TPHCM: Hơn 7.500 giáo viên và học sinh mắc Covid-19 trong 1 tuần

Thứ Ba, 22/02/2022 21:05

|

(CAO) Chiều 22/2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM đã tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 với TP Thủ Đức và các quận, huyện.

Tham dự và chủ trì cuộc họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP; Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.

Biến chủng Omicron chiếm đa số các ca mắc mới

Báo cáo tại cuộc họp, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP cho biết, khả năng biến chủng Omicron trên địa bàn TP đang dần chiếm ưu thế. Kết quả tầm soát Omicron trên địa bàn TP của OUCRU (đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP thực hiện từ ngày 10-17/2 cho thấy, có 70/92 mẫu bệnh phẩm PCR (+) với Omicron chiếm tỷ lệ 76%. Giải trình tự gen 26 mẫu PCR sàng lọc dương tính trên, xác định 100% là biến thể Omicron.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đan Như

Cũng theo ông Tăng Chí Thượng, số ca mắc mới đang tăng trong tuần qua. Các quận, huyện, TP Thủ Đức có số ca mắc đều tăng. Các quận có số ca mới cao nhất là Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, 12, Gò Vấp. Về cấp độ dịch, nhiều tuần qua, TP không có phường, xã có cấp độ dịch là cấp độ 3. Tuần vừa qua, có Phường 1, Quận 4 ở cấp độ 3.

Hiện TP có số F0 hơn 15.600 trường hợp, trong đó gần 14.000 ca theo dõi sức khỏe ở nhà. Ngày 22/2, TP có khoảng 1.300 ca. Tuy nhiên, số ca nặng chưa thấy có dấu hiệu tăng, hiện có khoảng 50 trường hợp, thấp nhất nhiều tháng qua. Nhiều tuần qua, số ca tử vong dưới 5 trường hợp, hôm nay có 1 ca.

Thông tin về số ca mắc mới ở trẻ em, ông Thượng cho biết, trong tuần từ ngày 14-21/2 có 7.505 giáo viên và học sinh mắc Covid-19 (trong đó 6.799 học sinh, trẻ mầm non); tuần trước con số này là 588 ca (trong đó 449 học sinh, trẻ mầm non).

Hiện 3 bệnh viện nhi của TP đang điều trị 100 trường hợp, trong đó 85 trường hợp của TP. Trong số đó có 84% triệu chứng sốt, 77% triệu chứng đường hô hấp (ho sổ mũi, đau họng…); 11% trẻ em phải hỗ trợ oxy; 89% có triệu chứng trung bình và nhẹ. Đối với trẻ em dưới 12 tuổi, chiếm tỷ lệ 93% số ca bệnh (đây là lứa tuổi chưa được tiêm vaccine).

Về các giải pháp trong công tác phòng chống dịch, Giám đốc Sở Y tế TP Tăng Chí Thượng thông tin đến 11 giờ trưa ngày 22/2, toàn TP đã tiêm được 20.089.462 mũi vaccine phòng Covid-19. Trong đó, tổng số mũi bổ sung, nhắc lại là 4.660.523 mũi. Riêng giai đoạn 2 chiến dịch tiêm chủng mùa xuân (triển khai từ ngày 7/2) đã tiêm được 124.000 liều, trong đó hơn 6.000 người tiêm mũi 1.

Ông Tăng Chí Thượng cho biết thêm, ngành y tế TP đã gặp gỡ các chuyên khoa đầu ngành về nhi khoa để xây dựng kế hoạch thu dung điều trị khi số trẻ nhiễm Covid-19 tăng nhanh. Hiện nay, 3 bệnh viện nhi của TP có 450 giường tại 3 khoa Covid-19 (mỗi bệnh viện có 150 giường, trong đó có 50 giường hồi sức hô hấp). Đồng thời, Sở Y tế cũng phân tầng điều trị; hướng dẫn chăm sóc tại nhà và các trường hợp cần nhập viện; xây dựng kịch bản khi số trẻ mắc Covid-19 gia tăng.

Cùng với đó, nhằm tăng cường các biện pháp ứng phó với tình hình dịch Covid-19 ở trẻ em, ngành y tế cung cấp số điện thoại kênh tư vấn từ xa để kịp thời tư vấn, giải đáp thắc mắc cho giáo viên và thân nhân bệnh nhân bệnh nhi. Song song đó là tập huấn cho hệ thống y tế về hướng dẫn và chăm sóc trẻ mắc Covid-19 tại nhà và bệnh viện; tập huấn cho giáo viên nhận biết các dấu hiệu cần báo cho nhân viên y tế, xử trí ban đầu, quy trình xử lý F0 trong trường học; sẵn sàng triển khai tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi;…

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, hiện nay số ca chuyển nặng và phải thở máy không tăng, đó là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, hiện nay số ca F0 điều trị tại nhà tăng, các 'pháo đài' xã, phường, thị trấn cần nỗ lực trong công tác phòng chống dịch; phải tiếp cận ngay các hướng dẫn mới của Bộ Y tế, Chính phủ, bao gồm xử lý F0, F1. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh bảo vệ người có nguy cơ như: người cao tuổi, người có bệnh nền…

Tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi khi Bộ Y tế có hướng dẫn

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, tình hình chung của cả nước hiện nay là số ca F0 đang tăng lên. Tuy nhiên số chuyển nặng có chiều hướng giảm, liên tục mấy tuần. Bí thư Thành ủy cũng lưu ý, số ca nhiễm ở trường học tăng, đặc biệt số trẻ dưới 12 tuổi chưa tiêm vaccine là F0 tăng lên. Kết quả giải trình tự gene biến chủng Omicron chiếm đa số mẫu được giải trình.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, số ca F0 tăng lên những ngày qua cũng không bất ngờ, nằm trong dự đoán của chúng ta nhưng không thể chủ quan, xem thường và điều này phải đặt ra nhiều câu hỏi là cần tính toán các giải pháp cho thời gian tới.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đan Như

Thống nhất các giải pháp của Sở Y tế TP, Bí thư Thành ủy lưu ý, cần tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 tiêm vaccine bổ sung mà Chính phủ đã chỉ đạo; chuẩn bị tiêm cho trẻ em dưới 12 tuổi khi Bộ Y tế có hướng dẫn, cũng như tiêm chủng người còn lại chưa được tiêm, nhất là những người có nguy cơ. Đồng chí yêu cầu các quận, huyện, các 'pháo đài' tiếp tục rà soát, tuyên truyền vận động để chuẩn bị triển khai nội dung này; tiếp tục thực hiện Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân giai đoạn 2.

Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, Bộ Y tế có quyết định cấp số đăng ký lưu hành cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước; đồng thời yêu cầu các đơn vị của TP chuẩn bị kế hoạch phân phối thuốc làm sao để phủ nhanh trên địa bàn TP trong điều kiện có thể.

“Với tình hình thế này, thì việc kiểm soát dịch bệnh bằng vaccine và thuốc trở thành vũ khí hết sức quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh” - ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng cho rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục bảo vệ người có nguy cơ cao. Hiện số ca tử vong còn xảy ở người có bệnh nền, người lớn tuổi, dù có 1-2 trường hợp tử vong mỗi ngày vẫn phải cố gắng bảo vệ tối đa nhóm người có nguy cơ. Cùng với đó là bổ sung trẻ em vào đối tượng cần bảo vệ đối với nhóm người nguy cơ cao vì trẻ em trong độ tuổi này chưa tự bảo vệ được mình, chưa tự thực hiện 5K. Cũng như những người lớn tuổi, người mắc bệnh nan y cần bảo vệ ngay từ người chăm sóc, người tiếp cận; còn trẻ em cần được bảo vệ ngay từ người trực tiếp giám hộ, giáo viên…

Cho biết các chuyên gia đã chuẩn bị kịch bản chi tiết ứng phó với Omicron tàng hình (cách gọi khác của dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron), đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu các đơn vị của TP phải chuẩn bị kịch bản, kế hoạch ứng phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra để không bị động, lúng túng.

Cùng với đó là chuẩn bị sẵn sàng thu dung điều trị chăm sóc trẻ mắc bệnh một cách chu đáo. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên lưu ý, các đơn vị tăng cường truyền thông, hoạt động tư vấn hỗ trợ từ các pháo đài, cơ sở, tăng cường bác sĩ về cơ sở. Tiếp tục hướng dẫn quy trình xử lý F0 tại cộng đồng, trước hết thực hiện hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Từng địa bàn phải cụ thể hóa thành tình huống, kịch bản để không lúng túng, khi xuất hiện các tình huống phải xử lý ngay”. – Bí thư Thành ủy lưu ý.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM và Sở Y tế TP cần ban hành sớm nhất quy trình, hướng dẫn thống nhất đến cơ sở, pháo đài về cách xác định ổ dịch, cách xử lý ổ dịch;… để kiểm soát hạn chế được lây nhiễm đối tượng nguy cơ cao và trẻ em, nhằm công khai cộng đồng dân cư biết để ứng phó; phải có hướng dẫn, công khai, có truyền thông để mọi người dân ý thức tự bảo vệ mình. Ngoài 5K, còn có những biện pháp khác trong giai đoạn thích ứng cho phù hợp.

Đặc biệt trong hướng dẫn, cần quan tâm mối quan hệ nhà trường, phụ huynh, ngành y tế khi có một trẻ em là F0. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần dự tính những điều chưa có trong báo cáo, căn cứ tình hình thực tế, tính toán kịch bản riêng để thích ứng, xử lý tình huống khi xuất hiện ca bệnh. Quan trọng nhất là theo dõi tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện nay, kịp thời báo cáo Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia.

“Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP và quận, huyện triển khai, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng pháo đài, để các đồng chí nâng cao trách nhiệm thực hiện kế hoạch đưa ra, làm thế nào mỗi người dân trong TP đều có thông tin tương đối đầy đủ về thực trạng, diễn biến dịch bệnh, biện pháp thích ứng hiện nay để người dân ủng hộ chúng ta thực hiện thì mới đạt được kết quả theo yêu cầu đề ra”. – Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang