Phóng viên: Xin chào ông Johnathan Hạnh Nguyễn, rất vui được gặp ông trong những ngày Tháng Tư lịch sử, càng vui hơn khi đất nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ, môi trường hòa bình, ổn định được giữ vững. Ngược dòng thời gian gần nửa thế kỷ trước, là một doanh nhân, chuyên gia từ nước ngoài trở về Việt Nam đầu tư, kinh doanh trong giai đoạn đất nước đối mặt vô vàn khó khăn, mới được giải phóng và thống nhất, bị bao vây cấm vận. Thời điểm đó có rất nhiều người Việt Nam tìm mọi cách để rời khỏi đất nước. Vậy tại sao ông lại "ngược đường, ngược gió" trở về Việt Nam, trong khi ông đang có công việc rất tốt và cơ hội phát triển rất lớn ở Hoa Kỳ?
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Thực sự những ngày này tôi vui lắm, dù rất bận rộn, được lãnh đạo TPHCM, nhiều cơ quan, đơn vị mời tham gia các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước khiến tôi càng xúc động và tự hào. Tôi sinh ra và lớn lên như bao đứa trẻ khác ở Nha Trang nhưng chỉ khác chút xíu ở chỗ nhà tôi có điều kiện hơn chúng bạn vì lúc đó cha tôi có doanh nghiệp kinh doanh về gỗ và dược phẩm nên gần như là tôi chỉ có việc ăn rồi đi học, mọi việc đã có gia đình lo. Khi học đại học ở Đà Lạt lúc bấy giờ tôi còn được nhiều bạn ngưỡng mộ vì có xe hơi riêng đưa rước, lúc đó tôi cũng hãnh diện với bạn bè… Khi tôi qua Mỹ học tại đại học Seattle chuyên ngành tài chính thì gia đình vẫn đều đặn gửi kinh phí từ Việt Nam qua để tôi thoải mái chi tiêu, chỉ tập trung lo việc học.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - IPPG
Nhưng có một sự thay đổi đó là ngày 30/4/1975, lúc đó cảm xúc tôi vui vì hết chiến tranh, hai miền Nam Bắc lại chung một nhà, nhưng ngược lại lúc này tôi đang ở Mỹ, lo vì không biết ba má, gia đình mình ở quê hương thế nào. Cuộc sống của tôi cũng thay đổi 180 độ từ đó, từ một sinh viên nhận chu cấp đầy đủ của gia đình, giờ đây nguồn tài chính bị cắt hẳn, nên tôi phải tự thân vận động từ những công việc chân tay như đi làm xây dựng 'phụ hồ', đi rửa từng chiếc xe hơi để lấy tiền chi trả cho chi phí ăn học. Học đại học ở Mỹ rất tốn kém, nhưng cũng vì thế mà tôi quý trọng đồng tiền và hiểu được sự vất vả của người lao động hơn.
Sau đó thì mọi việc cũng thuận lợi hơn khi tôi ra trường và được nhận vào làm kế toán cho Công ty US Shoes Corporation và sau đó làm thanh tra tài chính cấp cao của hãng Boeing Subcontractor với mức lương rất tốt, tôi có những chuyến công tác khắp các nước châu Á để Boeing cung cấp dịch vụ cho các nước. Tôi lập gia đình và có hai con trai với bà Cristina, cháu gái của Tổng thống Philippines là ông Ferdinand Marcos lúc bấy giờ. Cuộc sống của tôi và gia đình khá tốt, chúng tôi đi lại thường xuyên giữa Mỹ và Philippines, lúc đó tôi cũng muốn về Việt Nam thăm gia đình, nhưng không biết làm cách nào để về được.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn (thứ hai từ phải sang) trong một lần chụp hình với nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng
Cuộc sống luôn có những điều bất ngờ mà mình không lường trước được. Dịp Tết năm 1985, tôi bỗng nhận được cuộc gọi mời về thăm quê hương từ phía đại diện Việt Nam ở Liên Hợp quốc, lúc nhận được lời mời đó tôi mừng chảy nước mắt, còn hỏi đi hỏi lại có thật không, và khi nắm đầy đủ thông tin điều đó là thật, thế là tôi với vợ cùng 2 con vội chuẩn bị đồ đạc, thực hiện các thủ tục theo hướng dẫn rồi đáp máy bay về TPHCM và đi ô tô ra Nha Trang để thăm ba mẹ, gia đình. Lúc đó kinh tế đất nước chúng ta bị bao vây cấm vận khó khăn trăm bề. Ở Nha Trang hai đứa nhỏ con tôi bị sốt xuất huyết, vợ chồng tôi đưa vào bệnh viện tỉnh, nhưng ở đó không có thuốc, bác sĩ nói lấy chanh chà lên người cho các cháu để hạ sốt, ở đây đang có dịch nên bệnh nhân rất nhiều, nếu đêm nay cháu qua khỏi thì là tín hiệu tốt.
Đêm hôm đó tôi không bao giờ quên được! Hai vợ chồng mỗi người ôm một đứa con, lấy khăn thấm nước lau người và lấy chanh chà khắp cơ thể cháu, cho uống nước để hạ sốt. Nhưng đột nhiên nghe có tiếng người phụ nữ ở phòng bên cạnh gào khóc lên với chồng “Anh ơi con chết rồi anh ơi!”. Lúc đó trong viện nhiều đứa trẻ bị như thế, cứ lâu lâu lại nghe tiếng khóc của ai đó khiến lòng tôi quặn lại, càng lo lắng hơn. Thật may mắn với gia đình tôi, sáng ra hai cháu hạ sốt và ít ngày sau xuất viện. Lần trở về đầu tiên đó với tôi thật ám ảnh, tôi suy nghĩ rất nhiều, sao đất nước mình khó khăn thế, và mình có thể làm được điều gì cho đất nước để góp phần cải thiện tình hình!

Người dân nhận quà biếu do thân nhân là Việt kiều gửi về từ các chuyến bay do ông Johnathan Hạnh Nguyễn tổ chức, tại sân bay Tân Sơn Nhất (năm 1985)
- Ông có thể chia sẻ về câu chuyện mở đường bay thương mại đầu tiên cho Việt Nam trong những năm tháng khó khăn đó, và “tại sao lại là Philippines” mà không phải quốc gia khác?
- Vâng, câu hỏi này khá thú vị, chính vì là Philippines nên tôi mới là người được chọn. Còn để trả lời cho từ “tại sao” thì tôi xin nói là “tại vì” Philippines chính là một trong những đối tác và là đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á lúc bấy giờ. Nếu chúng ta mở cửa được đường bay với họ có nghĩa là gián tiếp kết nối được với Mỹ - nước đang thi hành lệnh cấm vận với chúng ta. Đây gọi là lách cấm vận.
Câu chuyện này là vào năm 1985 tôi tiếp tục nhận được lời mời về Việt Nam lần thứ hai. Khi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi được mời lên chuyên cơ TU-134 để ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc bấy giờ là Bác Phạm Văn Đồng. Khi gặp tôi Bác có nói: “Bác nhờ cháu kết nối để mở đường bay với Phillipines, ráng làm giúp đất nước cháu nhé”. Nghe một vị lãnh đạo danh tiếng lẫy lừng giao nhiệm vụ, tôi cảm thấy rất vinh dự, nhưng cũng rất lo lắng, vì tôi chưa làm về công việc ngoại giao bao giờ, nên tôi cũng chia sẻ thật với Bác, nhưng Bác lại nói tiếp “Bác tin là cháu làm được”. Chính câu nói này đã khiến tôi – khi ấy mới 34 tuổi rất cảm động, tự tin hơn hẳn và nhận lời ngay.

Chiếc máy bay của Hãng hàng không Việt Nam thực hiện 'sứ mệnh' chuyến bay đầu tiên từ TPHCM đi Manila – Philippines, mở cánh cửa kết nối hàng không của Việt Nam với thế giới trong thời điểm đất nước còn gặp rất nhiều khó khăn
Trở về Manila – Philippines, chiều tối 04/09/1985, tôi cùng anh Trần Tiến Vinh lúc đó là đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines mang Tờ trình của Bộ Ngoại giao xin mở đường bay cho Hãng hàng không Việt Nam bay TPHCM - Manila đến dinh Tổng thống. Tới nơi, anh Vinh chờ ở phòng ngoài, tôi đi vào với tâm trạng lo lắng lắm. Tại sao tôi lại sợ điều này, bởi vì đây không phải lần đầu chúng ta xin mở đường bay, những lần trước Tổng thống đều bác bỏ và nói không được trình nữa, với lại Tổng thống Marcos nổi tiếng là người khó tính.
Sau khi đi qua chỗ Thư ký Tổng thống là bà Leita ngồi làm việc, được bà cho biết tâm trạng Tổng thống hôm nay đang vui, ông vào trình đi. Tôi đi tới gần của phòng và nhìn qua cánh cửa, thấy ông Marcos đang ngồi trên ghế đọc và viết vào tài liệu để trên bàn. Tôi cẩn thận, nhẹ nhàng mở cửa bước vào và đặt lên bàn của Tổng thống Tờ trình mở đường bay. Thật bất ngờ, ông ấy nhận lấy, nhìn qua Tờ trình và ký đồng ý ngay. Tổng thống đưa Tờ trình lại cho tôi, lúc đó tim tôi muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, nín thở tôi nhận lại Tờ trình rồi đi một mạch về phía cửa, cánh cửa chỉ cách bàn làm việc của Tổng thống mấy mét thôi mà sao tôi thấy dài, chỉ mong nhanh chóng bước ra khỏi phòng. Sau khi ra ngoài rồi tôi mới thở được, vui quá tôi chạy ra ngoài cổng thì bà Leita gọi lại: Johnathan, ông đi đâu thế, quay lại đây, đưa nó cho tôi để làm văn bản chính thức mới có giá trị. Sau khi biết tôi đã có được chữ ký của Tổng thống Ferdinand Marcos anh Trần Tiến Vinh đón và ôm tôi cảm động nói: “Hạnh ơi cậu là anh hùng của đân tộc!”. Anh Vinh sau đó đã lập tức điện báo tin này về Hà Nội. Sau này, khi gặp ông Trần Quốc Hương (lúc đó là Trưởng ban Nội chính Trung ương), ông nói lại với tôi rằng: “Lúc cậu trình ký là lúc nhiều lãnh đạo chờ tin tốt từ Manila và tất cả vui mừng khi nhận được tin cậu đã thành công".

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chụp hình với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (năm 1987)
Sau này khi nghĩ lại, tôi mới hiểu tại sao mình là 'người được chọn'. Vì tôi khi ấy làm việc trong ngành hàng không của Mỹ, có mối quan hệ gia đình với Tổng thống Philippines, Chính phủ Việt Nam lại đang muốn tìm một người liên quan đến ngành hàng không để kết nối mở đường bay, lách thế cấm vận, đường bay được xác lập từ TPHCM đi Manila, vì Philippines là một đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á. Nếu chúng ta mở cửa được đường bay với họ có nghĩa là gián tiếp kết nối được với Mỹ. Tôi được chọn vì hội tụ các yếu tố cần thiết.
Sau khi được Tổng thống Philippines phê duyệt thì 5 ngày sau (ngày 09/9/1985) chuyến bay đầu tiên của Hãng hàng không Việt Nam từ TPHCM đi Manila – Philippines cất cánh. Trên chuyến bay này có các quan chức hàng không Việt Nam và phóng viên báo chí. Lượt về chở theo 30 tấn hàng quà biếu tặng của kiều bào Mỹ gửi về cho thân nhân ở Việt Nam. Đó là chuyến bay thương mại chính thức đầu tiên của Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đến một quốc gia ngoài khối Xã hội chủ nghĩa trong thời điểm nước ta bị bao vây cấm vận. Trước đó có bay qua Thái Lan nhưng phải xin phép từng chuyến một. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự kết nối về hội nhập kinh tế đầu tiên của nước ta với các nước thuộc khối Tư bản chủ nghĩa thông qua đường hàng không.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn tại văn phòng làm việc của mình
- Sau khi đường bay được mở, ông đã vận hành như thế nào? Có khó khăn gì không?
- Lúc đó, khi hoàn thành công việc được giao xong, tôi được gọi ra Hà Nội để Bác Phạm Văn Đồng gặp mặt, biểu dương. TPHCM cũng tạo điều kiện để Tổng Công ty Kinh doanh ngoài nước chứng nhận công ty IMEX PAN – PACIFIC.INC (Liên Thái Bình Dương) trực thuộc Hệ thống Tổng Công ty kinh doanh ngoài nước của UBND TPHCM, thuận tiện cho việc hoạt động kinh doanh ở nước ngoài đúng thủ tục pháp lý. Trong 3 năm từ 1985 -1988 tôi thuê chuyến bay charter chỉ có hàng chở về Việt Nam, còn hàng đi ra thì không có, vì lúc đó Việt Nam mình chưa có hàng để xuất khẩu.
Có câu chuyện vui thế này, vì chuyến bay từ TPHCM qua Manila không chở gì theo nên tôi xuống Miền Tây tìm gặp các chủ vựa cua và nói với họ là tôi có máy bay, các ông có cua, các ông có muốn xuất khẩu không, nếu muốn thì các ông gom cua lại, tôi chở qua nước khác bán cho. Mình cũng ngây thơ và các ông ấy cũng ngây thơ về việc xuất khẩu, vì đã xuất khẩu cái gì đâu! Thế là máy bay chở hàng chục cần xé lót lá chuối đựng cua bên trong. Hạ cánh xuống sân bay Manila, máy bay xóc quá hay sao đó mà cua văng ra khỏi cần xé, cắn đứt dây buộc, lúc lấy hàng, cửa khoang hành lý máy bay vừa mở là cua rớt xuống đường băng bò lổm ngổm, nhân viên sân bay phải đi bắt từng con lại, tôi phải tặng hết số cua đó cho nhân viên sân bay và chịu phạt 10 ngàn USD phí thu dọn, chở hàng không đúng quy cách đóng gói. Lúc này là 'thiệt hại kép' luôn, vừa mất tiền mua cua vừa chịu tiền phạt (cười).
Những mặt hàng chở từ Manila về được hoạch định theo nhu cầu trong nước, quan trọng nhất là thuốc Tây rồi đến đồ dùng thiết yếu. Thuốc Tây được chúng tôi vận động Việt kiều ở Mỹ mua gửi về theo dạng quà tặng, cái này chính phủ Mỹ sẽ không cấm vận vì đó là hành động nhân đạo, về đến TPHCM sẽ được các đơn vị y tế mua lại của người nhận và phân phối cho các bệnh viện.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn phát biểu tại một Diễn đàn hàng không quốc tế
Song song với việc đó, tôi còn đến các trại tị nạn tại Philippines để gặp những người vượt biên đang ở đây và nói với họ: Xin mọi người nói với gia đình dừng việc vượt biên trái phép vì như thế rất nguy hiểm, đã có bao nhiêu người bỏ mạng khi gặp bão tố, cướp biển, tôi hứa sẽ kết nối với Chính phủ Việt Nam, Mỹ và Philippines để mọi người có thể đoàn tụ với gia đình theo chương trình “Ra đi có trật tự”. Sau khi nghe tôi nói, nhiều người đã đồng ý liên lạc với gia đình ở Việt Nam. Sau đó thì những chuyến bay của tôi được phép chở người qua Philippines trước khi sang Mỹ đoàn tụ với gia đình theo các chương trình của chính phủ Hoa Kỳ cho phép thời điểm đó.
Tiếp theo đó là khơi thông chương trình kiều hối từ Mỹ. Dòng tiền được các Việt kiều đưa về Việt Nam chính ngạch và chúng ta thu lại ngoại tệ của người dân bằng cách đổi tiền Việt hoặc bán hàng cho họ. Đây là hình thức mà chúng tôi gọi là “xuất khẩu tại chỗ”. Có ngoại tệ là USD thì chúng ta mới có thể giao dịch hoạt động kinh doanh với nước ngoài, từ đó thì nguồn hàng hóa nhập về Việt Nam mới đa dạng để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt cũng như sản xuất. Tuy nhiên, sau 3 năm kinh doanh từ 1985-1988 thì "chuyện gì đến cũng đã đến", công ty tôi lỗ… 5 triệu USD, đó là một khối tài sản khổng lồ, có thể mua được rất nhiều nhà đất tại TPHCM lúc bấy giờ.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn trao 100 triệu đồng cho Đại tá Bùi Ngọc Giáp - Trưởng Ban Chuyên đề Công an TPHCM để tặng cho đồng bào khó khăn dịp Tết Nguyên đán 2025
- Trong gần 40 năm về Việt Nam đầu tư kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, ông đã nhiều lần được diện kiến, gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Những cuộc gặp gỡ, tiếp kiến đó đã mang lại cho ông điều gì để thôi thúc ông không ngừng quyết tâm, phấn đấu đóng góp cho nền kinh tế của nước nhà, và xây dựng và phát triển Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - IPPG lớn mạnh như hiện nay?
- Tôi xin kể lại câu chuyện thế này, thời điểm đó một số bác lãnh đạo ở Hà Nội có biết công ty tôi thua lỗ, nên cho gọi ra để tôi thưa chuyện, tôi đã được gặp riêng từng bác và nghe dặn dò. Bác Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói: Con cố gắng duy trì đường bay đừng bỏ giở nhé! Bác Trần Quỳnh - Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nói: Kinh doanh ở Việt Nam con cần nhớ hai điều, thứ nhất là phải kiên nhẫn, kiên trì; thứ hai là phải làm đúng quy định của pháp luật, khi đó Đảng, Chính phủ và Nhân dân sẽ bảo vệ con.
Những lời dặn dò này in đậm vào tâm trí tôi không bao giờ quên, nó là kim chỉ nam cho tôi trong mọi hoạt động kinh doanh sau này, đó là phải “thượng tôn pháp luật”, đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, tiếp theo là đến công ty rồi mới đến cá nhân mình. Khi bị lỗ 5 triệu USD với người khác chắc không thể trụ nổi, nhưng cũng may tôi có gia đình bên phía vợ ở Philippines có tiềm lực nên tôi vẫn tiếp tục kinh doanh được. Tôi cũng đã mở nhà máy sản xuất song mây, đầu tư xí nghiệp dây khóa kéo tại Nha Trang để xuất khẩu và tạo công ăn việc làm cho người dân, xây khách sạn 3 sao đầu tiên ở Việt Nam (Nha Trang Lodge). Mỗi khi tôi có dịp ra đường phố Nha Trang giờ tan tầm, ngắm dòng người là công nhân những nhà máy xí nghiệp của mình tan ca về nhà mà lòng lâng lâng vui mừng.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn kiểm tra hoạt động tại dự án do Tập đoàn đầu tư, khai thác
Tới năm 1988, khi chúng ta ký Hiệp định hàng không với Philippines và lúc này Việt Nam có Luật Đầu tư nước ngoài, thì công việc của tôi tốt lên, công ty dần cắt được lỗ và có lãi. Tới năm 1992 tôi mới bắt tay vào thực hiện kinh doanh miễn thuế tại các sân bay quốc tế. Ban đầu ngành này cũng không có lãi vì lúc đó khách du lịch đến Việt Nam chưa nhiều. Nhưng tôi ghi nhớ lời của bác Trần Quỳnh đã nói là phải "kiên nhẫn” vì thế sau này đất nước phát triển thì các cửa hàng miễn thuế của tôi cũng phủ khắp các sân bay quốc tế cả nước. Tiếp đó tôi mở rộng ngành nghề kinh doanh sang lĩnh vực phương tiện (xe máy Honda của Nhật Bản, siêu thị, nhà hàng F&B, kinh doanh hàng hiệu, mỹ phẩm, hàng thời trang trung và cao cấp...). Từ đó công ty tôi trở thành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - IPPG như bây giờ.
- Có thể nói hiện nay IPPG đã là Tập đoàn hàng đầu sở hữu nhiều công ty trong ngành thương mại và dịch vụ tại sân bay và các trung tâm thương mại lớn, có rất nhiều nhãn hàng quốc tế hợp tác với Tập đoàn. Theo ông thì lý do nào IPPG có được sự ủng hộ của các đối tác?
- IPPG là Tập đoàn gia đình, tôi làm Chủ tịch hội đồng thành viên, điều hành trực tiếp là bà xã của tôi - CEO Lê Hồng Thủy Tiên, còn đứng đầu các công ty thành viên là các con trai, con gái, con dâu, con rể và nhân viên của Tập đoàn. Các con của tôi đều đã trưởng thành và mỗi đứa có một thế mạnh riêng, đứa thì mạnh về kinh doanh thời trang, đứa thì mạnh về Logistic, đứa thì đầu tư vào công nghệ, trí tuệ nhân tạo, có thể bổ trợ cho nhau nếu cần, còn bình thường là kinh doanh và hạch toán độc lập, tôi không cứng nhắc trong cách dạy con, tôi để cho các con tự phát huy sở trường của mình.

Nhà ga quốc tế cảng hàng không Cam Ranh do IPPG đầu tư, khai thác
Tương tự với các nhãn hàng trong hệ sinh thái, họ có uy tín rất lớn trên thế giới. IPPG tôn trọng để họ tự cạnh tranh sòng phẳng chứ không thiên vị một nhãn hàng nào, nên họ rất tin tưởng và hợp tác tốt với IPPG. Không ngần ngại câu nói “bỏ trứng cùng một rổ”, vì vậy việc hợp tác ngày càng có lợi giữa đôi bên, hơn nữa ngày càng có nhiều nhãn hàng muốn hợp tác với chúng tôi, đến bây giờ IPPG đã kinh doanh 139 thương hiệu và khi đầu tư vào đâu là chúng tôi có cả một hệ thống các thương hiệu đó đi cùng, đúng như các cụ ta đã nói “buôn có bạn, bán có phường” mới đông khách được (cười).

Khách quốc tế đến Việt Nam du lich qua nhà ga quốc tế sân bay Cam Ranh
- Được biết IPPG đã và đang đầu tư tới 45 dự án, vậy ông tâm đắc nhất là những dự án nào?
- Tập đoàn có nhiều dự án lớn và thành công như Tràng Tiền Plaza, Rex Arcade, Nhà ga quốc tế cảng hàng không Cam Ranh…, còn dự án mà tôi tâm đắc nhất gồm hai phần, thứ nhất là dự án đã hoàn thành, khai thác và thứ hai dự án đang triển khai trong tương lai. Loại dự án thứ nhất là Nhà ga quốc tế sân bay Cam Ranh được xây dựng theo kiến trúc hiện đại mô phỏng hình “tổ yến” trên quê hương Khánh Hòa của tôi, trước dịch Covid-19, khi khánh thành và đi vào khai thác năm 2019 đã vượt công suất thiết kế ban đầu và phục vụ tới 6,5 triệu lượt khách quốc tế. Đến bây giờ khi đại dịch đi qua thì năm vừa rồi lượng du khách đã phục hồi bằng công suất kỳ vọng ban đầu là 4,3 triệu lượt.

Tràng Tiền Plaza nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội - dự án do IPPG đầu tư
Loại thứ hai (dự án trong tương lai - PV) là Khu phi thuế quan 101 héc-ta tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), chúng tôi đang xúc tiến, khi được cấp phép đầy đủ, chúng tôi sẽ nhanh chóng xây dựng nhiều hạng mục kinh doanh Factory outlet, mua sắm miễn thuế, nghỉ dưỡng, vui chơi, sinh hoạt văn hóa, phấn đấu ra mắt hoạt động vào dịp Tuần lễ Cấp cao APEC 2027 được tổ chức tại Phú Quốc. Khu phi thuế quan này dự kiến sẽ là điểm đến hấp dẫn thu hút nguồn khách du lịch trong nước và quốc tế dồi dào đến với Phú Quốc.
- Thế còn việc gì mà ông cũng tâm đắc nhưng chưa thực hiện được không?
Có chứ, đó là dự án Trung tâm tài chính quốc tế, năm 2016 tôi đã thuê đơn vị nổi tiếng từng thiết kế Trung tâm tài chính phố Wall, Dubai viết ra một bộ Dự án Trung tâm tài chính cho Việt Nam mình, đồ án trên giấy đã xong nhưng không triển khai được vì nhiều vướng mắc. Nhưng năm nay tôi được biết Chính phủ đang đẩy mạnh việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế nên rất mừng, tôi mong Việt Nam mình sớm có một Trung tâm tài chính quốc tế để thu hút được nhiều nguồn lực tài chính của thế giới tiếp thêm sức mạnh về tài chính cho các doanh nghiệp trong nước để chúng ta bứt phá và cạnh tranh được với thế giới.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn khảo sát địa điểm dự kiến xây dựng Khu phi thuế quan tại thành phố Phú Quốc
- Được biết, trải qua 40 năm hoạt động, Tập đoàn đã đóng góp hàng chục ngàn tỷ đồng tiền thuế cho Nhà nước, tạo ra hơn 25.000 việc làm cho người lao động, tài trợ chính nhiều quỹ từ thiện và các chương trình cộng đồng quy mô cả nước (trong đó chỉ tính riêng Quỹ học bổng Vừ A Dính, Quỹ bảo trợ Trẻ em Việt Nam, CLB vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu, ông và Tập đoàn đã tài trợ trên 50 tỷ đồng trong hơn 10 năm qua). Ông và Tập đoàn cũng đã được tặng thưởng hơn 400 huân chương, huy chương, bằng khen của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các nước, tổ chức quốc tế. Ông muốn chia sẻ gì về điều này?
- Tôi xin thưa, đây là câu trả lời cho 40 năm tôi về Việt Nam. Thay mặt Ban lãnh đạo và 25.000 nhân viên Tập đoàn, tôi xin gửi lời cảm ơn, tri ân sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Ban, Bộ ngành Trung ương, chính quyền các địa phương và Nhân dân đã ghi nhận về sự đóng góp, cống hiến của cá nhân tôi cũng như tập thể IPPG trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội nước nhà.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn trong một lần chụp hình lưu niệm với các phần thưởng cao quý được trao tặng
Tôi trở về quê hương Việt Nam không chỉ để kinh doanh mà còn là đóng góp, giống như rất nhiều Việt kiều khác, chúng tôi khao khát được mang kiến thức, nguồn lực kinh tế của mình về phục vụ đất nước, cùng đất nước phát triển. Với tôi, được đóng góp một phần công sức của mình vào sự phát triển, đi lên của đất nước là niềm vinh dự và hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Trong thời khắc trọng đại của lịch sử - Kỷ niệm 50 giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, nhìn lại nửa thế kỷ phát triển của đất nước, dân tộc, từ một nước kém phát triển, bị bao vây cấm vận, vượt qua bao ghềnh thác, rào cản, đến hôm nay đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín quốc tế mạnh mẽ mà nhiều quốc gia nhìn vào phải nể trọng, kính phục. Điều đó khiến tôi càng vững tin hơn vào tương lai của đất nước, vào kỷ nguyên phát triển mới, Việt Nam chúng ta sẽ vươn lên mạnh mẽ, sớm trở thành một quốc gia hùng cường của Thế giới.
- Trân trọng cảm ơn ông!