Sự cần thiết của việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

Thứ Năm, 24/02/2022 19:27  | Mai Loan

|

(CAO) Ngày 24-2, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Thực tiễn hoạt động và yêu cầu hoàn thiện chính sách pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”. Thừa ủy quyền lãnh đạo Bộ Công an, Thiếu tướng Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc, Bộ Công an chủ trì hội thảo.

Rất cần thiết phải xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Hội thảo nhằm bổ sung, làm rõ cơ sở lý luận thực tiễn, sự cần thiết và yêu cầu hoàn thiện chính sách pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công nhân viên chức trong hệ thống chính trị và nhân dân về vị trí, vai trò và sự cần thiết xây dựng Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Hội thảo khoa học “Thực tiễn hoạt động và yêu cầu hoàn thiện chính sách pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”

Theo Thiếu tướng Tráng A Tủa: Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở là lực lượng đông đảo của toàn dân, nòng cốt của lực lượng này là bảo vệ dân phố, dân phòng và Công an xã bán chuyên trách. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có quá trình hình thành và phát triển trải dài qua các thời kỳ cách mạng, là tai mắt, là cánh tay nối dài của Công an nhân dân tại địa bàn cơ sở, tham gia bảo vệ ANTT an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh trật tự ở cơ sở; làm nòng cốt trong phong trào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội góp phần quan trọng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn cơ sở, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận đánh giá cao…

Thiếu tướng Tráng A Tủa phát biểu tại Hội thảo

Để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các lực lượng, tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ ANTT trong nhà nước pháp quyền hiện nay, rất cần thiết phải xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thống nhất trong toàn quốc và cần thiết có luật điều chỉnh để đảm bảo hành lang pháp lý và hiệu lực hiệu quả hoạt động của lực lượng này.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ vai trò, tầm quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong công tác đảm bảo ANTT. Các ý kiến tham luận tại Hội thảo đã chỉ rõ, lực lượng đảm bảo ANTT ở cơ sở chính là sợi dây gắn kết hết sức quan trọng của lực lượng Công an với quần chúng nhân dân, là cánh tay nối dài của lực lượng Công an nhân dân, từ đó thống nhất ý kiến về việc cần sớm ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Theo Trung tướng, PGS.TS. Nông Văn Lưu, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an chia sẻ, ở các buôn, làng tại các vùng chiến lược như Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, nếu có người tin cậy với nhân dân thì chúng ta sẽ nắm bắt được tình hình về ANTT nhanh hơn.

Trung tướng Nông Văn Lưu cho rằng: “Trong một số vụ việc, khi lực lượng ta hỏi người dân, họ trả lời là đang đi làm rẫy, nhưng thực tế có thể là họ đi biểu tình nhưng không nói thật. Họ chỉ nói với người họ tin cậy, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của họ. Điều đó cho thấy, lực lượng đảm bảo ANTT ở cơ sở là không thể thay thế. Xây dựng củng cố vững chắc thực lực chính trị ở cơ sở trong đó có lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở có ý nghĩa then chốt, tất yếu. Đây là một trong những yếu tố quyết định bảo vệ an ninh bền vững”. Trung tướng Nông Văn Lưu khẳng định.

Trung tướng Nông Văn Lưu phát biểu tham luận tại Hội thảo

Cùng với quan điểm của Trung tướng Nông Văn Lưu, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM đã chia sẻ những kết quả phối hợp với Công an chính quy của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng trong công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn phức tạp về ANTT như TPHCM.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2021, thông qua công tác nắm tình hình, lực lượng bảo vệ dân phố đã phát hiện 20.379 vụ việc có liên quan đến ANTT, tham gia hòa giải 20.588 các vụ mâu thuẫn tranh chấp trong nội bộ nhân dân, không để diễn biến phức tạp; tiếp nhận 53.945 nguồn tin do nhân dân cung cấp liên quan đến ANTT với hơn 22.000 tin có giá trị, phối hợp với lực lượng Công an cấp cơ sở giải quyết 103.997 vụ việc liên quan đến ANTT, tham gia bắt 269 vụ/287 đối tượng phạm tội quả tang, tham gia bắt, vận động đấu thú 133 đối tượng có lệnh truy nã; quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ 14.773 đối tượng…

Hỗ trợ đắc lực lực lượng Công an chính quy trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý cư trú, phòng cháy chữa cháy, trật tự an toàn giao thông và vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Bên cạnh đó, phối hợp với lực lượng Công an chính quy xây dựng, củng cố và duy trì hoạt động của các mô hình tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; tổ chức 7.280 buổi với 237.240 lượt người tham gia về các chuyên đề bảo đảm ANTT, tuyên truyền phòng ngừa tác hại của ma túy, các bộ luật được ban hành…

Mở rộng diện được tuyển chọn lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng cũng cho biết, về mặt chính sách pháp luật, cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để thống nhất quy định nhiệm vụ, hoạt động, chế độ chính sách và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về ANTT, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng trong các văn bản chỉ đạo của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng cũng bày tỏ quan điểm, có thể xem xét mở rộng diện được tuyển chọn lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là những người có tiền án, tiền sự nhưng tại thời điểm tuyển chọn, người đó thực sự gương mẫu, người có tiền án về các tội do lỗi vô ý, vi phạm ở độ tuổi chưa thành niên nhận thức chưa đầy đủ mà có tinh thần đấu tranh chống tội phạm tốt, có uy tín ở địa phương nhằm thu hút, củng cố, kiện toàn lực lượng này ngày một lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong gia đoạn hiện nay; huy động nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ từ người dân, tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ, nâng cao chế độ, phụ cấp, đãi ngộ lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở…

Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thiếu tướng Tráng A Tủa nhấn mạnh, xây dựng lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu quả là thực hiện chủ trương Nghị quyết của Đảng, nhà nước về xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định rõ “Sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân, Nhà nước củng cố tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân”.

Hiện nay, quy định pháp luật hiện hành về 3 lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm dân phòng, bảo vệ dân phố và Công an xã bán chuyên trách được quy định ở các văn bản quy phạm khác nhau, chưa có 1 văn bản thống nhất cho các lực lượng tổ chức quần chúng này mặc dù họ đều có chức năng, nhiệm vụ như nhau là bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã thành lập nhiều tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở với nhiều tên gọi khác nhau nhưng đều là lực lượng quần chúng tự nguyện, được thành lập theo các quy định của pháp luật. Chính vì vậy, rất cần thiết phải có luật quy định về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để thống nhất thực hiện ở tất cả các địa bàn.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo

Thiếu tướng Tráng A Tủa yêu cầu Ban Tổ chức Hội thảo tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn tại Hội thảo, tổng hợp báo cáo, tham mưu Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cở sở để trình Quốc hội.

Khuyến nghị ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang