(CAO) Những ngày qua, nhiều phụ huynh phản ứng về việc giáo viên dạy học sinh lớp 1 theo chương trình sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục (TV CNGD) của giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Theo đó, học sinh được học theo cách ghi nhớ mỗi âm tiết theo từng hình khối vuông, tròn.
Năm học mới chỉ vừa bắt đầu, thế nhưng những chuyện về giáo dục đã trở thành một vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của xã hội. Trong đó, nổi lên việc học sinh lớp 1 học đánh vần theo phương pháp vuông tròn theo sách TV CNGD.
Cụ thể, mỗi thanh âm trong bài học sẽ tương ứng với một hình khối (vuông, tròn hoặc tam giác) để học sinh mới bắt đầu tiếp cận mặt chữ có thể dễ dàng nhận diện và ghi nhớ.
Ảnh minh họa
Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài TPHCM và Đà Nẵng thì hầu hết các tỉnh, thành trên khắp cả nước đều áp chương trình học này của giáo sư Đại. Không hiểu về cách dạy học theo phương pháp này, nhiều phụ huynh đã thể hiện sự bức xúc thậm chí có người còn chia sẻ đoạn clip dài hơn 5 phút về việc người cho hỏi con đọc câu thơ “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.
Đứa trẻ ngây ngô chỉ tay vào từng ô vuông tương ứng với từng tiếng để đọc bài thơ rành mạch. Sau đó, người cha chỉ bất ngờ vào một ô vuông và kêu con đọc thì đứa trẻ trả lời “không biết”. Ngay sau đó, hai phụ huynh phản ứng rất gay gắt. Đỉnh điểm của cuộc phản ánh này là người cha đã xé cuốn sách trước sự ngỡ ngàng của cô con gái nhỏ.
Bên cạnh nhiều cư dân mạng đó còn chế những bài viết, hình ảnh, clip... bằng các hình khối tương ứng. Chính vì vậy, sự việc nhanh chóng lan rộng khiến làn sóng tẩy chay chương trình mới thêm gay gắt, quyết liệt.
Hầu hết các phụ huynh đều lo sợ sau này con của mình sẽ làm thơ, viết văn bằng cách vẽ những hình khối chứ không phải là những câu từ như trước. Có người chưa tìm hiểu kỹ đã vội đánh đồng sách này với nghiên cứu chữ viết mới của PGS Bùi Hiền để chế giễu chung.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phương pháp sử dụng hình khối này giúp các em học sinh mới tiếp cận học chữ hiểu về tiếng (âm tiết) trong ngôn ngữ. Theo đó, mỗi tiếng tương đương với một chữ. Bài thơ có bao nhiêu chữ thì bấy nhiêu hình khối tương ứng. Cách học này sẽ giúp học sinh dễ dàng ghi nhớ bằng âm thanh trước khi tiếp cận mặt chữ.
Bên cạnh đó, tiếng Việt khác với nhiều ngôn ngữ khác, mỗi từ thường bao gồm một âm tiết riêng biệt, tương đương một tiếng. Vì vậy, việc ghi nhớ theo hình khối vuông, tròn sẽ hỗ trợ sự tưởng tượng cho học sinh mới tiếp cận ngôn ngữ được tốt hơn, tránh nhầm lẫn các âm tiết. Đó cũng chính là lý do mỗi câu thơ trong sách TV CNGD bao nhiêu tiếng thì có bấy nhiêu ô vuông tương đương để học sinh ghi nhớ.
Đồng thời, phương pháp này sẽ dừng lại sau khi học sinh làm quen với từng âm tiết trong mỗi câu thơ, đoạn văn. Nghĩa là chương trình chỉ xuất hiện vào những buổi đầu, sau khi phân biệt được tiếng, học sinh sẽ được học chữ cái và cách đánh vần. Đến thời điểm này các em mới học về nguyên âm, phụ âm để hiểu cấu tạo của từng từ. Mục đích của sách này là để giúp học sinh mới dễ dàng đọc, viết tốt hơn.
Một cán bộ có trách nhiệm của Sở GD-ĐT TPHCM từ chối bình luận về bộ sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại. Lý do: TPHCM không triển khai cho học sinh lớp 1 học theo phương pháp này.
Sáng qua, trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ QH bàn về dự luật GD (sửa đổi), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết sách CNGD chỉ là một phương pháp đổi mới trong cách học tiếng Việt và Chính phủ không có chủ trương cải cách tiếng Việt.
HIỂU ĐÚNG ĐỂ DẠY CHUẨN
Trao đổi với phóng viên, giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân cho biết, việc dạy học theo phương pháp của giáo sư Hồ Ngọc Đại là có khoa học và đã xuất hiện từ lâu. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đã và đang dạy theo phương pháp này.
Theo đó, từng hình khối vuông, tròn không thể hiện mặt chữ mà đây chỉ là ký hiệu hỗ trợ giúp trẻ khi mới tiếp cận học chữ sẽ đếm âm tiết để dễ dàng ghi nhớ bài học tốt hơn; đồng thời giúp trẻ hiểu mỗi âm tiết sẽ tương ứng với một chữ. Sau đó, trẻ sẽ tiếp tục học về chữ cái, về đánh vần thành từng chữ, từng câu. Đây là một phương pháp khoa học, có nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản để giúp trẻ em tiếp cận học tập dễ dàng, thuận tiện hơn.