Kiến nghị cho gửi tiền quỹ BHXH vào các ngân hàng thương mại

Thứ Sáu, 22/10/2021 14:56

|

(CAO) Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu kiến nghị trên với Quốc hội khi báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng quỹ BHXH.

Chậm đóng, tạm dừng đóng BHXH tăng cao

Báo cáo Quốc hội đầu phiên họp chiều nay (22-10), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp trong năm 2020, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tiếp tục giữ được đà tăng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo Quốc hội

Đáng chú ý, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,1 triệu người, chiếm 2,33% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu đặt ra.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN giảm, số tiền chậm đóng BHXH tiếp tục tăng so với năm 2019. Nguyên nhân, được ông Dung chỉ ra, là do số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng (từ 807.089 người năm 2019 lên 860.741 năm 2020, tăng 6,65%), gây ảnh hưởng đến khả năng phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong năm 2020.

Vì ảnh hưởng của dịch bệnh, theo ông Dung, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến tình trạng chậm đóng, tạm dừng đóng BHXH tăng cao. Nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động trong việc tham gia BHXH còn hạn chế, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Nêu kiến nghị với Quốc hội, người đứng đầu ngành Lao động đề nghị tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội tại Trung ương và địa phương, đặc biệt là vấn đề về phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; vấn đề về quản lý và sử dụng quỹ BHXH.

Trong thời gian chưa sửa Luật Bảo hiểm xã hội, ông Dung kiến nghị Quốc hội cho phép Hội đồng quản lý BHXH được quyết định đầu tư, gửi tiền tại các ngân hàng thương mại hoạt động tốt hoặc lành mạnh, ổn định theo danh sách do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp hàng năm.

Nhiều chính sách bảo hiểm chưa đi vào cuộc sống

Thẩm tra báo cáo, Uỷ ban Xã hội thông tin, tính đến hết năm 2020, tổng số kết dư quỹ BHXH, BHTN ước đạt 953.078 tỷ đồng. Trong số này, kết dư chuyển sang năm 2021 của Quỹ Ốm đau, thai sản là 13.472 tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) là 54.089 tỷ đồng; Quỹ hưu trí, tử tuất là 794.920 tỷ đồng; Quỹ BHTN là 90.597 tỷ đồng.

Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh báo cáo thẩm tra tại phiên họp

Nêu quan điểm của Uỷ ban, Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh đánh giá, các quỹ có tính chất ngắn hạn về cơ bản đều bảo đảm khả năng chi trả và có kết dư lớn. Cụ thể, Quỹ ốm đau, thai sản có số kết dư chuyển sang năm 2021 bằng 43,14% số chi trong năm 2020.

Tương tự, Quỹ TNLĐ-BNN và Quỹ BHTN kết dư lớn, số dư hàng năm cao. Tuy nhiên qua nhiều năm thực hiện, cơ quan thẩm tra chỉ ra, còn nhiều chế độ, chính sách liên quan đến các quỹ này chưa đi vào cuộc sống, chưa phát huy được vai trò chủ động của chính sách BHTN là giá đỡ của thị trường lao động.

Dẫn chứng, Uỷ ban Xã hội chỉ ra, đã sang năm thứ 6 liên tiếp kể từ khi Luật Việc làm được ban hành, chế độ cho người sử dụng lao động hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động không thực hiện được.

“Có ý kiến cho rằng các quỹ ngắn hạn mà có kết dư lớn sẽ gây gánh nặng cho người sử dụng lao động, ngân sách nhà nước và mất công bằng đối với người thụ hưởng. Đối với Quỹ BHTNLĐ-BNN cần tính toán để sửa đổi phù hợp hơn cho đúng tính chất của quỹ ngắn hạn” - Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh nêu.

Vẫn theo Uỷ ban Xã hội, chi chế độ hàng tháng từ nguồn Quỹ TNLĐ-BNN giai đoạn 2018 - 2020 chỉ chiếm tỷ lệ dưới 9% so với số thu, do đó số kết dư chuyển năm sau chỉ nên giữ ở mức 10% số thu hàng năm hoặc cần xem xét sửa đổi quy định pháp luật theo hướng mở rộng các chế độ thụ hưởng cho người lao động.

Riêng Quỹ Hưu trí, tử tuất, mặc dù vẫn đang kết dư lớn, song cần tính toán thận trọng, kỹ càng hơn nhằm bảo đảm cân đối trong dài hạn, nhất là với sự thay đổi về đặc điểm của quy mô và cơ cấu dân số (tốc độ già hóa dân số), nguyên tắc đóng - hưởng và cân đối giữa mức đóng - mức hưởng.

Về việc đầu tư quỹ BHXH, cơ quan thẩm tra thông tin, tổng dư nợ đầu tư quỹ BHXH, BHTN, BHYT lũy kế đến cuối năm 2020 đạt 897.715,1 tỷ đồng tỷ đồng, tăng 10,33% so với năm 2019. Các hình thức đầu tư vẫn chủ yếu là mua trái phiếu Chính phủ (chiếm 86,8% tổng số dư của quỹ), gửi tiền, mua trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại (chiếm 13,2%). Số tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư quỹ năm 2020 là 47.592,7 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo Uỷ ban Xã hội, tuy các hình thức đầu tư quỹ BHXH tuân thủ theo đúng quy định, nhưng lãi suất đầu tư bình quân năm 2020 đạt 5,02%, chỉ cao hơn chỉ số lạm phát cùng năm (3,23%) có 1,79 điểm phần trăm.

Tính ra, lãi suất đầu tư bình quân có xu hướng giảm nhanh (năm 2020 là 5,02%; năm 2019 là 5,8%; năm 2018 là 7,25%/năm; năm 2017 là 7,25%; năm 2016 là 6,4%).

Mở rộng đối tượng tham gia BHYT và quyền lợi của người bệnh
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang