Khởi đầu một chuyên ngành Toán học mới
Giáo sư Hoàng Tụy sinh năm 1927, tại làng Xuân Đài, Điện Bàn, Quảng Nam. Ngay từ nhỏ, Hoàng Tụy đã có niềm say mê với môn Toán.
Năm 1951, Hoàng Tụy xin ra Bắc để học Trường Khoa học Thực hành Cao cấp ở Việt Bắc. Đến nơi, ông mới biết Trường Khoa học Thực hành Cao cấp không mở được, chỉ có Trường Sư phạm Cao cấp và Khoa học Cơ bản, đóng ở Khu học xá Trung ương tại Nam Ninh (Trung Quốc) để tránh máy bay địch. Vì chương trình Toán ở hai trường này, ông đã tự học khi còn ở Liên khu V, Bộ Giáo dục đưa ông sang Khu học xá Trung ương để vừa dạy Sư phạm Trung cấp ở đó, vừa có điều kiện tranh thủ tự học thêm theo nguyện vọng. Cứ thế, từ năm 1951 đến 1954, ông đã kiên nhẫn tự học chương trình đại học Toán của Liên Xô, đồng thời nghiên cứu những vấn đề tổng quát về giáo dục.
GS. Hoàng Tụy. Ảnh Xuân Trung
Đầu năm 1955, ông được Bộ Giáo dục điều về Hà Nội và giao cho phụ trách công tác chuẩn bị cải cách giáo dục phổ thông để thống nhất hệ phổ thông 9 năm ở vùng tự do với hệ 12 năm ở vùng mới giải phóng thành hệ phổ thông 10 năm. Tiếp đó, ông được giao phụ trách Ban Tu thư - tổ chức biên soạn chương trình và sách giáo khoa cho tất cả các môn học của hệ giáo dục phổ thông 10 năm.
Tháng 9/1955, ông được Giáo sư Lê Văn Thiêm mời kiêm dạy một số giờ Toán tại Trường Đại học Sư phạm Khoa học. Trường này chỉ tồn tại 2 năm (1955 - 1956) và đào tạo được 3 khóa nhưng đã có vai trò rất quan trọng. Tất cả sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi hồi ấy và sau đó được bổ nhiệm làm cán bộ giảng dạy ở các trường đại học đều đã trưởng thành. Nhiều người đã trở thành những nhà khoa học tài năng, những cán bộ khoa học đầu ngành và những cán bộ lãnh đạo khoa học có uy tín.
Tháng 3/1959, Hoàng Tụy bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ tại Đại học Tổng hợp Lômônôxốp. Đầu năm 1961, ông khởi xướng, hướng dẫn phong trào ứng dụng vận trù học ở miền Bắc, bắt đầu từ ngành Giao thông Vận tải, rồi dần dần mở rộng sang nhiều ngành kinh tế khác. Ngoài lợi ích thiết thực về kinh tế, việc này đã mở ra một hướng mới, đưa Toán học ứng dụng vào kinh tế ngay ở một nước còn rất lạc hậu về khoa học - kỹ thuật. Hơn nữa, các khái niệm vận trù, tối ưu, hệ thống, hiệu quả được phổ biến rộng rãi, đã góp phần không nhỏ làm thay đổi tư duy quản lý của cán bộ lãnh đạo, gián tiếp tác động đến hiệu quả quản lý kinh tế thời đó.
Song song với các hoạt động ứng dụng, ông thường xuyên triển khai các nghiên cứu lý thuyết ở trình độ cao. Năm 1964, lần đầu tiên, ông đưa ra phương pháp giải bài toán quy hoạch lõm, lúc bấy giờ được coi là thuộc loại rất khó về bản chất nên trên thế giới chưa ai nghiên cứu. Phương pháp này dựa trên một lát cắt độc đáo về sau được giới nghiên cứu đặt tên là "Tuy's cut" (lát cắt Tụy). Công trình quy hoạch lõm của ông trở thành cột mốc đánh dấu sự ra đời một chuyên ngành Toán học mới “Lý thuyết tối ưu toàn cục”. Ông được coi là "cha đẻ của Tối ưu toàn cục tất định" là do công trình đó.
Trong suốt thời gian công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau: Tổ trưởng Bộ môn Toán trong Khoa Toán - Lý - Hóa (1959 - 1960); Chủ nhiệm Khoa Toán - Lý (1961), Chủ nhiệm Khoa Toán (1961 - 1968) và có đóng góp lớn cho sự phát triển của Khoa Toán (nay là Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) và ngành Toán học nói chung của Việt Nam.
Cùng với Giáo sư Lê Văn Thiêm, Giáo sư Hoàng Tụy đã có đóng góp lớn trong việc thành lập, xây dựng Viện Toán học và Hội Toán học Việt Nam. Năm 1970, Giáo sư Lê Văn Thiêm được cử lãnh đạo Viện Toán học, Hoàng Tụy trở thành cố vấn, trợ thủ đắc lực. Từ 1975, Giáo sư Lê Văn Thiêm là Viện trưởng chính thức, kiêm Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Toán học, Giáo sư Hoàng Tụy là Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học. Năm 1980, Giáo sư Hoàng Tụy được bổ nhiệm Viện trưởng thay Giáo sư Lê Văn Thiêm và công tác 2 nhiệm kỳ, trước khi nghỉ hưu.
Tác giả của gần 150 công trình khoa học
Giáo sư Hoàng Tụy là tác giả của gần 150 công trình khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín về nhiều lĩnh vực khác nhau của Toán học như: Hàm thực, Quy hoạch toán học, Tối ưu toàn cục, Lý thuyết điểm bất động, Định lý Minimax... Cuốn chuyên khảo gồm phần lớn những thành tựu nghiên cứu của Giáo sư Hoàng Tụy và học trò của ông mang tên "Global Optimization - Deterministic Approches" (Tối ưu toàn cục - tiếp cận tất định) được Springer (nhà xuất bản khoa học lớn nhất thế giới) in lại ba lần từ năm 1990 đến năm 1996, được coi là kinh điển trong lĩnh vực Tối ưu toàn cục.
Ngoài các hoạt động khoa học trong nước, Giáo sư Hoàng Tụy tham gia nhiều hoạt động khoa học quốc tế. Ông đã tham gia ban chương trình quốc tế của nhiều hội nghị quốc tế lớn, tham gia ban biên tập của 4 tạp chí quốc tế: "Mathematical Programming"(1976 - 1985), "Optimization" (từ 1974), "Journal of Global Optimization" (từ lúc thành lập - 1991) và "Nonlinear Analysis Forum" (từ 1999), tham gia ban biên tập tủ sách "Nonconvex Optimization and Its Applications" của Nhà xuất bản Springer. Trong nhiều năm (1980 - 1990), Giáo sư Hoàng Tụy cũng là Tổng Biên tập hai hai tạp chí Toán học của Việt Nam: "Acta Mathematica Vietnamica" và "Toán học", sau đổi tên là "Vietnam Journal of Mathematics". Ông được mời thỉnh giảng tại nhiều đại học lớn ở Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Nhật, Úc…
Năm 1995, ông được Đại học Linkoping (Thụy Điển) phong tặng Tiến sỹ danh dự. Năm 1996, Giáo sư Hoàng Tụy đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh nhằm ghi nhận những cống hiến lớn của ông cho khoa học Việt Nam.
Bằng niềm say mê Toán học, tâm huyết với nghề nghiệp, từ khi thôi làm Viện trưởng Viện Toán học, Giáo sư Hoàng Tụy vẫn gắn bó chặt chẽ với Viện và tiếp tục có nhiều cống hiến cho sự phát triển Toán học.
Không chỉ nổi tiếng là một nhà Toán học, Giáo sư Hoàng Tụy còn được biết đến là người thầy trăn trở cho Giáo dục Việt Nam. Ông từng kiến nghị 4 vấn đề trong cải cách giáo dục gồm: cải thiện cơ bản chính sách đối với người thầy; cải cách hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề; thay đổi căn bản cung cách học và thi; chuyển giáo dục Đại học theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đỗ Long Vân, nguyên Viện trưởng Viện Toán học chia sẻ, Giáo sư Hoàng Tụy là một tấm gương sáng về việc tự học, tự đào tạo mình trở thành một nhà khoa học lớn, với tình yêu khoa học trọn vẹn; một tấm gương về tinh thần trách nhiệm của người trí thức đối với tương lai và vận mệnh của đất nước.
Tang lễ Giáo sư Hoàng Tụy sẽ được tổ chức vào hồi 7 giờ 30 ngày 19/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.