Đề xuất nhiều giải pháp cho TPHCM và vùng Đông Nam bộ trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Thứ Hai, 23/12/2024 18:06

|

(CAO) Xử lý nhanh và có hiệu quả các công trình dự án tồn đọng trong nhiều năm qua; hoàn thành hệ thống giao thông kết nối vùng, các đường cao tốc và đường vành đai 3, 4; tập trung phát triển vùng TPHCM; đồng thời cần có các chính sách cải cách tiền lương hiệu quả, đảm bảo thu nhập cho đội ngũ cán bộ, từ đó thu hút nguồn lực nhân tài…

Đó là những nội dung trọng tâm được các chuyên gia tập trung thảo luận tại Hội thảo khoa học “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam – Những vấn đề đặt ra cho TPHCM và Đông Nam bộ” do Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức vào sáng 23/12.

Tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” về thể chế

Nhấn mạnh về vai trò, ý nghĩa quan trọng của thời kỳ “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, đây cũng là thời điểm để TPHCM nhìn lại quá trình phát triển đã qua và hướng đến tương lai trong kỷ nguyên mới, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 cho rằng, trong thời gian sắp tới, TPHCM cần tập trung những công trình, dự án sẽ làm thay đổi TP theo tầm nhìn của Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về TPHCM.

Theo TS Trần Du Lịch, TPHCM cần tập trung xử lý nhanh và có hiệu quả các công trình dự án tồn đọng trong nhiều năm qua; hoàn thành hệ thống giao thông kết nối vùng, các đường cao tốc và đường vành đai 3, 4; tập trung phát triển vùng TPHCM; tiến hành thực hiện việc chuyển đổi chức năng 5 khu chế xuất - khu công nghiệp,...

TS Trần Du Lịch phát biểu tham luận tại hội thảo

Đồng thời, TPHCM cần tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” về thể chế, tạo bước tiến mang tính cách mạng về môi trường đầu tư, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. TS Trần Du Lịch cho biết, Trung ương đang hỗ trợ đặc biệt cho TPHCM để có bước đột phá trong tháo gỡ 2 điểm nghẽn cố hữu là hạ tầng giao thông và cơ chế quản lý của một “siêu” đô thị. Trong đó, có cơ chế mở rộng phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm” hình thành một khung pháp lý cho chính quyền đô thị TPHCM chủ động trong quản lý và huy động nguồn lực đầu tư phát triển; khơi dậy truyền thống năng động, sáng tạo của người dân TP.

Bên cạnh đó, công tác cán bộ, tinh gọn bộ máy, chống lãng phí cũng là vấn đề được các chuyên gia, nhà khoa học quan tâm. Chia sẻ về 3 điều kiện tiên quyết để đội ngũ cán bộ có thể triển khai kỷ nguyên vươn mình thành công, đó là năng lực, động lực và môi trường, GS.TS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Hoa Kỳ) cho biết, lãnh đạo TPHCM cần có các chính sách cải cách tiền lương hiệu quả, đảm bảo thu nhập cho đội ngũ cán bộ, từ đó thu hút nguồn lực nhân tài. Song song đó, hệ thống đánh giá công việc phải được thực hiện hiệu quả nhằm tạo động lực, động viên cho đội ngũ cán bộ công tác. TPHCM cũng cần tạo không gian, đảm bảo môi trường làm việc, tạo niềm tin cho đội ngũ cán bộ phát huy sáng tạo.

GS.TS Trần Ngọc Anh cũng cho rằng, việc tinh giản biên chế, cơ cấu đội ngũ cán bộ cần thực hiện khoa học, phù hợp với từng địa phương, không nên áp dụng chính sách “đồng phục” giảm biên chế, dẫn đến quá tải công việc ở những cơ quan quan trọng.

Đồng chí Trần Hoàng Ngân góp ý tại hội thảo

Phát triển theo hướng “Một trung tâm, ba hành lang”

Trình bày về các giải pháp giúp TPHCM phát triển, TS Huỳnh Thế Du, Đại học Indiana (Hoa Kỳ) đề xuất TPHCM nên tập trung phát triển theo hướng “Một trung tâm, ba hành lang”. Đó là, TPHCM là trung tâm gắn kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Nam bộ, Tây Nguyên, hướng ra biển Đông về kết nối trong ASEAN.

Theo TS Huỳnh Thế Du, TP Thủ Đức là trung tâm hướng ra biển và hội nhập quốc tế, gắn với trung tâm hiện hữu; ba hành lang gồm: phía Tây Nam gắn với vùng đồng bằng sông Cửu Long; phía Tây kết nối với Campuchia qua tỉnh Tây Ninh; và Tây Bắc kết nối với Tây Nguyên qua tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước.

TS Huỳnh Thế Du cho rằng tập trung phát triển TPHCM theo hướng “Một trung tâm, ba hành lang” sẽ giúp TP phát huy vai trò trung tâm và đầu tàu. Đồng thời, phát huy được sức mạnh và tiềm năng của các địa phương thành công với quy mô nền kinh tế lớn trong vùng (Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu).

TS Nguyễn Thị Hậu phát biểu tại hội thảo

Song song đó, cũng tạo điều kiện để các địa phương còn lại trong vùng (Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang) hình thành làn sóng tăng trưởng và phát triển tiếp theo; tạo ra các cơ hội phát triển và gắn kết cho các địa phương ở Tây Nam bộ, Tây Nguyên và Nam Trung bộ; kết nối quốc tế và thực hiện tầm nhìn phát triển ASEAN.

Phát biểu kết luận hội thảo, TS Trần Du Lịch tổng hợp lại 6 nội dung quan trọng được các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận và trao đổi như: cơ hội và thách thức của kỷ nguyên mới; các định hướng phát triển kinh tế của TP trong giai đoạn 2026 – 2030; vai trò của TPHCM trong liên kết và phát triển đô thị vùng; các giải pháp tập trung cải cách thể chế và xây dựng chính quyền số...

TS Trần Du Lịch phát biểu kết luận tại hội thảo

TS Trần Du Lịch đánh giá cao những ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp và định hướng phát triển cho TPHCM của các chuyên gia và nhà khoa học; đồng thời khẳng định đây sẽ là nguồn dữ liệu, phục vụ cho công cuộc đưa TPHCM và vùng Đông Nam bộ phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Bình luận (0)

Lên đầu trang