Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) diễn ra trong bối cảnh sau hơn nửa năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch COVID-19 với những biến chủng mới, lây lan nhanh và nguy hiểm, tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế thế giới, khu vực và nước ta; làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị, tổ chức hoạt động đời sống xã hội toàn cầu, buộc nhiều nước phải điều chỉnh định hướng, chiến lược phòng, chống dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Trong điều kiện đó, Hội nghị lần thứ tư của Đảng đã được tổ chức để thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng như: Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024; chủ trương lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khoá XII; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; sửa đổi, bổ sung quy định về những điều đảng viên không được làm...
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, sáng 4-10-2021. Ảnh: TTXVN
Lợi dụng vào sự kiện, thời điểm và nội dung thảo luận, quyết nghị những vấn đề quan trọng của Hội nghị, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động lập tức tăng cường tuyên truyền xuyên tạc chống phá trên nhiều phương diện, từ chế độ chính trị, công tác phòng, chống dịch bệnh, tình hình kinh tế-xã hội của đất nước.
Hạ thấp vai trò, ý nghĩa của Hội nghị Trung ương 4, một số trung tâm truyền thông quốc tế như Đài VOA, RFA, RFI, các trang mạng của tổ chức phản động lưu vong như Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời… tập trung khai thác, chống phá ở nhiều góc độ khác nhau. Họ xuyên tạc rằng, đang trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, người lao động tại TP Hồ Chí Minh li tán, tị nạn, tháo chạy hỗn loạn không ai lo thì Trung ương lại tổ chức “họp trong phòng lạnh” để tung hô, khen ngợi các thành tích “vinh quang thuộc về Đảng” còn “đau thương trút lên đầu nhân dân”.
Xuyên tạc nội dung của kỳ họp, phê phán biện pháp, cách thức phòng, chống dịch bệnh. Họ cho rằng đó là phương pháp sai lầm, chế độ đã sử dụng kỷ luật thép, đưa quân đội, công an vào đàn áp, cấm đoán đi lại, các hoạt động kinh tế đình trệ, xã hội hỗn loạn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài đồng loạt tháo chạy, di dời nhà máy, sản xuất khỏi Việt Nam. Vu cáo rằng, các gói cứu trợ an sinh xã hội từ Trung ương thì lớn mà đến tay nhân dân thì nhỏ giọt, chảy vào túi quan tham, lợi ích nhóm… Suy diễn công tác xây dựng Đảng của Hội nghị Trung ương 4, các đối tượng xuyên tạc “Đảng không bận tâm về hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 mà chỉ quan tâm làm sao để Đảng vẫn “muôn năm trường trị”…
Như chúng ta thấy, Hội nghị Trung ương 4 với nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa lớn trong cả nhiệm kỳ khoá XIII. Trung ương đã tập trung phân tích những ảnh hưởng nặng nề, nhiều mặt, đưa ra những chủ trương, chính sách tổng thể, căn cơ, bài bản hơn để quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, định hướng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp hơn với thực tế tình hình hiện nay và có tính khả thi cao để tiếp tục tập trung ưu tiên phòng, chống dịch bệnh và khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ưu tiên triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả cho nhân dân, người lao động và doanh nghiệp, ổn định đời sống và phục hồi sản xuất kinh doanh. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục tạo dấu ấn sâu đậm trong Đảng và trong nhân dân về “Nghị quyết Trung ương 4”, đây luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, không phải ngẫu nhiên mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này. Với những nội dung, yêu cầu mới, Đảng tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một cách ráo riết, quyết liệt, có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Các nội dung, kết luận của Trung ương tại Hội nghị sẽ góp phần quan trọng đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, thúc đẩy việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới. Những luận điệu mà các đối tượng tung ra xuyên tạc nội dung, ý nghĩa Hội nghị có thể thấy rõ ở mấy điểm sau:
Một là, đằng sau những luận điệu sai trái, xuyên tạc mà các đối tượng xấu tập trung khai thác, lập luận, tuyên truyền, người ta thấy đó là quan điểm dân tuý, cố tình phê phán thể chế chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hệ thống chính trị trong đời sống xã hội ở Việt Nam. Với kiểu phê phán bằng mọi cách, cứ như thể chỉ họ mới là lực lượng, những người tiến bộ, dân chủ, quan tâm thực sự đến đời sống người dân, ca ngợi, cổ xúy, hướng lái theo cái họ gọi là giá trị xã hội phương Tây.
Hai là, tung ra các luận điệu sai trái, suy diễn, xuyên tạc Hội nghị Trung ương 4 nhằm mục đích hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng, cố tình dẫn dắt dư luận để gieo rắc nhận thức lệch lạc, hạ thấp vị trí, ý nghĩa của Hội nghị, uy tín, niềm tin của Đảng trong lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Lợi dụng vào tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp để quy chụp nói xấu, xuyên tạc bản chất chế độ xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Ba là, phê phán, phủ nhận thành quả công tác phòng, chống dịch bệnh của hệ thống chính trị của Việt Nam trong suốt thời gian qua. Lấy một số hiện tượng tiêu cực, một số khó khăn, hạn chế ở chỗ này, chỗ khác để quy kết bản chất, từ đó lên án chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh, an sinh xã hội, cách thức, phương pháp thực hiện của chính quyền địa phương.
Bốn là, làm méo mó hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam trong mắt bè bạn quốc tế, làm suy giảm uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Qua đó họ cố tình bóp méo tình hình Việt Nam, nhất là bản chất ưu việt, nhân văn của chế độ xã hội, nghĩa cử đồng bào, sự đùm bọc, chia sẻ, đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh với quyết tâm, nỗ lực ngăn chặn sự ảnh hưởng, hạn chế tác động thấp nhất mà đại dịch gây ra.
Trái ngược thủ đoạn, ý đồ mà các đối tượng rêu rao, Hội nghị Trung ương 4 của Đảng với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, xem xét, phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện các vấn đề để đưa ra quyết nghị đúng đắn. Trên cơ sở đó, tạo ra sự đoàn kết, thống nhất như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Nhất hô bá ứng”, “tiền hô hậu ủng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy tốt những thành tựu, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và bình tĩnh, tỉnh táo xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề khó, chưa có tiền lệ, mới phát sinh trong phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn; duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và đời sống nhân dân.