Chủ tịch nước: Không thể vội bỏ các Chỉ thị 15, 16, 19...

Thứ Năm, 21/10/2021 12:08

|

(CAO) Dẫn chứng Singapore vừa quyết định tiếp tục giãn cách xã hội thêm 1 tháng, Nga cho làm việc trực tuyến, Chủ tịch nước cảnh báo, không được chủ quan với dịch bệnh, để hậu quả lặp lại.

Chia sẻ quan điểm về cuộc chiến chống Covid-19 tại phiên thảo luận tổ sáng 21/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, qua dịch bệnh cho thấy sự cố gắng rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đặc biệt lực lượng tuyến đầu như quân đội, công an, nhất là y tế.

“Y tế xông pha trận mạc nhiều nhất, vất vả nhất” - Chủ tịch nước nhìn nhận và cho biết ông từng có văn bản yêu cầu Chính phủ, ngành y tế sơ kết, tổng kết, đánh giá tuyên dương công trạng của lực lượng tuyến đầu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 21/10

“Vừa rồi Thủ tướng đã tặng bằng khen cho lực lượng này nhưng tôi đề nghị Bộ Y tế nâng lên tuyên dương những anh hùng, những người có công trạng lớn trong khám chữa bệnh cho nhân dân, những tấm gương thiện nguyện… để phát động tinh thần cách mạng” – Chủ tịch nước yêu cầu.

Mặc dù Bộ trưởng Y tế thừa nhận không thể xoá hết mầm bệnh trong cộng đồng, phải dần thích ứng Covid-19 bằng vắc-xin, thuốc và 5K, nhưng theo Chủ tịch nước, không được phép chủ quan, không thể từ cực này sang cực khác dẫn đến hậu quả lặp lại.

“Chúng ta phải đề cao cảnh giác” – ông Phúc lưu ý.

Dẫn chứng Singapore tuyên bố giãn cách xã hội thêm một tháng, Nga cho làm việc ở nhà…, Chủ tịch nước khuyến cáo Việt Nam không thể vội bỏ toàn bộ Chỉ thị 15, 16, 19… Việc này, theo Chủ tịch nước, có thể dẫn đến hậu quả khó lường.

Đề cập đến những ổ dịch mới xuất hiện ở Cà Mau, Phú Thọ, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Nam Định, Chủ tịch nước lần nữa yêu cầu không được phép chủ quan với dịch bệnh.

“Chúng ta chưa phân tích biến chủng virus sắp tới thế nào nhưng trước tình hình như vậy, Chính phủ, ngành y tế phải có báo động đỏ để tiếp tục đề cao cảnh giác, phải có biện pháp kiên quyết kịp thời, rốt ráo hơn nữa để khoanh ổ dịch ở mức độ giãn cách khác nhau” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ

Thừa nhận không thể đóng cửa đất nước mãi, vì phải lo giải quyết việc làm, thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội nhưng theo Chủ tịch nước, Covid-19 vẫn đe dọa nước ta trong thời gian tới, do đó cần đề cao cảnh giác.

“Tôi rất lo dịch bệnh ở ĐBSCL, Tây Nguyên và không ngờ ở một số tỉnh phía Bắc lại phát hiện những ổ dịch mới. Tôi cho rằng dịch bệnh chưa dừng lại ở đây đâu” - Chủ tịch nước cảnh báo.

Đề cập đến tình hình kinh tế - xã hội, Chủ tịch nước cho rằng dù có khó khăn nhất định nhưng những ngày mở cửa trở lại vừa qua cho thấy không khí sản xuất của các DN rất tốt.

“Chương trình tái thiết của TPHCM hết sức quyết liệt, bước đầu nhiều lao động đã quay lại TP” - Chủ tịch nước phản ánh.

Theo ông, niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu rất đáng mừng. “Tôi tin nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại “phong độ” mới và sẽ đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội” - Chủ tịch nước bày tỏ.

Nhìn về một số địa phương đang phục hồi sản xuất rất tốt như Bắc Ninh, Bắc Giang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ông có niềm tin vào sự điều hành của Chính phủ trong thời gian tới.

“Năm nay chúng ta đạt tăng trưởng thấp, khó khăn nhưng năm 2022 sẽ đạt được kế hoạch đặt ra, đời sống nhân dân sẽ ổn định, nâng cao” - Chủ tịch nước tái khẳng định.

Vẫn theo Chủ tịch nước, uy tín của Việt Nam với thế giới rất lớn. “Chúng ta cố gắng giữ một thể chế tốt, điều hành tốt, thu hút mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn nữa thì nhất định kinh tế Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ tốt hơn thời gian tới” – Chủ tịch nước chốt lại.

Bộ trưởng Y tế nói về ‘những quyết định cam go’ trong cuộc chiến chống Covid-19
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang