(CAO) Trong lúc đang hoạt động ở vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng, 2 trong số 5 tàu cá cùng ra khơi một chuyến của ngư dân Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã không kịp di chuyển vào đảo Cô Tô để tránh sóng to, gió lớn. Hậu quả là hai tàu cá bị chìm.
7 trong số 14 ngư dân trên hai tàu này bị mất tích, nỗi đau của người dân nghèo nơi cửa biển lại như xé lòng trong những ngày mưa ướt át.
Nguy hiểm nghề đi biển
Chúng tôi về xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), địa phương có 6 người chết và mất tích, trong đó có một gia đình cùng mất tích 3 người, ở ba thế hệ ông-cha-con. Thời gian gần đây, “nỗi đau tàu chìm” ngày một xuất hiện nhiều hơn trong cái nghiệp đạp sóng, tung lưới của những gia đình ngư phủ. Trong phút chốc tính mạng của người thân, con tàu trị giá cả tỉ đồng, ngư cụ, hải sản đánh bắt được đều chìm nghỉm xuống đáy biển, cuộc sống của những ngư dân gặp nạn như đi vào ngõ cụt.
Người thân của những thuyền viên mất tích đau đớn mong tin
Ông Nguyễn Văn Biển - Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc cho biết: “Ngày 27-7 chúng tôi nhận được hung tin tàu cá TH 90446-TS do anh Hoàng Văn Duẩn, trú tại xã Ngư Lộc, làm thuyền trưởng bị gió lốc đánh chìm. Thời điểm đó, trên tàu của anh Duẩn có có 7 ngư dân. Sau khi tàu gặp nạn, được các tàu bạn cứu giúp vớt được 6 ngư dân. Còn anh Hoàng Văn Thuần, trú tại thôn Hưng Bắc, xã Hưng Lộc vẫn đang mất tích".
Sự lo âu bao trùm lên gia đình có người mất tích. Khi mọi nỗ lực tìm kiếm, liên lạc với ngư dân Hoàng Văn Thuần chưa mang lại kết quả thì xã Hưng Lộc lại tiếp tục đón nhận tin dữ. 8 giờ sáng 28-7, tin báo về là tàu cá TH 91278-TS, có công suất 180CV của anh Đặng Văn Toanh làm thuyền trưởng cũng gặp nạn tại khu vực cách đảo Cô Tô khoảng hơn 20km về phía Hải Phòng. Trên tàu lúc đó có 7 lao động đều bị sóng đánh chìm.
Anh Toanh và anh Nguyễn Văn Tuấn (23 tuổi) trú tại xã Ngư Lộc đã ôm được chiếc can nhựa. Tuy nhiên, khi hai người trôi dạt vào gần đảo Cô Tô, thì anh Toanh quá kiệt sức rồi mất tích trên biển. Anh Tuấn may mắn được lực lượng tìm kiếm cứu nạn và người dân địa phương phát hiện, cứu sống.
Nỗi đau quê nghèo
Bà Nguyễn Thị Hồng (54 tuổi), ở thôn Tân Hưng, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) là vợ của thuyền viên Đặng Văn Oanh (54 tuổi), mẹ của thuyền trưởng Đặng Văn Toanh (37 tuổi) và cũng là bà ngoại của thuyền viên Triệu Văn Đức (18 tuổi), gần như gục ngã trước nỗi mất mát đau thương quá lớn. 3 người thân là chồng, con, cháu của bà Hồng đều mất tích trong chuyến đi biển vừa qua. Không kìm nén được nỗi đau quá lớn, bà Hồng lại òa khóc mỗi khi có ai đó tới nhà hỏi thăm về tung tích người thân của bà.
Nỗi đau của các thuyền viên ở đất liền
Còn chị Nguyễn Thị Hân (36 tuổi) dường như không gượng dậy được từ khi nhận hung tin của chồng, cha và đứa cháu bị mất tích trên biển. Chị Hân và anh Toanh có 5 đứa con gái. Cháu lớn nhất mới 13 tuổi, còn cháu nhỏ nhất mới lên hai. Năm 2009, anh Toanh đi biển cũng đã bị gió lốc đánh chìm mất một con tàu, nhưng lần ấy may mắn anh được cứu sống. Sau lần ấy vốn liếng của anh chị coi như mất sạch.
Hai bàn tay trắng, vợ chồng anh Toanh, chị Hân quyết tâm thoát nghèo, tiếp tục vay mượn để dựng lạ nghề đi biển. Chiếc tàu cá do anh Toanh làm thuyền trưởng bị chìm vừa rồi, có trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Số vốn ấy cũng không phải vợ chồng anh Toanh có sẵn, mà đều phải đi vay mượn để làm. Người thân mất tích, tàu cá bị chìm, nỗi đau như chồng chất lên đôi vai gầy của chị Hân.
UBND xã Hưng Lộc cho biết đã báo cáo lên cấp trên đề nghị có phương án hỗ trợ, giúp đỡ cho những gia đình có người mất tích trong tai nạn chìm tàu vừa qua. Liên quan đến sự việc này, sáng 31-7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền tới thăm hỏi, động viên các gia đình có người thân gặp nạn trên biển.
Ông Quyền cho biết tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo lực lượng Biên phòng, Chi cục khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Thanh Hóa phối hợp chặt chẽ với lực lượng cứu hộ các tỉnh bạn, huy động lực lượng cùng các phương tiện tổ chức tìm kiếm người bị nạn.