(CAO) Bộ Nội vụ đang đề nghị xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và giải quyết kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn.
Theo Bộ Nội vụ, ngày 20/4/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) đã ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Sau thời gian triển khai thi hành, Pháp lệnh đã tạo cơ sở pháp lý bảo đảm quyền dân chủ và phát huy dân chủ trong nhân dân; góp phần xây dựng chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; ổn định tình hình, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân…
Ảnh minh họa
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được sau hơn 10 năm triển khai thi hành, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập và không còn phù hợp với xu hướng đất nước đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, như:
Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 còn thiếu các biện pháp bảo đảm thực thi dân chủ, dẫn đến các quy định của Pháp lệnh còn chưa bảo đảm tính khả thi. nhiều quy định còn chung chung nên khó thực hiện.
Hình thức niêm yết, công khai quy định trong Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 còn đơn giản, nhất là trong điều kiện khoa học - kỹ thuật tiến bộ, cho phép đa dạng hóa hơn các hình thức công khai thông tin. Mặt khác, hình thức công khai cũng không còn phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước hiện nay.
Nội dung tham gia của nhân dân vào các hoạt động của chính quyền cơ sở và của các cấp chính quyền, đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng, ban hành các quyết định hành chính còn hạn chế, dẫn đến có nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện đối với các quyết định hành chính của chính quyền cấp xã, tiêu biểu như: Các vụ khiếu kiện, khiếu nại theo thống kê khoảng 70% liên quan đến lĩnh vực đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng,…
Trách nhiệm và các biện pháp cụ thể xử lý khi có vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa được quy định tại Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11. Quy định pháp luật hiện hành sơ sài về tính chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu về việc tuân thủ hoặc không tuân thủ pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Do đó, khi có vi phạm xảy ra, bị phát hiện, tính kịp thời trong xử lý vi phạm về thực hiện dân chủ cơ sở còn lúng túng, bị động, thiếu nghiêm minh và căn cứ để xử lý.
Từ những lý do trên, việc nghiên cứu xây dựng Luật Thực hiện dân chủ cơ sở trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền dân chủ của nhân dân; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và giải quyết kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11.
Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đề xuất 05 nhóm chính sách cụ thể: 1. Mở rộng phạm vi các thông tin chính quyền cấp xã phải công khai rộng rãi. 2. Đa dạng hóa các hình thức công khai thông tin của chính quyền cấp xã. 3. Trách nhiệm giải trình của chính quyền cấp xã trong quá trình ban hành các quyết định hành chính bất lợi cho công dân hoặc liên quan đến lợi ích của cộng đồng. 4. Tăng cường các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. 5. Phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở…