Lê-nin-grát, thành phố Mát-xcơ-va, làm cho nhiều người ít hiểu và lưng chừng sợ Nga phải thua, thế nhưng, chúng ta tin tưởng vững chắc rằng nhất định nhân dân Nga sẽ thắng”.

---------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

- Nguyên soái Zhukốp: “Nhớ lại và suy nghĩ”, tập 1. Nxb. Quân đội nhân dân, in lần thứ hai, HN, 2001.

- Đại tướng Stê-men-cô: “Bộ Tổng tham mưu Xô Viết trong chiến tranh”, quyển hai, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1985.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị Quốc gia, xuất bản lần thứ hai, HN, 1995.

- Báo Việt Nam độc lập 1941 - 1945, Nxb. Lao động, HN, 2000.

Bình luận (0)

Lên đầu trang