Gia Lai, Hà Tĩnh sơ tán dân khỏi vùng nguy cơ sạt lở, ngập lụt

Thứ Năm, 29/10/2020 15:43

|

(CAO) Do ảnh hưởng của bão số 9, tại nhiều địa phương tiếp tục xảy ra mưa lớn, nước lên nhanh, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tiếp tục diễn ra.

Do ảnh hưởng của bão số 9, tỉnh Gia Lai có 80 xã, phường, thị trấn bị mất điện. Đến trưa 29/10 vẫn còn 7 xã mất điện thuộc huyện Kbang (3 xã), Kông Chro (1 xã), Đăk Đoa (1 xã), Chư Păh (1 xã) và thị xã An Khê (1 xã).

Nhiều cây xanh tại Gia Lai gãy đổ do bão

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, bão số 9 đã ảnh hưởng và gây thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tính đến ngày 29/10, tỉnh Gia Lai đã có một người chết, một người bị thương do bị tường đổ đè trúng. 8 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 357 ngôi nhà bị tốc mái, 60 hộ dân bị ngập nước. Hai nhà giáo viên, 8 điểm trường bị tốc mái cùng nhiều hạng mục như mái hiên nhà xe, tường rào bị hư hỏng, đổ. Các công trình văn hóa bị hư hỏng, đặc biệt, tại huyện Kông Chro có 3 nhà rông bị tốc mái, hư hỏng nặng.

Các công trình công nghiệp như trụ điện, trụ sở Ủy ban nhân dân xã, cây xanh khu vực trung tâm thành phố Pleiku bị gãy đổ nhiều. Các tuyến đường đèo như đèo Kon Pne (huyện Kbang) bị sạt lở nghiêm trọng.

Trước tình hình diễn biến mưa, bão hết sức phức tạp, tỉnh Gia Lai tiếp tục yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ, vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện để có phương án ứng phó kịp thời.

Tỉnh rà soát, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức các lực lượng xung kích ứng trực 24/24 tại các điểm xung yếu có nguy cơ lở đất, lũ quét, khu vực ngầm tràn để cảnh báo, hạn chế qua lại, tránh nguy hiểm cho người dân; khẩn trương khắc phục các thiệt hại ban đầu về nhà ở, trường học, trạm y tế…

Kon Tum: 12 cầu treo dân sinh bị thiệt hại

Ngày 29/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum gấp rút triển khai nhiều biện pháp khắc phục những thiệt hại, sớm ổn định đời sống cho người dân.

Tỉnh Kon Tum chưa ghi nhận thiệt hại về người do bão số 9, tuy nhiên, mưa lớn và lũ quét đã gây thiệt hại nặng về cơ sở vật chất tại một số địa phương. Theo thống kê, toàn tỉnh có 166 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái và ngập nước; hơn 10 xã bị cô lập; thiệt hại gần 567 ha cây trồng. Các tuyến đường giao thông bị sạt lở hư hỏng với khối lượng trên 5.000m3, dài trên 3.000m; 12 cầu treo dân sinh bị thiệt hại.

Ngoài ra, các tuyến đường liên thôn, liên xã, đường đi khu sản xuất bị sạt lở hư hỏng, gây ách tắc giao thông trên địa bàn các huyện Kon Plông, Đăk Glei, Tu Mơ rông, Kon Rẫy, Ngọc Hồi... làm hư hỏng một số công trình cầu cống, cầu treo bị hư hỏng, cuốn trôi.

Ngay sau bão số 9, tỉnh yêu cầu các sở, ngành tập trung sửa chữa các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế để đảm bảo chỗ học hành an toàn cho học sinh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh thường xảy ra sau bão lũ.

Hiện, các tuyến đường như Đăk Kôi, Đăk Pxi, Plei Krông, tỉnh lộ 672 vẫn chưa thể lưu thông do bị thiệt hại nặng. Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường, khẩn trương điều động nhân lực và máy móc xử lý đất đá, vết nứt trên mặt đường để việc lưu thông sớm được ổn định. Đồng thời, Sở bố trí lực lượng tại các điểm có nguy cơ sạt lở và lũ quét cao bảo đảm an toàn, ngăn không cho phương tiện lưu thông khi xảy ra sự cố.

UBND tỉnh Kon Tum đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống mưa lũ, đặc biệt lưu ý bảo đảm an toàn hồ đập, ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu. Các địa phương bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết và tổ chức cắm các biển báo, cảnh báo, nghiêm cấm người, phương tiện lưu thông qua khu vực bị ngập lụt, nguy hiểm.

Hà Tĩnh: Di dời 140 hộ dân đến nơi an toàn

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, từ ngày 28 đến rạng sáng 29/10, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa vừa đến mưa rất to, lượng mưa đo được tại các trạm thủy văn (từ 7 giờ ngày 28 đến 7 giờ ngày 29/10): Linh Cảm là 43,0mm, Hương Khê 126,7mm, Chu Lễ 111mm, Sơn Diệm 56,0 mm… Một số vùng ven biển có gió mạnh cấp 7 giật cấp 8.

Trước diễn biến mưa to, tại Hà Tĩnh nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở khu vực vùng núi các huyện như: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang; nguy cơ xảy ra ngập úng vùng trũng thấp, vùng đô thị đặc biệt tại: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Đức Thọ, Can Lộc và huyện Lộc Hà.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện tập trung ứng phó khẩn cấp với tình hình mưa lũ cũng như tăng cường đảm bảo an toàn công trình thủy lợi và phòng chống ngập lụt, úng.

Tính đến 10 giờ ngày 29/10, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã di dời 140 hộ với 386 nhân khẩu ở các địa phương như: Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Thạch Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh và thành phố Hà Tĩnh, đến nơi an toàn.

Hôm nay hơn 28.000 học sinh 77 trường học ở Hà Tĩnh nghỉ học.

Bình luận (0)

Lên đầu trang