Sáng 9/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trước khi các ĐBQH thảo luận, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi trình bày giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội thông tin, dự thảo Luật đề xuất áp thuế đối với nước giải khát có đường, và đây là bước đi đầu tiên trong tiến trình thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có nhiều đường trong thực phẩm, đồ uống, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng. Đây cũng là một trong các nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn.
"Chính vì vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để có thể cân nhắc khả năng bổ sung các sản phẩm khác có chứa đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi đề nghị.
Bên cạnh đó, UBTVQH cũng đề xuất lộ trình thực hiện từ năm 2027 áp dụng thuế suất 8%, từ năm 2028 áp dụng thuế suất 10%.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi
Về thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, để có thể tác động mạnh đến giá bán của các mặt hàng có hại cho sức khỏe, làm giảm tiêu dùng, khắc phục các hệ lụy nghiêm trọng của việc lạm dụng rượu, bia và tác hại của thuốc lá, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã đưa ra 2 phương án tăng thuế và đề xuất áp dụng theo Phương án 2 (là phương án tăng thuế triệt để hơn) đối với rượu, bia, thuốc lá.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế-xã hội hiện nay, cùng với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, Chính phủ đề nghị áp dụng theo phương án 1 với mức thuế thấp hơn so với phương án 2 và bắt đầu áp dụng từ năm 2027 đề phù hợp với bối cảnh và tình hình mới. Vì vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho chỉnh lý dự thảo Luật như đề nghị của Chính phủ (nội dung thể hiện tại Điều 8 dự thảo Luật).
Về đối tượng chịu thuế là điều hòa nhiệt độ, hiện nay nhu cầu sử dụng điều hòa đã trở nên phổ biến để đáp ứng nhu cầu của người dân. Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH thống nhất với đề xuất của Chính phủ để chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định điều hòa nhiệt độ có công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB (không thu thuế với máy điều hòa có công suất nhỏ hơn 18.000 BTU và trên 90.000 BTU).
Tham gia góp ý vào dự thảo luật ngay sau đó tại hội trường, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho biết, ông nhất trí đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ.
Đại biểu đánh giá cao việc cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đưa mặt hàng điều hòa từ trên 24.000 BTU mới phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội
Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhất trí cao bổ sung mặt hàng nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo đại biểu, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này không chỉ nhằm tăng thu ngân sách, mà là để định hướng tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy doanh nghiệp cải tiến sản phẩm theo hướng lành mạnh hơn. Nhiều quốc gia như Thái Lan, Philippines, Anh, Mexico… đã áp thuế này.
Đại biểu còn đề nghị quy định rõ về ngưỡng đường từ 5g/100ml trở lên theo tiêu chuẩn Việt Nam, tránh áp dụng tràn lan đối với các sản phẩm có lợi cho sức khỏe như sữa, nước trái cây nguyên chất không đường bổ sung.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, khi xây dựng dự thảo luật có rất nhiều ý kiến khác nhau. Với mặt hàng nước giải khát có đường, có luồng ý kiến băn khoăn nên đánh thuế chưa, cũng có ý kiến càng đánh thuế mạnh càng tốt.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dẫn thông tin WHO khuyến cáo Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ nước có đường ngày càng lớn, nguy cơ béo phì. Thống kê người Việt tiêu thụ 46,5% đường tự do trong 1 ngày, phần lớn đến từ nước giải khát có đường, gây béo phì thừa cân, WHO khuyến nghị các nước trong đó có Việt Nam áp thuế tiêu thụ đặc biệt tối thiểu 20%.
Lãnh đạo Bộ Tài chính nhận đinh, hiện 107 nước đã đánh thuế, với ASEAN 7/11 nước đánh thuế. "Cá nhân tôi cho rằng cần đánh thuế sớm hơn, đến giờ phút này là muộn. Không thể để thế hệ con em chúng ta béo phì mới bàn đánh thuế", Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Theo đó, mức thuế theo hướng sẽ giãn thời hạn áp và giảm tỷ lệ năm 2027 là 8% và năm 2028 là 10%. Cơ quan soạn thảo sẽ rà soát, để xem cái gì sẽ áp từ 1/1/2026 và mặt hàng nào lùi sang 2027, "tránh cú sốc với các doanh nghiệp".