Làm rõ động cơ nhận tiền để làm sai lệch kết quả thi

Thứ Ba, 03/09/2019 15:49

|

(CAO) Đánh giá về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 trong phiên họp toàn thể sáng nay (3-9), Uỷ ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm có nhiều chuyển biến tích cực.

Tội phạm giảm sâu

Theo nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp, các biện pháp phòng ngừa xã hội được triển khai đồng bộ đã tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. 

Nêu các kết quả cụ thể, nhóm nghiên cứu khẳng định, một số loại tội phạm giảm và giảm sâu so với cùng kỳ năm trước, như tội phạm giết người giảm 11,67%, trộm cắp tài sản giảm 1,83%, cướp tài sản giảm 8,7%, gây rối trật tự công cộng giảm 49,15%, đánh bạc, tổ chức đánh bạc giảm 28,28%...

Phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp ngày 3-9

Vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông giảm ở cả 3 tiêu chí (giảm 12,04% số vụ, 9,88% số người chết, 13,09% số người bị thương).

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu chỉ ra còn nhiều vụ giết người với hành vi dã man, tàn bạo. Đặc biệt có nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị ảo giác vì sử dụng ma túy tổng hợp gây ra, gây lo lắng trong nhân dân.

Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý nhiều hơn so với cùng kỳ nhưng tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra ở nhiều nơi, nhất là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tiếp tục gia tăng, gây bức xúc trong xã hội. Đối tượng xâm hại phần lớn là người quen, thậm chí là ruột thịt của nạn nhân với động cơ phạm tội thấp hèn... cho thấy đạo đức xã hội, đạo đức gia đình xuống cấp một cách đáng báo động. Hiện tượng này cũng cảnh công tác phòng ngừa xã hội còn chưa tốt.

Trong khi đó, tình trạng vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai xảy ra ở nhiều địa phương, trong thời gian dài, gây thất thoát lớn về đất đai, tài sản của nhà nước nhưng việc phát hiện, xử lý chậm và còn nhiều hạn chế. Điển hình là các sai phạm nhà, đất tại TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp nhà nước bị phát hiện, xử lý thời gian qua.

Công tác quản lý về trật tự xây dựng ở nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn còn nhiêu sơ hở. Dẫn chứng cho nhận định này, nhóm nghiên cứu nêu vụ khởi tố ông Lê Thanh Thản về tội lừa dối khách hàng do có vi phạm tại dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (CT6) ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông; vụ dự án tại 8B Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội có nhiều sai phạm nghiêm trọng nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Cảnh báo tình trạng tội phạm nước ngoài hoạt động tại Việt Nam

Một điểm đáng quan ngại là công tác quản lý người nước ngoài, nhất là ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế khiến nhiều đối tượng người nước ngoài lợi dụng địa bàn nước ta để phạm tội lừa đảo; tổ chức đánh bạc qua mạng, buôn bán vận chuyển ma túy với khối lượng rất lớn. Vụ 395 người Trung Quốc điều hành nhiều website tổ chức cho công dân Trung Quốc đánh bạc trực tuyến qua mạng Internet (có máy chủ đặt tại nước ngoài) tại khu đô thị Our City, quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng mới được triệt phá đã minh chứng cho điều này.

Tương tự, vụ Wu HeShan (57 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) vận chuyển 1,1 tấn ma túy từ tam giác vàng về Việt Nam, rồi xuất ra các nước khác cũng là lời cảnh báo đối với công tác quản lý. 

Nhóm nghiên cứu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý đối với người nước ngoài nhập cảnh, cư trú tại nước ta, kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật để xử lý.

Tình trạng mua bán người, theo nhóm nghiên cứu, vẫn rất phức tạp, nhất là ở những địa bàn miền núi, khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Nạn môi giới mua, bán bộ phận cơ thể người, mang thai hộ vì mục đích thương mại đang diễn biến phức tạp nhưng đến nay vẫn chưa có đánh giá một cách tổng thể và các biện pháp để phòng ngừa hiệu quả.

Vụ đối tượng Tôn Nữ Thị Huyền tức “Chị Hai”, trú tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức và cầm đầu đường dây mua bán thận hoạt động tại đây cùng TP. Hà Nội và một số tỉnh thành trong cả nước hay vụ Hoàng Huy Quang, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Vũ Thị Liễu và Phạm Thiên Thuấn, cùng trú tại xã Quang Hưng, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương bị khởi tố về hành vi “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại với môi trường hợp thu lợi từ 400 đến 500 triệu đồng là những ví dụ điển hình.

Một tình trạng đáng ngại nữa được nhóm nghiên cứu nêu lên là việc lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội để làm mất an ninh trật tự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, bán hàng online... vẫn diễn ra tràn lan nhưng chưa được kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả.

Nổi lên là hiện tượng một số đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng mạng xã hội để đăng nhiều video cổ xúy cho lối sống lệch chuẩn, bạo lực, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nhận thức xã hội, nhất là giới trẻ. Điều này cho thấy, công tác quản lý mạng xã hội, mạng viễn thông, mạng internet vẫn còn nhiều bất cập, như vụ Ngô Bá Khá tức Khá Bảnh" trú tại Từ Sơn, Bắc Ninh bị khởi tố về hành vị Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc; vụ Đỗ Văn Quang tức Quang Rambo, trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cùng 4 đồng phạm bị khởi tố về tội danh “Cưỡng đoạt tài sản”.

"Tham nhũng vặt" vẫn gây bức xúc

Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng nhưng theo nhóm nghiên cứu, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế.

Vi phạm pháp luật và tội phạm về tham nhũng vẫn rất phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong các cơ quan và nhân viên nhà nước khi thực thi công vụ có liên quan trực tiếp đến người dân và tham nhũng trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân và công luận. 

Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng đã diễn ra công khai tại nhiều địa phương, trong thời gian dài đến nay mới bị cơ quan chức năng xử lý và mức độ xử lý còn chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa.

Việc sử dụng mạng viễn thông, mạng internet để đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bán hàng đa cấp trái pháp luật... vẫn diễn ra tràn lan nhưng số vụ việc bị phát hiện và xử lý chưa nhiều.

Liên quan đến các vụ án gian lận thi cử trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở một số địa phương, nhóm nghiên cứu cho rằng, dù đã được kết luận điều tra, có vụ đã được đưa ra xét xử nhưng dư luận và cử tri còn băn khoăn và đề nghị làm rõ động cơ của việc nhận tiền để làm sai lệch kết quả thi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang