Theo số liệu khảo sát từ Sở Xây dựng TPHCM, hiện trạng nhà thuê trọ tại thành phố có hơn 723.000 phòng cần hỗ trợ cải tạo, chỉnh trang lại.
Sáng nay (19/10), tiếp tục kỳ họp thứ ba HĐND TPHCM khóa X, các đại biểu luận tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ.
Dịch bệnh chỉ ra những điểm yếu của hệ thống y tế cần khắc phục
Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tính đến ngày 19-10, sau gần 3 tuần triển khai Chỉ thị 18 về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM, tình hình dịch bệnh tại thành phố tiếp tục chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Theo đó, số ca mắc mới và số ca thu dung điều trị mỗi ngày vẫn giảm ở tất cả các tầng, số ca bệnh nặng và số ca tử vong tiếp tục giảm qua nhiều ngày liên tiếp. Số ca mắc mới mỗi ngày tiếp tục theo xu hướng giảm dần sau ngày 1-10.
Dịch bệnh bùng phát dữ dội chỉ ra những điểm yếu của hệ thống y tế cần được khắc phục. Trong đó, hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở của TPHCM không đủ năng lực để ứng phó khi dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là những bệnh dịch mới nổi. Sở Y tế xây dựng đề án củng cố y tế cơ sở nhằm củng cố năng lực cho trạm y tế xã, phường…
Đồng thời, tái cấu trúc tất cả bệnh viện, đảm bảo các bệnh viện thực hiện 2 chức năng: chức năng khám, chữa bệnh cho người dân mắc các bệnh thông thường và cần can thiệp điều trị chuyên sâu và chức năng thu dung, cách ly điều trị khi phát hiện người bệnh nghi ngờ mắc Covid-19.
TPHCM cũng sẵn sàng nguồn nhân lực tại chỗ (tuyến quận, huyện) và nguồn nhân lực chi viện (tuyến thành phố) để kịp thời ngăn chặn dịch và chăm sóc, quản lý người bệnh.
Mỗi địa bàn quận, huyện cần có kế hoạch sẵn sàng thành lập bệnh viện dã chiến quận, huyện, cơ sở cách ly tập trung của quận huyện, trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng… Ngành Y tế TPHCM sẵn sàng hỗ trợ nguồn nhân lực khi các quận, huyện gặp khó khăn. Sở cũng xây dựng các kịch bản để quận, huyện xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó dập dịch và diễn tập...
Xây dựng một ứng dụng dùng chung cho công dân TPHCM
Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng cho biết, thời gian đầu khi dịch Covid-19 bùng phát, lúc đó TPHCM chưa có một kế hoạch toàn diện và sẵn sàng cho việc ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch.
Nhưng sau đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TPHCM, thành phố đã thực hiện ngày càng có kết quả tích cực hơn trong việc ứng dụng công nghệ trong công tác phòng chống dịch. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 có thể chia làm 3 nhóm: Hệ thống các ứng dụng, Trung tâm dữ liệu, cổng 1022 - hạ tầng thông tin liên lạc.
Trong 5 tháng qua, TPHCM đã phát triển hệ thống ứng dụng và kết nối dữ liệu khối lượng lớn, mà bình thường phải tính bằng vài năm. Đồng thời, đa phần các công việc này đều dùng kinh phí từ nguồn xã hội hoá, tiết kiệm được rất nhiều cho ngân sách thành phố.
Hiện nay Thường trực UBND TPHCM đã có 2 chủ trương lớn về công nghệ trong phòng chống dịch thời gian tới. Đó là tiếp tục phát triển ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch. Đồng thời rà soát, củng cố chuẩn bị cho các kịch bản phòng chống dịch trong tương lai. Thứ hai, tận dụng cơ hội này để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của TPHCM. Sở TT-TT TPHCM đang tích cực tham mưu cho UBND TPHCM thực hiện các chủ trương này.
Một số giải pháp Sở TT-TT TPHCM đang phối hợp với các đơn vị tham mưu triển khai như: Nâng cao tỷ lệ cung cấp của các cơ quan hành chính nhà nước và tỷ lệ sử dụng của người dân đối với các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Phát triển, khai thác hiệu quả kho dữ liệu dùng chung của TPHCM với dữ liệu lớn (big data) và phát triển dữ liệu mở (open data) để chia sẻ cho tổ chức, cá nhân khai thác.
Ứng dụng công nghệ trong các hoạt động an sinh xã hội. Phát triển tổng đài 1022 thành Cổng thông tin hợp nhất, đa ngành, đa lĩnh vực, là kênh giao tiếp đa phương tiện giữa người dân và chính quyền các cấp của TPHCM.
Ngoài ra, thí điểm xây dựng một ứng dụng dùng chung cho công dân TPHCM, theo hướng Cổng thông tin tích hợp chung hướng người dân thông qua app này có thể truy cập đến các dịch vụ của các quận huyện, sở ngành thông qua 1 điểm truy cập chung.
Xây gần 30.000 nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp
Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân cho biết, về công tác nhà ở, từ đầu năm 2021, Sở Xây dựng đã có kế hoạch về chương trình phát triển nhà ở kế hoạch nhiệm kỳ 2021-2025 và kế hoạch hàng năm. Trong nhiệm kỳ này, TPHCM sẽ xây dựng 50 triệu m² nhà ở với 366.000 căn nhà. Trong đó, gần 30.000 nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp trên địa bàn TPHCM.
Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân tại buổi thảo luận sáng 19-10. Ảnh: VIỆT DŨNG
Sở Xây dựng đang rà soát tổng nhu cầu và hiện trạng nhà thuê trọ cho công nhân để có cơ chế hỗ trợ cải tạo, chỉnh trang lại. Theo số liệu khảo sát, hiện nay, trên địa bàn TPHCM có 99.108 hộ cho thuê với hơn 723.000 phòng, số người thuê là 1.699.000 người, trong đó có 886.000 công nhân.
Năm 2020, TPHCM đã ban hành hướng dẫn cho người dân xây nhà trọ, trong đó đưa ra tiêu chí lớn nhất là đảm bảo cứu hộ, cứu nạn và phòng cháy chữa cháy. Qua đợt dịch này, Sở Xây dựng sẽ bổ sung tiêu chí đảm bảo phòng tránh dịch lây lan. Các nhà trọ không đủ điều kiện sẽ đề xuất chính sách hỗ trợ.
Về nhà trên kênh rạch, trong nhiệm kỳ 2016-2020, TPHCM đã xây dựng chương trình giải tỏa nhà trên kênh rạch. Đến nay, TPHCM đã giải tỏa trên 2.000 căn, hiện còn 20.000 căn. TPHCM đã có cơ chế chính sách để kêu gọi và hợp tác đầu tư để nâng cấp nhằm cải thiện môi trường sống cho dân và cải thiện nhà lụp xụp.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng TPHCM đang trình đề án xây dựng nhà ở xã hội, từ đó cho thuê - thuê mua. Đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp để thuê ở.
Gần 2.000 trẻ em mồ côi và 400 người già sống neo đơn vì dịch bệnh
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, trước làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4, từ ngày 27-4 đến nay, TPHCM ghi nhận hơn 415.000 người mắc Covid-19, gần 16.000 người tử vong. Dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến đời sống, kinh tế - xã hội, đã có gần 2.000 trẻ em mồ côi cha, mẹ và gần 400 người già sống neo đơn do mất con, mất người trực tiếp nuôi dưỡng vì dịch Covid-19.
Tính đến ngày 15/10, TPHCM ghi nhận có 227 trẻ em là con của sản phụ mắc Covid-19, 48 trẻ mồ côi cả cha mẹ, người nuôi dưỡng và 1.805 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ. Sở LĐTB-XH đã tham mưu trình UBND TPHCM “chương trình huy động nguồn lực chăm lo, hỗ trợ cho người cao tuổi neo đơn và trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM” nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ. Trong đó chăm sóc sức khoẻ thể chất, tinh thần, tư vấn tâm lý; hỗ trợ ổn định nơi ở; giáo dục và đỡ đầu các trẻ học tập đến năm 18 tuổi; định hướng nghề nghiệp, học nghề; bảo vệ pháp lý, thừa kế tài sản; nhận phụng dưỡng người cao tuổi neo đơn;…
Hiện nay UBND xã, phường, thị trấn căn cứ vào Nghị định 20 của Chính phủ để thẩm định, xét duyệt và trình cơ quan thẩm quyền quyết định, chậm nhất là tháng 12-2021, người già neo đơn, trẻ mồ côi do dịch phải được nhận trợ cấp theo quy định.
Cụ thể, 1,2 triệu đồng/trẻ/tháng đối với trẻ dưới 4 tuổi; 720 nghìn đồng/trẻ/tháng đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên; từ 480 nghìn đồng đến 1,44 triệu đồng/người/tháng đối với người già tùy theo các diện nghèo, cận nghèo… Đồng thời cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người già, trẻ em mồ côi theo quy định....