(CAO) Giải trình ý kiến của đại biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sáng 4-9, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, vụ đánh bạc có liên quan đến 395 người Trung Quốc tại Hải Phòng, phía Việt Nam không có thiệt hại gì.
Nêu ý kiến về vụ việc trên, một số thành viên UBTP lo ngại về công tác an ninh mạng, khi hoạt động tội phạm trên môi trường mạng ngày càng phức tạp.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương tại phiên họp
Theo đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Đà Nẵng) cho rằng, việc người Trung Quốc sang Việt Nam đánh bạc là do bên nước họ quản lý, họ không làm được nên mới sang Việt Nam. “Cần xem lại quản lý của ta, rõ ràng là không bằng Trung Quốc” - ông Dũng nhận định.
Làm rõ vụ việc này, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, qua nắm tình hình, tháng 5-2019 lực lượng công an phát hiện tại khu đô thi Our City (Dương Kinh, Hải Phòng) có một số đối tượng người Trung Quốc thuê nhà và thuê đường truyền với dung lượng rất lớn. Họ truy cập hơn 100 Website và 99 trang người chơi xổ số, cá cược, chủ yếu ở nước ngoài.
Sau khi nắm thông tin, Bộ Công an lập tức xác lập chuyên án đấu tranh, có trao đổi với Bộ công an Trung Quốc. Phía Trung Quốc cũng cho biết đang tổ chức điều tra nhóm đối tượng này và đó là nhóm đối tượng có liên quan đến hoạt động phạm pháp tại Trung Quốc và cả Việt Nam.
“Khi xác định rõ nhóm đối tượng trên có hành vi đánh bạc thì lực lượng công an tiến hành bắt quả tang, thu giữ máy chủ, nhiều điện thoại di động, tiền Việt Nam và USD” – Thứ trưởng Lê Quý Vương thông tin.
Giải thích lý do phải giao lại những người này cho Trung Quốc, Thứ trưởng Vương nói, vì hoạt động của họ có liên quan đến phía Trung Quốc, giữa hai bộ Công an Việt Nam và Trung Quốc có ký thoả thuận về hợp tác phòng chống tội phạm, mấy năm qua có sự phối hợp thường xuyên.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công an, vụ đánh bạc đó bắt giữ 395 đối tượng nhưng không phải tất cả đều sang Việt Nam đánh bạc mà chỉ có hàng chục đối tượng mang theo máy tính tham gia, thiệt hại thuộc về phía Trung Quốc và phía Việt Nam không có thiệt hại gì, vì chơi được phải sử dụng thành thạo tiếng Trung Quốc.
Khó khăn đặt ra ở vụ án này, theo Thứ tưởng Lê Quý Vương, là không thể có đủ phiên dịch mà khai thác cả 395 đối tượng cùng lúc, trong khi đối tượng cũng giả vờ không biết tiếng Việt. Vì thế, Bộ phải huy động cả lớp đào tạo tiếng Trung trong trường đào tạo của công an xuống Hải Phòng.
“Việc trao trả các đối tượng cho phía Trung Quốc không có gây thiệt hại gì cho Việt Nam, phía Trung Quốc cho biết tạm giữ 384 trường hợp. Trong quá trình phối hợp những vấn đề gì phía Việt Nam cần thì phía Trung Quốc đều có trả lời đầy đủ” - ông Vương chia sẻ.
Trước đó, hồi cuối tháng 7-2019, Bộ Công an phối hợp với Công an Hải Phòng "đột kích" khu đô thị Our City (phường Hải Thành, quận Dương Kinh, Hải Phòng), bắt quả tang đường dây tổ chức đánh bạc "khủng" qua mạng do các nghi phạm người Trung Quốc thành lập và tổ chức cho chính công dân của nước này tham gia.
Tại đây, khi khám xét trên 100 phòng tại các tòa nhà trong khu đô thị, Công an Việt Nam tạm giữ gần 400 nghi phạm người Trung Quốc. Lực lượng phá án cũng thu giữ gần 2.000 điện thoại di động thông minh, 533 máy tính các loại, nhiều thẻ ngân hàng, tiền mặt cùng nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án. Cùng với đó, số tiền mà tổ chức cờ bạc này đã giao dịch trên hệ thống là trên 3,6 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 12.000 tỷ đồng.
Kết quả điều tra cho thấy, các công dân Trung Quốc đang sinh sống tại Trung Quốc tham gia đánh bạc dưới các hình thức như cá cược thể thao, chơi xổ số, lô tô, đua xe, game... thông qua đường dây trực tuyến trên mạng Internet từ các website của tổ chức này.
Công an xác định, thủ đoạn hoạt động của đường dây đánh bạc là thực hiện trên không gian mạng, tổ chức trong "vỏ bọc" doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Khu đô thị Our City là nơi các nghi phạm đặt "đại bản doanh", lắp đặt các thiết bị công nghệ để vận hành đường dây đánh bạc do người Trung Quốc điều hành.
Tất cả đối tượng phạm tội, người bị hại, người liên quan trong vụ án đều là người Trung Quốc. Công an không phát hiện bị hại nào là người Việt Nam.
Trong số 319 người Trung Quốc bị tạm giữ chỉ có một số ít người khai báo tạm trú, còn lại hầu hết là lợi dụng việc đi du lịch để ở lại Việt Nam. Căn cứ theo Hiệp định định tương trợ tư pháp về hình sự, công an Việt Nam sau đó đã bàn giao những người này cho cơ quan chức năng Trung Quốc tiếp nhận, xử lý theo đúng quy định.