(CAO) Một nhóm phụ huynh đã đến Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang để kiến nghị việc áp dụng giảng dạy chương trình Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục. Thậm chí nhiều phụ huynh còn dùng điện thoại phát trực tiếp buổi làm việc lên mạng xã hội Facebook.
Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang đã tiếp nhóm phụ huynh để giải thích và ghi nhận ý kiến về việc áp dụng giảng dạy chương trình Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục.
Theo đó, nhiều phụ huynh lo lắng khi nhà trường áp dụng dạy sách Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục, phụ huynh không dạy và kiểm tra được cho con mình đã học và tiếp thu đến đâu và không hỗ trợ được con mình vì phụ huynh không hề biết gì về phương pháp học này.
Theo đó, vào trưa 10-9, nhiều phụ huynh của các em học sinh theo học tiểu học và chuẩn bị vào lớp 1, ở TP.Mỹ Tho, Tiền Giang đã kéo đến Sở GD&ĐT tỉnh này gửi đơn kiến nghị không áp dụng chương trình giáo dục công nghệ trong giảng dạy học sinh tiểu học.
Theo nội dung đơn, nhiều phụ huynh bày tỏ, họ không chấp nhận con mình theo học phương pháp này bởi các lý do như: phụ huynh không dạy và kiểm tra được con mình đã học và tiếp thu đến đâu; phụ huynh cũng không hỗ trợ được con mình vì không hề biết gì về phương pháp này...
“Đến cuối năm phụ huynh mới biết thực lực con mình đến đâu. Các cháu không theo kịp cùng bạn sẽ nản ở năm học đầu đời, phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo phổ cập cho con mình”, một phụ huynh nêu trong đơn kiến nghị.
Thầy Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT (áo trắng) tiếp nhóm phụ huynh kiến nghị việc dạy chương trình Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục.
Nhiều phụ huynh còn trăn trở về nội dung trong sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục có quá nhiều điểm không phù hợp cho lứa tuổi cấp 1.
Trong đơn kiến nghị gửi Sở GD&ĐT, nhiều phụ huynh kiến nghị các trường tiểu học cần niêm yết rõ chương trình đào tạo như thế nào cho phụ huynh biết. Các trường tiểu học phải lấy ý kiến của phụ huynh để lựa chọn chương trình học cho con mình và áp dụng ngay vào năm học này.
Theo Sở GD&ĐT Tiền Giang, thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức triển khai dạy học tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục từ năm học 2013-2014.
Cụ thể năm học 2013 -2014 triển khai thí điểm tại 13/226 trường; năm học 2014- 2015 triển khai thí điểm tại 18/224 trường. Năm học 2015 – 2016 thí điểm và nhân rộng 125/224 trường. Từ năm 2016 đến nay thực hiện đại trà 224/224 trường tiểu học tỉ lệ 100%.
Qua mỗi năm học Sở GD&ĐT đều có tổ chức hội giảng, sinh hoạt chuyên đề, tổ chức hội thảo đánh giá, rút kinh nghiệm về chất lượng, phương pháp dạy học của giáo viên và chất lương học tập của học sinh thông qua các lần tổ chức Hội nghị hiệu trưởng các trường tiểu học. Trên cơ sở đó, lấy ý kiến các Phòng GD&ĐT từng bước tổ chức nhân rộng và thực hiện đại trà trong toàn tỉnh.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Tiền Giang, sau 5 năm học thực hiện (từ năm 2013 – 2014) đến nay kết quả thực tế cho thấy bộ tài liệu Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục vẫn đảm bảo mục tiêu dạy học Tiếng Việt 1 của bộ GD&ĐT.
Cụ thể, học sinh đọc thông, viết thạo, học tốt bộ môn Tiếng Việt ở các lớp. Chất lượng dạy học bộ môn Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục, xét về kỹ năng đọc, viết của học sinh, hầu hết học sinh học chữ nào nắm chắc chữ đó (đọc, viết), có kỹ năng đọc và viết tốt, chữ viết không hoặc ít sai lỗi chính tả.
“Việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên có nhiều chuyển biến tích cực so với phương pháp dạy học theo bộ tài liệu Tiếng Việt hiện hành”, Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang khẳng định.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cũng cho biết, qua kết quả thực tế và ý kiến nhận xét của một số giáo viên dạy học bộ tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục có ưu điểm hơn. Học sinh học tập nhanh, nắm chắc tri thức cơ bản về ngữ âm Tiếng Việt có kĩ năng đọc tốt, viết đúng chính tả, phát huy được khả năng tư duy và năng lực của học sinh trong quá trình học tập.
Ngày 10-9, ông Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang cho biết, chương trình dạy theo sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục đã được 100% trường trong tỉnh áp dụng giảng dạy một tháng nay. Nhưng vào trưa 10-9, có gần 20 phụ huynh kéo đến Sở kiến nghị không đồng tình áp dụng chương trình này. Ông Oanh đã tiếp các phụ huynh và yêu cầu các phụ huynh này ghi rõ họ tên con em mình học ở trường nào và số lượng học sinh để Sở sắp xếp và có hưởng giải quyết. Tuy nhiên không phụ huynh nào đồng ý ghi tên.
Cũng theo ông Oanh: “Qua áp dụng giảng dạy thí điểm chương trình công nghệ giáo dục tiểu học, trong sách có một số từ ngữ chưa phù hợp với từ ngữ miền Nam thì qua quá trình giảng dạy các trường cũng sẽ có chọn lọc. Nếu các từ ngữ nào không phù hợp thì chúng ta sẽ loại ra, chứ không nhất thiết phải theo y như trong sách”.
Đặc biệt khi áp dụng phương pháp này thì học sinh mau biết đọc, biết viết và không tái mù chữ. Khi họp hội nghị hiệu trưởng trong vài ngày tới ông Oanh sẽ yêu cầu tất cả các hiệu trưởng khi họp phụ huynh đầu năm thì phải giải thích cặn kẽ cho phụ huynh hiểu rõ chương trình Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục, đồng thời ghi nhận ý kiến của phụ huynh sau đó báo cáo về Sở để có hướng giải quyết.
Cũng theo Sở GD&ĐT Tiền Giang, hiện tại người lo lắng nhất đa phần là những phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1, nhưng nhiều phụ huynh đã có con học qua rồi thì lại cho rằng chương trình này hiệu quả.
(CAO) Ngày 26-12, PGS.TS Bùi Hiền công bố đề xuất phương án
cải cách tiếng Việt phần 2 sớm hơn dự kiến.