Khúc tráng ca của những dân công hỏa tuyến

Thứ Hai, 02/07/2018 19:21  | Thiên Long

|

(CAO) Tối 2-7, lễ kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của 32 liệt sĩ dân công hỏa tuyến đã được tổ chức trang trọng tại Khu di tích Dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968 (ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM).

Nơi này cách đây vừa tròn nửa thế kỷ ghi dấu sự hy sinh anh dũng của những nam nữ thanh niên tuổi mười tám đôi mươi khi đang làm nhiệm vụ tải đạn, vận chuyển thương binh phục vụ đợt 2 cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

Là một trong những nhân chứng sống sót trong cái đêm định mệnh đầy đau thương và khốc liệt các đây 50 năm, cô Nguyễn Thị Khỏi (74 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) vẫn còn nhớ như in hình ảnh những người đồng chí, đồng đội cùng sát cánh chiến đấu với mình và anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Cô Nguyễn Thị Khỏi bên chân dung những đồng đội đã hy sinh

Tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, đến năm Mậu Thân 1968 bà Khỏi tham gia dân công hỏa tuyến với nhiệm vụ tải thương binh từ ngã tư Tân Hòa 1, Bình Chánh về Bình Thủy (Đức Hòa, Long An) rồi lại tiếp tục vận chuyển đạn dược, thuốc men từ Đức Hòa về tiếp tế cho lực lượng trong nội thành chiến đấu. Công việc rất vất vả, nguy hiểm nhưng những cô gái, chàng trai tuổi “mười tám, đôi mươi” như cô không biết sợ, liều mình đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Cô Nguyễn Thị Khỏi trao đổi với phóng viên

Nhớ lại cái đêm định mệnh khiến 32 dân công hỏa tuyến anh dũng hy sinh vào tối 15-6-1968, bà Khỏi rươm rướm nước mắt thốt lên khi “thời gian trôi quá nhanh quá”. Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng ký ức về cái đêm đau thương, bi tráng ấy vẫn in đậm trong tâm trí của cô như chỉ mới xảy ra ngày hôm qua. Theo đó, tối 15-6-1968, cô và những đồng đội nhận được lệnh tải thương binh về tuyến sau. Cả đoàn 55 người tuổi đời còn rất trẻ, có người chỉ mới 16 tuổi, chưa biết đến tình yêu đầu đời là gì nhưng vẫn hăng hái lên đường.

Một em bé dâng hương tại Khu di tích Dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968

Sau khi nhận 2 thương binh từ ngã tư Tân Hòa 1 (xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh), đoàn dân công hỏa tuyến định vượt cánh đồng dứa bưng Láng Sấu để đi xuống Bình Thủy (Đức Hòa, Long An) rồi từ đó tải súng, đạn về Sài Gòn - Gia Định. Nhưng khi vừa tới mé bờ kinh bưng Láng Sấu, cả đoàn bị 2 chiếc trực thăng của địch rọi đèn phát hiện xả súng đại liên, rốc két xối xả vào đội hình. Giữa cánh đồng trống trơn chỉ có những bụi dứa, những chiến sĩ dân công hỏa tuyến tay không vũ khí trân mình hứng trọn bom đạn của kẻ thù.

Chỉ có 25 người may mắn sống sót, 32 dân công hỏa tuyến gồm 25 nữ, 7 nam với tuổi đời từ 16 đến 33 đã anh dũng hy sinh. “Khung cảnh hôm đó hỗn loạn lắm. Đạn bắn xối xả. Chị Huỳnh Thị Điệp trúng đạn trước khi hy sinh còn nhắn lại: “Đứa nào về được nói má nuôi con giùm tao”. Tôi cứ tưởng mình cũng không còn cơ hội trở về. Khi địch bắn đến gần chỗ tôi ẩn nấp thì Để (liệt sĩ Phan Thị Để - PV) vùng chạy ra hướng khác nên chiếc máy bay đổi hướng bắn theo nên tôi mới thoát chết. Riêng Để đến 3 ngày sau mới tìm thấy xác”, bà Khỏi ngậm ngùi.

Cô Lê Thị Thanh Huyền cùng đồng đội về dự lễ tưởng niệm

Có mặt từ rất sớm trong buổi lễ tưởng niệm 32 chiến sĩ dân công hỏa tuyến hy sinh, cô Lê Thị Thanh Huyền (SN 1948, ngụ xã Vĩnh Lộc) cho biết nhiều chiến sĩ dân công hỏa tuyến hy sinh trong cái đêm định mệnh cách đây 50 năm là những người bạn thời niên thiếu với cô.

Trong cái đêm đau thương đó, cô đang tham gia Trung đoàn 16 chiến đấu ở An Phú Đông, Q.12. Nghe tin những người bạn của mình hy sinh, cô cùng đồng đội như thêm sức mạnh để chiến đấu với kẻ thù. “Thời đó chúng tôi ai cũng hừng hực khí thế của tuổi trẻ. Đi chiến đấu theo tiếng gọi của Tổ quốc không biết sợ là gì cả”, cô Huyền nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang