Ngoại giao vắc-xin là bước đột phá trong phòng chống dịch

Thứ Tư, 20/10/2021 11:37

|

(CAO) Các nỗ lực cao độ trong công tác ngoại giao vắc-xin, theo Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, là một kỳ tích, một bước đột phá cực kỳ quan trọng trong chiến lược phòng, chống dịch.

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và Nhân dân cả nước, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, các ý kiến đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tỷ lệ tiêm mũi 1 vắc-xin tăng nhanh chóng

Phản ánh với Quốc hội, ông Chiến cho hay, cử tri và Nhân dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ việc Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết, trước hết.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri

Theo đánh giá của cử tri, Nhân dân, chiến lược và các biện pháp phòng, chống dịch được triển khai trong thời gian qua cơ bản là phù hợp, đạt được kết quả quan trọng với những quyết sách nhanh, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện.

“Đã ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời các hướng dẫn về cách ly, khoanh vùng, dập dịch và xác định các địa bàn nguy cơ để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp” – ông Chiến báo cáo.

Cử tri và Nhân dân ghi nhận việc nhiều địa phương đã triển khai quyết liệt việc xét nghiệm, tăng cường năng lực xét nghiệm, thực hiện xét nghiệm thần tốc, xét nghiệm nhiều vòng ở các địa bàn nguy cơ cao, rất cao; khoanh vùng, cách ly ở phạm vi hẹp nhất có thể; tiến hành xét nghiệm thần tốc với tốc độ nhanh hơn tốc độ lây nhiễm, khoa học, phù hợp, hiệu quả; điều trị tích cực từ sớm, từ xa, từ cơ sở…

Đặc biệt, các nỗ lực cao độ trong công tác ngoại giao vắc-xin, theo ông Chiến, là một kỳ tích, một bước đột phá cực kỳ quan trọng trong chiến lược phòng, chống dịch.

Tính đến ngày 10/10/2021, đã tiếp nhận 74 triệu liều vắc-xin và tiêm được 54 triệu liều (đến ngày 03/10/2021, tỷ lệ tiêm ít nhất 1 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên là 48%). Tổng số vắc-xin đã có hợp đồng mua, có cam kết, viện trợ và tài trợ trong năm 2021 là 189,8 triệu liều (dự kiến tháng 10/2021 sẽ tiếp nhận trên 50 triệu liều).

Mặc dù xuất phát điểm chậm, song tỷ lệ tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, nhanh hơn một số nước trong khu vực và mức trung bình của thế giới.

Phiên họp trực tuyến từ điểm cầu nhà Quốc hội

Công tác hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được các cấp, các ngành quan tâm, sâu sát. Các nước, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, kiều bào đã có đóng góp lớn bằng tiền và hiện vật với tổng giá trị nhiều chục nghìn tỉ đồng cho công tác phòng, chống dịch.

“Với những nỗ lực đó, đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP để thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh ở các địa phương” – ông Chiến nói.

Nhiều điểm yếu của hệ thống và năng lực quản lý các cấp

Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong công tác phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn.

Còn hạn chế trong phân tích tình hình để triển khai có bài bản các phương án ngắn hạn cũng như dài hạn, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

“Công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian đầu đợt dịch thứ 4 có nơi, có lúc còn lơ là, chủ quan, cứng nhắc, nhất là trong chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất; còn lúng túng, bị động, chưa thống nhất, chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi; bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống và năng lực quản lý của các cấp” –báo cáo nêu.

Cử tri và Nhân dân cả nước cũng chỉ ra các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát được hết các tình huống ứng phó với bùng phát dịch bệnh. Việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, trong đó có một số văn bản chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém, nhất là y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng, chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch bệnh xảy ra. Hầu hết các trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, vắc-xin... đều phải nhập khẩu, do chưa sản xuất được trong nước dẫn đến chưa kịp thời, bị động, chi phí cao.

Điều kiện sinh hoạt, năng lực quản lý và nguy cơ lây nhiễm ở chính các khu vực cách ly cũng là vấn đề cử tri và Nhân dân lo lắng.

Vẫn theo phản ánh từ cử tri và Nhân dân cả nước, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Một số nơi còn xảy ra tình trạng ách tắc trong lưu thông hàng hoá, di chuyển của người dân, như Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Hải Dương, Bạc Liêu…

Sau khi "nới lỏng" các biện pháp giãn cách xã hội, một lượng lớn người dân từ TPHCM và các tỉnh có dịch trở về quê tự phát, tiềm ẩn rủi ro và lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, nhưng theo ý kiến cử tri và Nhân dân, chưa lường hết được mức độ nên còn bị động.

Công tác truyền thông, theo nhận định của cử tri, có thời điểm còn bị động, lúng túng, chưa kịp thời, nhất là trong thời gian đầu của đợt dịch lần thứ 4; ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Số liệu từ Bộ Thông tin - Truyền thông cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 20 phần mềm khai báo y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang