Sáng 19-9-2017, nhiều tiểu thương tại Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông (thường gọi là chợ An Đông, ở P9Q5) tập trung trước cổng chính chợ để nêu kiến nghị với UBND Q5, Ban quản lý chợ về một số vấn đề như hợp đồng thuê sạp, sửa chữa, nâng cấp chợ...
Theo phản ánh của các tiểu thương chợ An Đông, doanh số bán hàng trong mấy năm trở lại đây đã giảm từ 50 - 70%. Sự sụt giảm doanh số nguyên nhân một phần do chợ quá xuống cấp. Các tiểu thương cho rằng, mặc dù mang tên là trung tâm thương mại, nhưng thực chất là chợ truyền thống, đề nghị UBND Q5, Ban quản lý (BQL) chợ An Đông không ký hợp đồng thuê sạp có thời hạn nữa, mà phải cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu quầy sạp lâu dài.
Các tiểu thương còn đề nghị không thu tiền thuê sạp, chỉ thu phí sử dụng diện tích bán hàng, đồng thời xác định hợp đồng hiện nay họ ký với BQL chợ An Đông là vô hiệu. Trước đây, họ đã ký hợp đồng để đóng góp kinh phí xây dựng chợ với Công ty Việt Hoa, do đó họ có quyền được cấp giấy chứng nhận sở hữu lâu dài với sạp chợ...
Vụ việc tập trung đông người trên gây ách tắc giao thông, thu hút nhiều người hiếu kỳ. Ngay khi sự việc xảy ra, CAP9 và CAQ5 đã cử lực lượng đến nơi giữ gìn an ninh trật tự, phân luồng giao thông, thuyết phục bà con không được gây mất trật tự. Đến khoảng 10 giờ cùng ngày, trật tự được vãn hồi.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo BQL chợ An Đông cho biết: Trước đây, trong giai đoạn 1991 - 2011, các tiểu thương ký hợp đồng với Công ty Việt Hoa. Sau khi kết thúc hợp đồng với Công ty Việt Hoa, chợ An Đông chuyển về cho UBND Q5 quản lý và có BQL, các tiểu thương tiếp tục tái ký hợp đồng với BQL chợ này trong thời hạn 10 năm. Hợp đồng được chia thành 2 giai đoạn, từ năm 2012 - 2016 và từ năm 2017 - 2021.
Trong giai đoạn 2012 - 2016, việc đóng tiền đã hoàn tất. Tuy nhiên, giai đoạn 2, thành phố ngừng thu tiền cho thuê địa điểm của giai đoạn 2 đã ký kết với tiểu thương, chỉ thu phí sử dụng diện tích bán hàng tại chợ theo mức giá của Luật Phí và lệ phí ban hành năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Được biết, trong giai đoạn từ năm 2012 - 2016, số tiền thu, chi từ hợp đồng cho thuê địa điểm kinh doanh là hơn 217,3 tỷ đồng, đã được gửi vào ngân hàng để sử dụng đầu tư nâng cấp, sửa chữa chợ An Đông đến năm 2021. Tiểu thương cũng đã đề nghị được cử đại diện đứng tên chung tài khoản để kiểm soát khoản tiền này.
Sau khi tiếp xúc, ghi nhận phản ánh của các tiểu thương trong buổi sáng cùng ngày, ông Phạm Quốc Huy - Chủ tịch UBND Q5 - cho biết: “Vai trò của chợ An Đông rất quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế của Q5. Một trong những lý do khiến mãi lực suy giảm là có sự xuống cấp của hạ tầng chợ. Quận sẽ nhận trách nhiệm vấn đề này, ghi nhận những yêu cầu của các tiểu thương và báo cáo lại cho cấp trên để có hướng giải quyết. Riêng các khoản đóng góp của tiểu thương, quận sẽ cam kết sử dụng hoàn toàn cho dự án Phương án nâng cấp, sửa chữa toàn diện chợ An Đông đến năm 2021”.
Được biết, UBNDTP đã giao Sở Công Thương tổng hợp, lấy ý kiến tiểu thương tại các chợ trên địa bàn thành phố để xây dựng mẫu hợp đồng chung cho các chợ. Căn cứ theo tình hình của các quận, huyện để xác định thời gian cho thuê. Theo ghi nhận của phóng viên Báo CATP, khoảng 11 giờ cùng ngày, một số tiểu thương chợ An Đông đã mở cửa tiếp tục hoạt động buôn bán.
Theo Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ, việc quản lý các điểm kinh doanh tại chợ bao gồm 2 loại, gồm: loại giao cho thương nhân sử dụng kinh doanh trong trường hợp có hợp đồng góp vốn ứng trước để đầu tư xây dựng chợ hoặc trả tiền sử dụng một lần trong một thời hạn nhất định sau khi chợ được xây dựng xong; loại thứ hai là hình thức cho thương nhân thuê để kinh doanh. Chưa có hình thức cấp giấy chứng nhận sở hữu lâu dài. |