Dư luận xôn xao trước dự án khai thác gần 750ha rừng thông 3 lá ở Lâm Đồng

Thứ Tư, 20/09/2017 09:35  | Ngọc Hà

|

(CAO) Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định phê duyệt dự án khai thác gần 750ha rừng thông 25 năm tuổi, nằm rải rác tại một số tiểu khu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Việc khai thác này có làm ảnh hưởng, thiệt hại đến môi trường sinh thái, du lịch, cảnh quan và có lợi ích gì về mặt kinh tế - xã hội của địa phương không?, dư luận đang rất băn khoăn.

Ông Phùng Khắc Đồng – Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, người phát ngôn của UBND tỉnh nhấn mạnh: “Đây là dự án kế hoạch khai thác với diện tích rừng trồng sản xuất chứ không phải rừng tự nhiên...”.

Khai thác vì là rừng trồng sản xuất (!)

Văn bản số 5353, ngày 16-8-2017, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt kế hoạch khai thác trắng tổng diện tích 746,74ha rừng thông 3 lá - loại trồng sản xuất kinh doanh (SXKD), độ tuổi từ 25 năm trở lên, tại một số tiểu khu trên địa bàn ba huyện Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lâm. Giao cho 5 công ty lâm nghiệp trực thuộc quản lý của nhà nước, đóng chân trên địa bàn các huyện trên, thực hiện.

Việc khai thác kéo dài trong 5 năm, từ năm 2017-2020. Yêu cầu các công ty lập kế hoạch thực hiện khai thác tới đâu trồng rừng ngay tới đó, đảm bảo độ che phủ của rừng. Không tổ chức khai thác khi chưa chuẩn bị về giống và các điều kiện cần thiết để trồng lại rừng. Rừng trồng mới cũng là thông 3 lá; yêu cầu năng suất, chất lượng cao theo mục đích kinh doanh (KD) gỗ lớn. Quy trình khai thác trắng rừng trồng thực hiện theo Thông tư số 21/2016 của Bộ NN-PTNT, quy định về khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản...

Thời gian qua, nhiều cây thông tự nhiên bị lâm tặc ngang nhiên chặt phá gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan của thành phố Đà Lạt

Ước tính trữ lượng gỗ tròn đạt 103.440m3 nếu khai thác hết gần 750 ha rừng thông 3 lá; bán với giá 1,6 triệu đồng/m3, tỉnh Lâm Đồng sẽ thu về hơn 165,5 tỷ đồng. Trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế còn khoảng 53 tỷ đồng. Toàn bộ số gỗ tròn sau khai thác bị cấm bán ra khỏi địa phương; ưu tiên bán cho các doanh nghiệp tinh chế gỗ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT hướng dẫn, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện.

Lo ngại những hệ lụy phát sinh phức tạp

Đó là trăn trở, suy nghĩ của nhiều người, cho rằng, quy trình khai thác – bán gỗ (sơ, tinh chế) – trồng rừng mới... đều sử dụng, xoay vòng nguồn kinh phí từ lợi nhuận đem lại của việc thực hiện dự án khai thác gần 750 ha gỗ rừng nêu trên. Nếu không quản lý chặt chẽ sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Cụ thể, nhiều ý kiến thắc mắc, cho rằng, lợi nhuận kinh tế thu được khi khai thác một diện tích lớn gỗ rừng thông 25 tuổi trở lên, chỉ đạt trên 68 triệu đồng/ha là... không cao, đồng thời tỏ ra lo ngại về việc có hay không chuyện “ăn theo dự án” khiến nhiều diện tích rừng tự nhiên kế cận cũng bị “khai thác”.

Ông Nguyễn Đức Phúc (61 tuổi, trú xã Liên Đầm, huyện Di Linh) bày tỏ: “Tôi nghĩ vẫn còn một bài toán khác. Các công ty KD lâm nghiệp thuộc quản lý nhà nước nên tìm một hướng KD khác hoặc tinh giảm biên chế, chính quyền tỉnh Lâm Đồng cân đối, thanh toán tiền cho các công ty, giữ lại toàn bộ diện tích rừng thông, không nên khai thác. Tôi sợ rằng các cán bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp giám sát việc khai thác rừng thông ba lá lơi lỏng nhiệm vụ, dẫn đến việc những cánh rừng tự nhiên, có nhiều cây gỗ quý dịp này bị xâm lấn, chặt hạ không thương tiếc”. (!).

Anh Phạm Ngọc Hoài – nguyên giảng viên Trường Đại học Đà Lạt cũng băn khoăn: “Việc trồng rừng thâm canh vốn xảy ra nhiều vấn đề bất cập. Liệu rằng nhiều năm sau, nơi những cánh rừng bị chặt xuống, rừng thay thế có xanh tốt?. Chỉ sợ rằng diện tích rừng bị mất vì khai thác thì nhiều, nhưng diện tích rừng trồng lại không bù trừ được. Hậu quả là mưa lũ, hạn hán, người nông dân gánh chịu nhiều thiệt hại.

Nhiều ý kiến cho rằng, những cánh rừng thông ngút ngàn là biểu tượng của TP.Đà Lạt nói riêng, của tỉnh Lâm Đồng nói chung mỗi khi du khách đến với Đà Lạt. Mất thông, tỉnh Lâm Đồng mất đi vẻ đẹp, sự lôi cuốn với du khách, ảnh hưởng đến ngành du lịch, môi trường sinh thái...”

Thông bị chặt trơ gốc trong các vụ lâm tặc phá rừng gần đây ở Lâm Đồng

Chúng tôi đem những thắc mắc này trao đổi và được ông Võ Doanh Tuyên – Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng - cho biết: việc khai thác này không làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch – sinh thái của tỉnh hay gây ra những tác động xấu đến môi trường, như nguy cơ lũ lụt, hạn hán như nhiều ý kiến thắc mắc, bởi đây không phải rừng đặc dụng, rừng tự nhiên... mà là rừng trồng sản xuất kinh doanh; chúng nằm rải rác ở những tiểu khu cách xa khu dân cư, cách xa TP.Đà Lạt.

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 532.634 ha rừng, trong đó diện tích rừng trồng sản xuất trên 56.198ha; rừng trồng sản xuất từ 25 tuổi trở nên (tính đến năm 2020) là trên 4.451 ha. Thông 3 lá có thời gian sinh trưởng và phát triển dài (trên 70 năm), thời kỳ tăng trưởng mạnh nhất trước 25 tuổi, qua thời gian sự tăng trưởng bắt đầu chựng lại. Do đó, để đảm bảo tính hiệu quả trong trồng rừng kinh tế, chu kỳ kinh doanh gỗ lớn đối với rừng trồng thông 3 lá trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng khoảng 25 năm là phù hợp nhất, cho hiệu quả cao nhất.

Việc khai thác rừng sản xuất này chỉ gây ảnh hưởng môi trường cục bộ tại khu vực khai thác. Công tác trồng lại rừng sẽ được tiến hành trong năm. “Công ty nào đã có giống thì khai thác, trồng ngay kiểu cuốn chiếu. Chưa có giống thì để mùa mưa sang năm. Chúng tôi giám sát, yêu cầu họ phải trồng vào mùa mưa để đảm bảo rừng tái tạo mọc tỷ lệ cao” – ông Tuyên cho cho biết.

Nhà quản lý, chuyên gia nói gì?

Chiều 20-9-2017, trao đổi với PV báo CATP về việc dư luận lo ngại quyết định khai thác gần 750ha rừng thông 3 lá tại Lâm Đồng sẽ phát sinh nhiều hệ lụy nếu không được giám sát chặt chẽ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – Tiến sĩ Phạm S cho biết: “Dự án được lên kế hoạch triển khai thực hiện sau khi Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức rất nhiều buổi thảo luận; dựa trên các căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học - kỹ thuật, vấn đề kinh tế, môi trường, hiệu quả khai thác rừng trồng thông 3 lá, khẳng định, đây là việc nên làm, dựa trên tình hình thực tế tại địa phương; tăng cao tỷ lệ kinh tế rừng. Cùng đó là vấn đề giải quyết việc làm cho hàng ngàn cán bộ, công nhân viên tại các công ty có chức năng, nhiệm vụ sản xuất, KD, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.

Tôi khẳng định, diện tích khai phá đều là rừng sản xuất, làm kinh tế, không phải rừng vùng ven TP.Đà Lạt; làm tới đâu trồng tới đó, đảm bảo độ phủ xanh của rừng. Việc quản lý rất kỹ, quy trách nhiệm cụ thể; bất cứ cá nhân, tổ chức nào sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm”.

Những cánh rừng thông xanh mát từ lâu đã trở thành "thương hiệu" của tỉnh Lâm Đồng

Tiến sĩ Phó Đức Đỉnh (SN 1944) – kỹ sư lâm nghiệp, nhà nghiên cứu lâm - nông học, nêu ý kiến: Đừng có nghe nói đến “phá rừng” là sợ. Cần phải có tư duy về quản lý, quy hoạch các loại rừng, để làm sao đảm bảo được các tiêu chí chủ yếu: tác dụng phòng hộ, cảnh quan môi trường; cung cấp nguyên liệu cho ngành kinh tế; giải quyết công ăn việc làm cho cư dân địa phương. Việc tỉnh Lâm Đồng lập dự án khai thác diện tích rừng kinh tế, đã có ý kiến ủng hộ từ 30 năm trước.

Về mặt kỹ thuật, đây là một quá trình tự nhiên của vòng đời một loài cây đặc thù (thông ba lá). Rừng thông là loại rừng thứ sinh. Ở độ tuổi 20 đến 25, cây bắt đầu chậm sinh trưởng nên việc khai thác rồi tái tạo mang lại lợi nhuận kinh tế là tư duy đúng đắn. Vấn đề là vai trò của cấp quản lý, quy hoạch; tránh phát sinh những việc tiêu cực, phức tạp. Khai thác không phải phá rừng. Cơ chế “mở cửa”, nhưng có lưới để lọc độc hại. Muốn làm gì thì làm, diện tích rừng phải tăng; trữ, sản lượng gỗ phải tăng; phải giải quyết việc làm cho người dân địa phương; giải quyết được nguyên liệu cho công nhiệp và các ngành khác.

Nhiều năm qua, công tác quản lý rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng, Tây Nguyên và cả nước nói chung rất lỏng lẻo, khiến nhiều diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá. Bất chấp lệnh “đóng cửa rừng” của Thủ tướng, tình trạng phá rừng vẫn diễn ra “như cơm bữa” gây bức xúc, hoang mang dư luận. Mới đây, tháng 6-2017, tại các tiểu khu 225, 228 xã Lát, huyện Lạc Dương – Lâm Đồng, hàng chục cây thông ba lá tự nhiên gần 20 năm tuổi bị lâm tặc ngang nhiên chặt phá. Hi vọng, dự án kinh tế khai thác rừng lần này không để xảy ra những sai phạm, tiêu cực đáng tiếc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang