(CAO) Những ngày qua, một số phụ huynh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có con nhỏ vào học lớp 1 băn khoăn về chuyện mua vở “Luyện viết dành cho học sinh Quảng Nam”.
Theo đó, nhiều phụ huynh có con học ở một số trường tiểu học trên địa bàn Quảng Nam đã bày tỏ về chuyện mua vở “Luyện viết dành cho học sinh Quảng Nam”. Một số người đăng hình ảnh lên mạng xã hội tỏ vẻ hoang mang khi cho rằng liệu đây có phải là biểu hiện của tính “cục bộ địa phương”, hay cố tình thêm các tài liệu khiến học sinh phải mua.
Anh N.T. (40 tuổi, trú TP Tam Kỳ, Quảng Nam), có con học tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TP.Tam Kỳ cho biết, không chỉ năm nay mới xuất hiện mà đã sử dụng từ các năm học trước. Trước khi vào năm học mới chúng tôi phải tìm khắp nơi, vì nhà trường bắt buộc phải có. Nhiều nhà sách mà hết vở loại này thì phải chạy đi mượn của người khác để đi photo ra cho con học.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, thì các quyển vở “Luyện viết dành cho học sinh Quảng Nam” gồm vở luyện viết cho học sinh bậc Tiểu học. Đây là sản phẩm do Công ty CP Dịch vụ xuất bản giáo dục tại Đà Nẵng- Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giữ quyền công bố tác phẩm, nhà in là Công ty CP in và sản xuất bao bì Huế (đóng tại phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế).
Trược sự việc này, mới đây, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cho đã có thông tin về việc trên thị trường sách giáo khoa hiện nay xuất hiện những tập vở luyện viết dành riêng cho học sinh Quảng Nam. Đây là những tập vở mà trên các trang mạng xã hội phụ huynh đã phản ánh là gây tâm lý hoang mang cho họ.
Vở luyện viết cho học sinh Quảng Nam gây xôn xao những ngày qua trên mạng xã hội
Ông Hồ Văn Hưng, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cho rằng, từ năm 2016-2017, Nhà xuất bản Giáo dục có xuất bản bộ vở luyện viết dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 (Dành cho học sinh Quảng Nam). Nội dung cuốn vở này nhằm giúp học sinh luyện viết theo chương trình Tiếng Việt tiểu học của Bộ GDĐT bằng các dữ liệu địa phương Quảng Nam.
Ngoài mục đích luyện viết chữ, bộ sách còn giúp cho học sinh có hiểu biết về văn hoá, lịch sử,... địa phương, như: tên đất, tên người (những danh nhân) một cách sơ lược nhất, phù hợp với học sinh tiểu học và phù hợp với một cuốn vở luyện viết.
Theo ông Hưng, thì chương trình giáo dục hiện hành của Bộ GD&ĐT, ngoài bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả nước, từng tỉnh, thành phố đều phải có tài liệu giáo dục địa phương, như: Văn học địa phương, lịch sử địa phương, địa lý địa phương…
Trang bìa quyển vở tập viết
Các nội dung này được phân phối một số tiết trong chương trình môn học của từng khối lớp, từ khối 6 đến khối 12. Đối với cấp tiểu học thì nội dung giáo dục địa phương được tích hợp vào một số môn học hoặc dạy thành một số tiết riêng.
“Bộ vở luyện chữ viết này có tác dụng tốt trong việc giáo dục học sinh. Tuy nhiên, hiện nay, bộ vở này có một số đơn vị sử dụng, một số đơn vị không sử dụng. Và Sở GD&ĐT Quảng Nam hoàn toàn không bắt buộc học sinh phải sử dụng vở luyện viết này”, Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam nói.