(CAO) Người nhiễm HIV nếu tuân thủ điều trị sẽ sinh con khỏe mạnh bình thường và có thể sống thực sự an toàn với bạn tình.
Bằng cách ức chế virus HIV trong máu khi điều trị ARV (Antiretrovaral, một loại thuốc làm giảm sự sinh sôi của HIV trong cơ thể) hàng ngày, người nhiễm HIV hoàn toàn có thể sống chung an toàn mà không lo lây nhiễm cho bạn tình.
Đó là thông điệp mà Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM (Sở Y tế TP.HCM) chia sẻ tại buổi tập huấn sáng 29-6 tại TP.HCM về hiệu quả điều trị ARV trong dự phòng lây nhiễm HIV, với thông điệp K = K (Không phát hiện = Không lây truyền).
Không phát hiện = Không lây truyền, tức là người nhiễm HIV, đăng ký điều trị ARV càng sớm càng tốt. Có thể mất từ 1 đến 6 tháng điều trị ARV mới đạt được lượng virus ức chế hay không thể phát hiện được (<200 bản sao/ml). Một khi virus bị ức chế, người nhiễm HIV sẽ không lây HIV cho bạn tình.
Một nghiên cứu khoa học của các chuyên gia y tế cũng đã được thực hiện, với gần 70.000 hành vi quan hệ tình dục đồng giới và khác giới của hàng ngàn cặp trong nhiều quốc gia. Kết quả ghi nhận là mặc dù những cặp này không sử dụng bao cao su hay các biện pháp can thiệp khác, nhưng tỉ lệ lây truyền HIV từ bạn tình dương tính sang bạn tình âm tính bằng 0 nếu bạn tình dương tính đạt được ức chế virus ổn định.
Người nhiễm HIV uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định của cơ sở y tế, đạt được và duy trì tải lượng virus không phát hiện thì không có nguy cơ lây truyền bệnh cho bạn tình. Ảnh minh họa
BS Võ Thị Tuyết Nhung, Phó giám đốc Tổ chức hợp tác phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN) chia sẻ, thông điệp này mang lại hi vọng và thay đổi cuộc đời của những người "sống chung với HIV" cũng như bạn bè và gia đình của họ khi hiểu rằng tiếp cận điều trị ARV sớm, duy trì điều trị và duy trì được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ giúp họ có thể sống lâu hơn, sống khỏe mạnh hơn, có thể sinh con và không bao giờ phải lo sợ về lây truyền HIV cho bạn tình.
Hơn nữa, tình trạng kỳ thị và xa lánh người "sống chung với HIV" trong cộng đồng sẽ giảm hoặc không còn nữa vì mọi người biết rằng người "sống chung với HIV" sẽ không lây truyền HIV khi họ đạt được và duy trì tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.
Một trường hợp nhiễm HIV đã tuân thủ điều trị ARV 6 năm qua chia sẻ, nhờ tuân thủ điều trị mà các xét nghiệm đo lượng HIV trong máu của chị đã ở ngưỡng không phát hiện nữa, tức là không thấy dấu vết của vius trong huyết tương. Chị đang sống hạnh phúc với chồng, là người không bị nhiễm HIV. Trước đây, chị từng cảm thấy tội lỗi vì lo lắng sợ lây bệnh cho chồng, nhưng nhờ tuân thủ điều trị nên chị cảm thấy yên tâm và không tự kỳ thị chính bản thân mình nữa.
BS Đặng Thị Nhật Vinh cho biết, theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, trong đó số bệnh nhân được quản lý khoảng 200.000 người. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 120.000 người đang điều trị bằng ARV, vẫn còn hơn 130.000 chưa được điều trị vì nhiều lý do, có thể họ sợ bị kỳ thị hoặc chưa tiếp cận được với ARV.
Theo BS Vinh, mục đích của việc điều trị ARV là nhằm ức chế sự nhân lên của HIV, phục hồi hệ thống miễn dịch, phòng ngừa các nhiễm trùng cơ hội, cải thiện sự sống còn, sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Đặc biệt là nhằm hạn chế lây truyền HIV trong cộng đồng và từ mẹ sang con.
BS Nguyễn Thanh Liêm cũng chia sẻ, hi vọng những bệnh nhân HIV chưa tiếp cận với việc điều trị ARV sẽ sớm được điều trị.
Một người bị nhiễm HIV hơn 10 năm, đang điều trị ARV chia sẻ, người nhiễm HIV vô cùng vất vả bởi sức khỏe, bởi sự kỳ thị của cộng đồng. Vì vậy, K = K là một tin mừng, thông điệp hết sức quan trọng giúp cộng đồng người nhiễm có nhiều niềm tin vượt qua bệnh tật, hòa nhập với cộng đồng.
Chị này cho biết, chị phát hiện dương tính với HIV năm 2006, đến năm 2008 chị lập gia đình, chồng chị là người không bị nhiễm HIV. Bằng tình thương và sự đồng cảm, hai vợ chồng đã vượt qua bao khó khăn cũng như sự kỳ thị. Chị được điều trị ARV và sống chung an toàn với chồng 10 năm qua.
Do mong muốn có con, nên cả 2 vợ chồng cùng tìm hiểu các biện pháp phòng tránh lây nhiễm sang con, cuối cùng hai vợ chồng cũng đón nhận tin vui, đến nay con chị đã được 19 tháng tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Chị cho biết, đó là phần thưởng lớn nhất của cuộc đời chị.
(CAO) Tối ngày 1-12, Trung tâm Phòng chống
AIDS tại TP.HCM, Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam (VNP+) với sự bảo trợ của Cục phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế (VAAC) đã tổ chức Lễ trao giải Dải Băng Đỏ - The Red Ribbon Awards, lần 3 năm 2017.