(CAO) "Vừa qua có những doanh nghiệp muốn thành lập cơ sở nuôi dưỡng riêng cho các cháu mồ côi do dịch bệnh, nhưng chúng tôi không khuyến khích việc này, bởi gia đình là tất cả đối với các cháu. Khi các cháu không còn bố mẹ thì còn ông bà, người thân, không còn người thân thì còn trách nhiệm nhà nước” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm.
Trao đổi tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid-19 hôm nay (21/10), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, ngành này đã xây dựng chương trình phục hồi thì trường lao động.
Theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta có 4 loại hình lao động, gồm: lực lượng lao động khu vực FDI, lao động khu vực sản xuất công nghiệp, lao động khu vực sản xuất ngoài khu công nghiệp và lao động tự do.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ
“Vừa qua, việc dịch chuyển lao động hầu như rơi vào nhóm lao động ngoài khu công nghiệp, lao động tự do, đều rất khó khăn” – ông Dung phản ánh và thông tin, chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động sẽ được tích hợp trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế.
“Vấn đề thị trường lao động sẽ điều tiết theo thị trường. Trước đây, không có dịch bệnh, hàng năm sau Tết, chúng ta vẫn thiếu 10% lao động. Năm nay, chắc chắn sẽ thiếu, nhưng chỉ phục hồi sau Tết. Trong trường hợp căng thẳng, chúng ta đã có cả phương án để có thể cung cấp khoảng 200.000 lao động mới” – ông Dung nói.
Đề cập đến các gói hỗ trợ về an sinh xã hội, ông Đào Ngọc Dung chia sẻ, việc này vừa rồi được thực hiện rất bài bản, có lộ trình, có bước đi.
Cụ thể, trong tháng 3/2021 đã có Nghị định 20 về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Quy định mới về chế độ trợ cấp, phụ cấp, ưu đãi người có công với cách mạng được thực hiện theo Nghị định 75…
“Khi dịch bệnh bùng phát, chỉ trong thời gian ngắn chúng ta đã ban hành các gói hỗ trợ về an sinh xã hội, trong đó Nghị quyết 68 được thực hiện khẩn trương. Đến nay, đã có 25,12 triệu lượt người (23.000 tỷ đồng) được hưởng thụ theo Nghị quyết 68” – ông Dung cập nhật.
Về gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng (Nghị quyết 116), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đây là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ.
Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đã giải ngân ngay cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
“Ai có tài khoản thì được chuyển tiền ngay, ai chưa có thì mở tài khoản, trường hợp không có thì thông qua doanh nghiệp. Về cơ bản đến nay đã thực hiện xong” – ông Dung chia sẻ.
Kể về 3 lần đi cùng Thủ tướng kiểm tra ở TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Bộ trưởng Dung tâm sự: “Chúng ta không thể hình dung hết những khó khăn như thế nào. Nhưng phải nói, tôi rất biết ơn người dân TPHCM đã hy sinh những vấn đề cá nhân để ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội. Rồi các cán bộ tổ dân phố đã đến từng nhà, từng ngõ để hỗ trợ người dân…”.
Cung cấp thêm thông tin, Bộ trưởng Dung cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh, đến nay có 2.580 trẻ em rơi vào tình trạng mồ côi, trong đó có 2.500 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ; 80 trẻ mất cả cha lẫn mẹ.
“Vừa qua có những doanh nghiệp muốn thành lập những cơ sở nuôi dưỡng riêng cho các em nhưng chúng tôi không khuyến khích việc này, bởi gia đình là tất cả đối với các cháu. Khi các cháu không còn bố mẹ thì còn ông bà, người thân, không còn người thân thì còn trách nhiệm nhà nước” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm.
Vẫn theo Bộ trưởng, vừa qua có một số tổ chức quốc tế đăng ký xin đỡ đầu toàn bộ 80 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tuy nhiên, Bộ trưởng nói rõ ông chỉ khuyến khích nếu hỗ trợ tiền cho các cháu, vật chất cho các cháu, nhà nước đứng ra nhận, chứ không đồng ý với việc tổ chức quốc tế đứng ra đỡ đầu cho các cháu.
Trước mắt, theo ông Dung, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng cho các cháu còn cha hoặc mẹ. Với các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ thì hỗ trợ trực tiếp 20 triệu đồng bằng tiền mặt, bằng sổ tiết kiệm để giúp các cháu ăn học.
(CAO) Dẫn chứng Singapore vừa quyết định tiếp tục giãn cách xã hội thêm 1 tháng, Nga cho làm việc trực tuyến, Chủ tịch nước cảnh báo, không được chủ quan với dịch bệnh, để hậu quả lặp lại.