Kỷ niệm 155 năm ngày sinh của V.Lê-nin (22/4/1870 - 22/4/2025):

Đạo đức cách mạng cao cả của V.Lê-nin

Thứ Bảy, 19/04/2025 22:33

|

(CATP) Cách đây 101 năm tại thành phố Mát-xcơ-va, sau khi Lê-nin tạ thế, Bác Hồ đã viết một bài báo để tôn vinh Người, với lòng kính yêu và ngưỡng mộ vô hạn. 

Kể từ ngày ấy cho đến những năm tháng cuối đời, trải qua biết bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử đất nước, hầu như Bác Hồ đã viết về Lê-nin và cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga không hề ngơi nghỉ. Trước sau như một, Bác đã khẳng định với toàn Đảng và toàn dân ta: "Lê-nin là người đã vận dụng năng động và phát triển sáng tạo học thuyết Mác, là người thầy đã đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp năm châu, chẳng những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất mà cả bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất". Người luôn luôn căn dặn chúng ta phải thấm nhuần và quán triệt thực hiện những lời dạy quý báu về đạo đức cách mạng cao cả của Lê-nin.

Lê-nin đã để lại cho đời cả một kho tàng tư tưởng quý báu về đạo đức học Mác-xít, trước hết là bằng những tấm gương và sự tỏa sáng của chính mình. Đây là một đề tài nghiên cứu rất phong phú. Bài viết này chỉ xin được lược quy vào một số điểm chủ yếu sau đây:

1. Tư tưởng nhân văn cao đẹp, tình cảm yêu thương cán bộ sâu sắc của Lê-nin

Khai thác nguồn tư liệu quý giá về Lê-nin do Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô lưu giữ, chúng ta xúc động được biết rằng tuy ngày đêm bận rộn vì công việc đại sự của quốc kế dân sinh, đối phó với thù trong giặc ngoài, nhưng Lê-nin luôn luôn quan tâm sâu sắc đến nguyện vọng, tâm tư, tình cảm và đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên. Chỉ tính từ tháng 11/1921 đến tháng 3/1923, Lê-nin đã viết hàng chục bức thư gửi cho một số cơ quan trực thuộc của Trung ương Đảng Cộng sản Nga và chính quyền Xô Viết về việc đặc biệt quan tâm giải quyết những khó khăn về vấn đề nhà ở cho cán bộ, đưa cán bộ đi an dưỡng trong nước hoặc được ra nước ngoài chữa bệnh:

Chân dung Lê-nin năm 1920

- Trong thư gửi đồng chí Mô-lô-tốp (Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nga, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị) ngày 22/11/1921, Lê-nin viết như sau: "Tôi yêu cầu cho đồng chí Ki-xê-lép (Chủ tịch Tiểu hội đồng bộ trưởng dân ủy) đi nghỉ và chữa bệnh, ít nhất là hai tháng... Cần tìm cho đồng chí đó một nhà an dưỡng theo ý kiến của các bác sĩ”.

- Ngày 30/11/1921, Lê-nin gửi thư cho đồng chí Mê-tê-lép (Cục trưởng Cục quản lý vấn đề nhà cửa của Ban Chấp hành Trung ương các Xô Viết toàn Nga): "Yêu cầu đồng chí nhất thiết phải cấp cho nữ đồng chí Bô-brốp-xcai-a (cán bộ cách mạng lão thành) một buồng trong Nhà số 1 của các Xô Viết. Đồng chí đó hiện sống trong những điều kiện hoàn toàn không thể chịu đựng được. Tôi biết Bô-brốp-xcai-a từ thời kỳ trước năm 1905 và tôi hiểu rằng đồng chí đó có khả năng chịu đựng được sự nghèo thiếu mà vẫn hoàn toàn lặng thinh tới mức thái quá. Vì vậy cần phải nhanh chóng giúp đỡ đồng chí đó”.

- Trong thư gửi đồng chí Goóc-bu-nốp (Chánh văn phòng Hội đồng bộ trưởng nước Cộng hòa Liên bang Nga) ngày 29/11/1921, Lê-nin "yêu cầu phải đảm bảo việc ăn uống để tăng cường sức khỏe cho đồng chí Bi-ê-lốp (thành viên Tiểu Hội đồng bộ trưởng dân ủy), vì các bác sĩ phát hiện thấy đồng chí này bắt đầu bị bệnh lao và suy nhược nghiêm trọng".

- Tháng 11/1921, viết thư cho đồng chí Ê-nu-kít-dê (Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương các Xô Viết toàn Nga), Lê-nin căn dặn "phải xúc tiến nhanh chóng hơn nữa việc chuyển căn nhà dành cho đồng chí Xta-lin" (Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nga). Lê-nin yêu cầu Ê-nu-kít-dê phải gọi điện thoại báo cho Người biết kết quả của việc giải quyết việc này.

- Ngày 06/12/1921, Lê-nin gửi thư cho đồng chí Pô-li-a-cốp (Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng dân ủy Crưm) với nội dung như sau: "Yêu cầu giúp đỡ A.Prê-ô-bra-gen-xki, một nhà cách mạng lão thành, bản thân tôi quen biết từ những năm 1890, hiện đang sống trong điều kiện sinh hoạt khó khăn. Địa chỉ của Prê-ô-bra-gen-xki: I-an-ta, phòng vệ sinh - điều dưỡng khu".

- Nghe tin đồng chí Rát-tsen-cô (Bộ dân ủy ngoại thương) bị đau tim, ngày 12/12/1921 Lê-nin đã gửi thư căn dặn đồng chí Xê-ma-scô (Bộ trưởng dân ủy y tế nước Cộng hòa Liên bang xã hội chủ nghĩa Xô Viết Nga) "phải gửi đồng chí đó đến nhà an dưỡng ở ngoại ô Mát-xcơ-va, tốt hơn cả là đưa ra nước ngoài, sang Đức để chữa bệnh".

- Lê-nin rất băn khoăn khi được biết tin nhà văn Mác-xim Goóc-ki đi chữa bệnh ở nước ngoài trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Người đã gửi thư cho đồng chí Mô-lô-tốp để luân chuyển cho các Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Nga. Lê-nin viết: "Goóc-ki đã rời Ri-ga đi chữa bệnh mà trong tay không có một xu. Cần coi Goóc-ki thuộc diện những đồng chí được đi chữa bệnh ở nước ngoài bằng tiền của Đảng hay của chính quyền. Tôi đề nghị chuyển thư này đến Bộ Chính trị để thông qua đề nghị đảm bảo đầy đủ số tiền cần thiết để Goóc-ki chữa bệnh".

- Ngày 24/12/1921, Lê-nin gửi thư cho Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nga, yêu cầu "cấp tốc đưa đồng chí Rút-du-tác (Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội đồng trung ương các công đoàn Nga) để chữa bệnh lao ngày càng trầm trọng".

Mát-xcơ-va tháng 12/1965, dòng người đi viếng Lăng Lê-nin. Người đứng xếp hàng sau hai em bé là đồng chí Trần Hữu Phước - tác giả của bài viết này

- Trong thư gửi đồng chí Mô-lô-tốp ngày 26/12/1921, Lê-nin đề xuất ý kiến về việc "đưa đồng chí Rát-tsen-cô (Bộ dân ủy ngoại thương) đến nhà an dưỡng hoặc đi về nông thôn để nghỉ ngơi, dưỡng sức vì làm việc quá nhọc mệt. Ngoài ra, đề nghị để đồng chí ấy thôi giữ chức ủy viên ban lãnh đạo Bộ dân ủy ngoại thương, chuyển công tác sang Ủy ban than bùn trung ương hoặc phụ trách thêm công việc ở Tổng cục công nghiệp đường, vì không thích hợp với ngành nghề buôn bán".

- Trong thư gửi đồng chí Xta-lin ngày 19/5/1922, Lê-nin cho biết: "Vì bị ốm đau bệnh tật, nên đồng chí A-ních-xtơ (Thứ trưởng Bộ dân ủy lao động) hay nóng nảy, cáu gắt, phiền muộn, lo âu. Tôi khuyên cần chữa cho lành bệnh và đừng nên cáu gắt. Hôm qua, đồng chí ấy đã viết thư đả kích tôi. A-ních-xtơ là một cán bộ tốt. Cần phải được chữa bệnh đến nơi đến chốn ở Đức hoặc ở Ri-ga".

Thực hiện sự đề xuất của Lê-nin, ngày 27/5/1922 Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nga đã bố trí cho đồng chí A-ních-xtơ cùng với vợ đi Cáp-ca-dơ chữa bệnh trong thời hạn một tháng rưỡi.

- Ngày 21/5/1922, trong thư gửi đồng chí Xta-lin và Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nga, Lê-nin viết: "Tôi đề nghị giải quyết yêu cầu sau đây của tôi: gửi nhà giải phẫu Rô-da-nốp, thầy thuốc ở Bệnh viện Xôn-đa-ten-cốp, đi nghỉ ở Ri-ga vào tháng bảy, cùng với con trai. Đồng chí đó không lấy y phí của tôi hiện nay, cũng như đã từng không lấy vào năm 1918. Đây là một nhà giải phẫu ưu tú, nhưng ít được nghỉ ngơi".

- Trong thư gửi đồng chí Xvi-đéc-xki (Ủy viên ban lãnh đạo Bộ dân ủy thanh tra công nông), ngày 21/8/1922, Lê-nin viết: "Đồng chí Txi-u-ru-pa (Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương các công trình nhà nước) đang chữa bệnh đau tim ở Đức. Đồng chí ấy còn phải ở lại đây lâu để chữa bệnh thần kinh. Tôi cho rằng Txi-u-ru-pa cần phải chữa khỏi hẳn bệnh và chồng tất cả răng, tập ăn bằng những răng mới và sau đó phải dốc toàn bộ sức lực cho Bộ dân ủy thanh tra công nông".

- Ngày 04/10/1922, Lê-nin viết thư cho đồng chí Cra-xin (Chủ tịch Hội đồng khai thác than bùn), nội dung như sau: "Ở chỗ đồng chí có đồng chí Éc-ma-cốp (phụ trách phòng vận tải). Trong thời kỳ nội chiến, tôi đã gặp đồng chí đó hai - ba lần khi được giao thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, quan trọng và nguy hiểm. Đó là một con người xuất chúng.

Vì anh em ở các địa phương thường xuyên kéo đồng chí tham gia công tác. Gia đình đông người, tiền lương chẳng thấm vào đâu. Không nên để như vậy. Chúng ta phải có trách nhiệm chữa lành bệnh cho Éc-ma-cốp. Phải đưa Éc-ma-cốp sang Đức vài ba tháng để trị bệnh và cần phải giúp đỡ cho gia đình đồng chí ấy".

Những sự kiện cảm động trên đây, chính là ánh hào quang tỏa sáng giá trị tinh hoa về "đạo đức cách mạng cao cả của V.Lê-nin" như Bác Hồ đã viết. Điều làm cho chúng ta đời đời ngưỡng mộ, noi gương và học tập Lê-nin, đó là đức tính hy sinh xả thân, tinh thần chí công vô tư và tấm lòng mình vì mọi người. Tôi chỉ xin trích dẫn hai việc sau đây để minh chứng cho vấn đề này:

1. Ngày 19/5/1922, Lê-nin viết thư cho đồng chí Đgiéc-gin-xki (Bộ trưởng Bộ dân ủy giao thông) tỏ ý băn khoăn về việc chi tiêu quá đáng cho nhà để xe của mình. Người viết: "Đồng chí Đgiéc-gin-xki! Tôi rất lo liệu có tình trạng chi tiêu "quá đáng" cho nhà để xe của tôi không, nhà để xe này hình như đã được Cục bảo vệ chính trị nhà nước theo dõi chặt chẽ. Phải chăng đã đến lúc thu hẹp cái bộ phận này và giảm bớt chi phí cho nó. Hiện nay chúng ta đang giảm bớt tất cả các khoản chi phí.

Tôi yêu cầu đồng chí trình bày điều này với các Phó chủ tịch Rư-cốp và Txi-u-pu-ra và giao cho một người tin cẩn, thạo việc, có hiểu biết để kiểm tra xem liệu có thể thu hẹp và giảm bớt chi phí về khoản này và giảm bớt nhiều hơn nữa được không?".

2. Ngày 05/02/1922, Đoàn Chủ tịch Viện Hàn lâm xã hội chủ nghĩa các khoa học xã hội của nước Nga gửi công văn số 577 cho Lê-nin, mời Người làm Viện sĩ. Trong bức thư phúc đáp ngày 17/02/1922, Lê-nin viết: "Tôi xin bày tỏ lòng rất cám ơn. Đáng tiếc là vì bệnh tật, tôi không có cách nào làm tròn nghĩa vụ của một Viện sĩ Viện Hàn lâm xã hội chủ nghĩa, dù là hoàn thành với một mức rất nhỏ bé. Mà chỉ mang hư danh thì tôi không thích. Vì vậy tôi đề nghị xóa bỏ tên tôi trong danh sách hoặc đừng ghi tên tôi vào danh sách các viện sĩ của viện"(*).

(Còn tiếp...)

-------------------------------

(*) Nguồn sử liệu của bài viết này được khảo cứu trong V.I.Lê-nin toàn tập, tập 54, bản tiếng Việt, Nhà xuất bản Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1979.

Bình luận (0)

Lên đầu trang