Không điều gì lay chuyển quyết tâm xây dựng TPHCM phồn vinh

Thứ Tư, 07/02/2024 07:30

|

(CATP) Năm 2023 ghi nhận những thách thức to lớn đối với các nỗ lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và TPHCM nói riêng. 

Nhưng đó cũng là một năm mà khi nhìn lại, mỗi người dân Việt, mỗi công dân Thành phố mang tên Bác có thể dấy lên lòng tự hào về những thành tựu đạt được trong vô vàn khó khăn. Lãnh đạo thành phố đã huy động trí tuệ và sức lực của cả hệ thống chính trị để tích cực tìm phương án hiệu quả nhất đưa thành phố phát triển, mang lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

1. Liên kết với các địa phương nhằm tạo hệ sinh thái ổn định là một những giải pháp được đề ra. Đã từ lâu liên kết vùng, liên kết địa phương được cho là cách tốt nhất để xây dựng và hoàn thiện chuỗi cung ứng: mỗi địa phương có thế mạnh, liên kết các thế mạnh của từng địa phương tạo thành sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) là cách làm cho phép đi nhanh nhằm đuổi kịp các nền kinh tế đi trước. Hiểu được điều này, nhưng trong nhiều năm, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ cứ loay hoay với các mô hình. Sự thiếu vắng một “nhạc trưởng” đích thực khiến các ý tưởng liên kết vùng nằm trên giấy trong nhiều năm do không ai biết phải bắt đầu như thế nào.

Trong các nỗ lực khai thông bế tắc, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực tổ chức những cuộc tương tác giữa các lãnh đạo địa phương để thảo luận về việc xây dựng cả bức tranh tổng thể về liên kết, cũng như các mảng liên kết theo chuyên đề. Qua quá trình trao đổi ý kiến và bàn bạc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã bắt đầu nhận thấy tín hiệu tích cực của việc triển khai cơ chế liên kết vùng trong thời gian qua.

Ví dụ điển hình là việc tổ chức các hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch (DL): Nhiều tổ chức kinh doanh ở các địa phương đã ngồi lại cùng suy nghĩ để thiết kế những mô hình liên kết sản phẩm DL của các địa phương; từ đó, nhiều tour DL theo chuyên đề văn hóa được xây dựng và triển khai, thu hút các đoàn khách trong và ngoài nước. Liên kết vùng trong lĩnh vực DL giúp hình ảnh của các địa phương không bị đồng nhất một cách đơn điệu trong mắt du khách, mà trở nên đa dạng, phong phú, sinh động và do đó cũng hấp dẫn hơn.

Một phần nguyên nhân gây khó khăn cho việc triển khai liên kết vùng thời gian qua là sự yếu kém của hạ tầng giao thông khu vực: đường bộ chất lượng kém và không được mở rộng; đường thủy vòng vèo, hẹp và cạn nước, đi có hơn trăm cây số mà phải mất cả buổi; hàng hóa bị đội giá; hàng tươi sống hết tươi; du khách mệt mỏi và không còn nhiều thời gian để tham quan, trải nghiệm...

Đến thời gian gần đây, khi hệ thống đường cao tốc ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ dần hình thành, song song với đó là sự chuẩn bị xây dựng hệ thống đường sắt, cảng biển hiện đại, thì tài sản, tiền bạc, thời gian mới có điều kiện được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Kỳ vọng thời gian tới mọi thứ sẽ di chuyển nhanh hơn, liên kết vùng sẽ có hệ sinh thái mới và thông thoáng để được triển khai một cách thuận lợi.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM: “Nghị quyết 98 có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với TPHCM mà còn cho cả nước. Với bản nghị quyết này, TPHCM có thêm những điều kiện, cơ sở pháp lý để tháo gỡ các vướng mắc về thể chế đang gặp phải, đồng thời tạo động lực phát triển mới, tăng tính chủ động so với trước đây. Bên cạnh đó, Nghị quyết 98 sẽ giúp TPHCM giải quyết được rất nhiều khó khăn, tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư, quản lý tài chính, ngân sách, quản lý đô thị, phát triển khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy...”

2. Một giải pháp khác cần đẩy mạnh là tìm kiếm thị trường mới bên cạnh việc tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống. Phải thứa nhận hậu quả của việc đứt gãy  chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành là hết sức nghiêm trọng: rất nhiều doanh nghiệp mất đối tác thân quen từ nhiều năm, thậm chí mất cả thị trường; hậu quả là đơn hàng giảm sút nghiêm trọng, dẫn đến việc phải cắt giảm lượng lao động để giảm gánh nặng quỹ lương; có doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Ngay sau khi tình hình sức khỏe toàn cầu được cải thiện, một số nước đã nhanh chóng bắt tay vào việc khôi phục mạng lưới đối tác và đẩy mạnh giao thương để bù lại khoảng thời gian đã mất. Năm vừa qua, thành phố đã cố gắng tăng tốc trong hoạt động khôi phục và mở rộng đối tác để bù lại khoảng thời gian “lấy đà” chậm chạp sau đại dịch. Rất nhiều cuộc tiếp xúc giữa tổ chức nước ngoài với đại diện chính quyền, doanh nghiệp của thành phố được thực hiện, nhiều chuyến ra nước ngoài để tìm kiếm, mở rộng thị trường được tổ chức. Các kết quả tích cực đã được ghi nhận: nhiều hợp đồng mới, bản ghi nhớ được ký kết; đầu ra cho các sản phẩm nội địa thông thoáng hơn; tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài có dấu hiệu được cải thiện; số du khách nước ngoài gia tăng cả từ nguồn đường hàng không, đường biển, đường bộ; trong đó tỷ trọng du khách có thói quen chi tiêu mạnh khá cao...

Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng hiện đại, văn minh. Ảnh sưu tầm

3. Trong bối cảnh toàn bộ hệ thống chính trị của Thành phố đang nổ lực vượt bậc để vượt qua giai đoạn khó khăn, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM được cho là có tác dụng tạo hiệu ứng cộng hưởng tích cực. Nghị quyết thực sự trở thành đòn bẩy chính sách then chốt đối với sự phát triển kinh tế của thành phố trong những năm tới.

Đặc biệt, nghị quyết tạo điều kiện cho việc xây dựng khung pháp lý đặc thù điều chỉnh các quan hệ KT-XH trên địa bàn thành phố. Với khung pháp lý đó, thành phố có điều kiện thuận lợi để tháo gỡ những vướng mắc trong việc xây dựng giải pháp cho bài toán phát triển.

Bước vào năm 2024, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tiếp tục đối mặt với những thách thức, khó khăn to lớn trên con đường phát triển. Tuy nhiên, kinh nghiệm ứng phó với thách thức và vượt khó cùng với quyết tâm không gì lay chuyển được sẽ là chỗ dựa đồng thời là động lực để cả thành phố vững bước đi lên.

Bình luận (0)

Lên đầu trang