Bốn quyền của chủ sở hữu
Góp ý cụ thể vào Điều 7 của dự luật, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu viết rõ cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập do nhà nước là chủ sở hữu đầu tư, đảm bảo hiệu quả lao động.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM
“Chữ "chủ sở hữu" rất quan trọng vì chủ sở hữu là người đề xuất và được chấp nhận lập đại học, là người đầu tư cho đại học phát triển nhưng phải là người có quyền quyết định nhân sự” - Bí thư Nhân giải thích. Theo ông, chủ sở hữu mà không quyết định nhân sự thì nhân sự đó sẽ vận hành đại học theo hướng khác.
Do trong văn bản có đề cập đến yếu tố chủ sở hữu nhưng không có định nghĩa nên Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị lưu tâm vấn đề này.
“Chủ sở hữu là người có 4 quyền, bao gồm quyền thành lập, quyền đầu tư, quyền quyết định nhân sự và quyền xử lý, chế tài đơn vị này khi vi phạm pháp luật” - ông Nhân nêu quan điểm và cho rằng, nếu không làm rõ điều này thì đại học như không có chủ, rất nguy hiểm.
“Không thể có đại học vô chủ, đại học phải có chủ và người chủ phải làm đúng quyền của mình” - người đứng đầu Thành uỷ TPHCM nhấn mạnh.
Liên quan đến “chủ sở hữu”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra chính là Hội đồng trường đại học công lập. Tuy nhiên, ông Nhân đề xác định ai là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để quản lý, giám sát các trường, từ đó liên quan đến thành viên Hội đồng trường, liên quan đến đại diện cho chủ sở hữu, nên chủ sở hữu phải có một số quyền liên quan đến hội đồng trường.
“Ví dụ, hội đồng trường họp sẽ bầu ra Chủ tịch Hội đồng trường, các thành viên nhưng tất cả những người này về nguyên tắc phải đảm bảo yêu cầu của chủ sở hữu” - ông Nhân phân phân tích.
Cho ý kiến về Điều 32 quy định cơ sở giáo dục thực hiện quyền tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình theo quy định pháp luật, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị: “Cần nêu rõ chịu trách nhiệm giải trình trước chủ sở hữu, trước người học, trước xã hội và các cơ quan, tổ chức liên quan. Trách nhiệm giải trình trước ai là trước chủ sở hữu, trước người học”.
Khẳng định tự chủ đại học là xu thế tất yếu toàn cầu, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị sớm ban hành hành lang pháp lý toàn diện cho tự chủ đại học. Ngoài ra, theo ông Vượt, hội đồng trường đại học công lập quy định là tổ chức quản trị đại diện cho quyền sở hữu nhà nước và các bên có lợi ích liên quan. Chính vì đại diện cho quyền sở hữu nhà nước, trong dự thảo luật đã quy định rõ Hội đồng trường là cơ quan có trách nhiệm và quyền lực bao trùm tất cả các lĩnh vực tự chủ của cơ sở GDĐH.
Tuy nhiên, để tránh Hội đồng trường mang tính hình thức, không thực quyền nhất là chức danh Chủ tịch Hội đồng trường, đại biểu tiếp tục đề xuất quy định Bí thư Đảng ủy là Chủ tịch Hội đồng trường trong trường công lập vừa thực hiện đúng nghị quyết của Đảng, đồng thời quyền hạn lớn đi cùng với trách nhiệm lớn đương nhiên sẽ khắc phục được tính hình thức, lạm dụng, tha hóa quyền lực trong tự chủ, nhất là tránh xung đột giữa nghị quyết của cấp ủy và các quyết định của Hội đồng trường.
Mô hình đại học “lạ” chỉ có ở Việt Nam
Góp ý về mô hình tổ chức hệ thống GDĐH, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) nhận xét, chính sách xuyên suốt của luật trong lần sửa đổi này là nhằm tháo gỡ vướng mắc cho việc tự chủ đại học nhưng nhìn vào những điều khoản quy định thì vẫn thấy nhiều mâu thuẫn đang tồn tại trong bộ máy đại học vẫn chưa giải quyết, chưa gỡ được so với luật 2012.
Theo ông Tuấn Anh, vướng mắc, bất cập hiện tại trong tổ chức bộ máy đại học không nằm ở sự tồn tại của đại học quốc gia hay đại học vùng mà nằm ở chính trong bộ máy tổ chức của các trường đó. Yêu cầu đề ra suốt 24 năm vừa qua là giảm đầu mối quản lý và biên chế trong các tổ chức đó thì đã không làm được.
“Từ khoá trước, các đại biểu Quốc hội cũng đã nêu nhận định, hoạt động của 3 đại học vùng còn nhiều bất cập khiến các đại học thành viên không phát huy được hoạt động mà thậm chí còn “tiêu diệt” vai trò lẫn nhau. Đại học vùng, theo đó, lại trở thành cấp trung gian quản lý, kìm kẹp, cản trở hoạt động của các trường thành viên” – đại biểu phân tích.
Cũng theo ông Tuấn Anh, mô hình đại học vùng được bạn bè quốc tế cho là “lạ”, chỉ có ở Việt Nam, không có ở đâu trên thế giới và đề nghị sửa quy định về tổ chức bộ máy trường đại học theo hướng tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp trong khối đại học. “Làm được như vậy, mỗi đơn vị sẽ tiết kiệm được 120 tỷ đồng/năm” - ông Tuấn Anh chỉ rõ.
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM thì tâm đắc với quy định về tổ chức của hệ thống các cơ sở giáo dục đại học phân theo hai cấp độ: đại học và trường đại học thể hiện trong dự thảo luật.
Theo ông Đạt, mô hình tổ chức như vậy thể hiện xu thế phát triển của thế giới, phân định mạch lạc mô hình các cơ sở giáo dục đại học, giữa các học viện, viện nghiên cứu, trường đại học thành viên với đại học “mẹ”.
“Quy định này cũng định hướng cho việc hình thành các đại học mới trong tương lai. Tôi tâm đắc với việc mỗi trường đại học đều có cơ hội, có thể trở thành các đại học. Các trường đại học độc lập cũng có thể chủ động liên kết với nhau để hình thành đại học lớn, đa ngành. Xu thế này đã bộc lộ mạnh mẽ, mang lại hiệu quả lớn cho các trường ở Mỹ, Châu Âu” – ông Huỳnh Thành Đạt nói.