Dự Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): Tháo gỡ những vướng mắc, bất cập

Thứ Sáu, 07/06/2024 16:12

|

(CAO) Dự án Luật đổi mới toàn diện, phù hợp thực tiễn công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và đáp ứng yêu cầu của công tác này thời gian tới.

Chiều nay, 7/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội làm việc phiên toàn thể tại Hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Giải quyết những vướng mắc bất cập hiện nay

Tại phiên họp, trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nêu rõ, Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp

Tuy nhiên, sau 12 năm triển khai thi hành đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật để thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế; giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới.

“Việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết, khách quan nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người…”, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nhấn mạnh.

Nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 08 chương, 66 điều. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo Luật giữ nguyên số chương, sửa đổi, bổ sung nội dung 52/58 điều, xây dựng mới 09 điều, bỏ 01 điều, tập trung vào các nội dung cơ bản, như:

Bổ sung quy định về khái niệm “mua bán người”; sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ xác định nạn nhân và quy định về các nguồn tài liệu, chứng cứ để xác định nạn nhân cùng một số căn cứ khác để xác định nạn nhân.

Thượng tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm tạo sự thống nhất trong quy định của pháp luật, phù hợp với Nghị định thư về việc phòng ngừa, trừng trị và trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia), Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bổ sung quy định về khái niệm “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” và bổ sung quy định về chế độ hỗ trợ, bảo vệ đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, gồm: Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; Hỗ trợ y tế; Hỗ trợ tâm lý; Trợ giúp pháp lý; Hỗ trợ chi phí phiên dịch trong quá trình xác định nạn nhân.

Bổ sung những quy định nâng cao chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân so với quy định của Luật hiện hành, gồm: Tất cả nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú được hỗ trợ các khoản chi phí đi lại và tiền ăn để trở về nơi cư trú; Được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh; Được hỗ trợ để ổn định tâm lý; Tất cả nạn nhân được trợ giúp pháp lý;…Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân, phù hợp với điều kiện KT-XH của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cũng cho biết, dự thảo luật còn bổ sung các nội dung khác để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật liên quan; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phù hợp thực tiễn công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và đáp ứng yêu cầu của công tác này thời gian tới.

Sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người

Thẩm tra dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Đồng thời, Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Điều này phù hợp với 03 nhóm chính sách lớn đã được nêu trong Tờ trình số 435/TTr-CP ngày 05/9/2023 của Chính phủ.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, các nội dung của dự thảo Luật cơ bản đã thể chế hóa đầy đủ, toàn diện, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về phòng chống, mua bán người, Hiến pháp năm 2013; cơ bản thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để nội luật hóa đầy đủ hơn một số quy định của Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Nghị định thư Palermo), Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Công ước ACTIP)… và các điều ước quốc tế song phương mà Việt Nam ký kết với các nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Liên quan đến một số quy định cụ thể của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với dự thảo Luật và cho rằng, chính sách ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác phòng chống, mua bán người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KT- XH đặc biệt khó khăn là chính sách mới, hoàn toàn đúng đắn và phù hợp thực tế, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước ta trong phòng chống, mua bán người tại những địa bàn này.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, trên thực tế nhiều vùng khác tuy không thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn nhưng tình hình mua bán người lại xảy ra nghiêm trọng, diễn biến rất phức tạp. Do đó, đề nghị quy định ưu tiên bố trí ngân sách cho những vùng có tình hình mua bán người xảy ra nghiêm trọng, phức tạp. Đồng thời, rà soát để bảo đảm không chồng chéo với 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã được phê duyệt…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị, cân nhắc bổ sung quy định về trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người vào dự thảo Luật; bổ sung quy định Đồn biên phòng, Cảnh sát biển là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xác minh nạn nhân tự đến trình báo vào dự thảo Luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang