Luận điệu của những kẻ 'bán nước cầu vinh' trong mùa dịch bệnh

Thứ Ba, 14/09/2021 20:18

|

(CAO) Trong khi Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền cùng toàn thể nhân dân đang dốc toàn tâm toàn lực, đồng lòng chống lại đại dịch thì không ít những tên khủng bố trong các tổ chức phản động lưu vong đang tìm mọi cách phá hoại đất nước. Chúng xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, phủ nhận thành quả chống dịch của toàn dân tộc. Mục đích đê hèn của chúng không gì khác ngoài 'bán nước cầu vinh'…

Bộ mặt của “biệt đoàn Sao trắng”

Nhắc đến Lisa Phạm, tên thật là Phạm Thị Anh Đào (SN 1979, Việt kiều Mỹ, cư trú tại Progresssibe Way, Denmaru, South California, Mỹ), thành viên “Biệt đoàn Sao trắng”, một phân nhánh của tổ chức khủng bố “Chính phủ Việt Nam tự do” do Nguyễn Hữu Chánh cầm đầu, chắc hẳn nhiều người biết đến. Lisa Phạm đã 3 lần về nước vào năm 2005 nhằm móc nối, lôi kéo, xúi giục các đối tượng phản động trong nước hoạt động phạm tội phá hoại, khủng bố và đã bị Cơ quan An ninh Việt Nam bắt giữ.

Trong trại giam của Bộ Công an, Lisa Phạm đã thừa nhận tội lỗi, viết đơn xin khoan hồng và cam kết không tái phạm. Thực hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước, Lisa Phạm được trả tự do. Đến ngày 23-7-2006, Lisa Phạm bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Ngay vừa đặt chân đến Mỹ, Lisa Phạm đã lên mạng Internet, vu cáo Nhà nước Việt Nam đã cùm chân, bỏ đói và dùng nhục hình đối với ả. Lisa Phạm là thợ làm nail ở Mỹ, thường xuyên làm các clip xuyên tạc sự thật đăng tải trên mạng xã hội; cùng các đối tượng đồng bọn lập ra cái gọi là “chương trình khai dân trí” phát trực tiếp trên Facebook và Youtube nội dung xuyên tạc sự thật về tình hình Việt Nam, có nhiều bài viết, chế ảnh xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tháng 8-2017, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, truy nã Lisa Phạm về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo Điều 84 BLHS Việt Nam 1999. Từ cuối năm 2016, Đào Minh Quân cùng Lisa Phạm và các đối tượng cốt cán âm mưu khôi phục tổ chức, tiếp tục âm mưu hoạt động khủng bố tại Việt Nam.

Luận điệu xuyên tạc của những kẻ phản động

Cụ thể, thông qua mạng xã hội, Lisa Phạm lôi kéo, kết nối với nhiều đối tượng trong nước như: Nguyễn Đức Sinh (SN 1985, trú tại Bình Định), Đặng Hoàng Thiện (SN 1992, trú tại TPHCM), Thái Hàn Phong (SN 1982, trú tại Bình Định), Ngô Thụy Tường Vy (SN 1986, trú tại TPHCM), Trương Tấn Phát (SN 1984, trú tại TPHCM), Nguyễn Ngọc Tiến (SN 1990, trú tại Bình Dương), Hoàng Văn Dương (SN 1994, trú tại Bình Định), Vũ Mộng Phong (SN 1971, trú tại Bình Định), Nguyễn Thị Chung (SN 1982, trú tại Bình Dương)... thành lập các “nhóm hành động” để tiến hành khủng bố, phá hoại.

Nhóm đối tượng này có ý đồ thực hiện các hoạt động khủng bố, ám sát cán bộ, phá hoại các công trình trọng điểm trong nước, chế tạo bom xăng, bom khói để sử dụng trong các cuộc biểu tình, vu cáo lực lượng chức năng đàn áp người biểu tình....

Cuối tháng 3-2017, theo chỉ đạo của Lisa Phạm, Nguyễn Đức Sinh từ Lào về Việt Nam để tập hợp các đối tượng thực hiện hoạt động khủng bố, phá hoại, gây tiếng vang cho tổ chức. Dù đã được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước nhưng Lisa Phạm vẫn không thay đổi.

Luận điệu sai trái, xuyên tạc của những kẻ phản động

Lần này, với tư tưởng chống đối quyết liệt, đối tượng tiếp tục lợi dụng tình hình dịch bệnh tại Việt Nam liên tục sử dụng kênh Youtube tán phát video xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ, cho rằng thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo “ép nhỏ con số lây nhiễm và tử vong” trong cả nước nhằm “mị dân” và lừa gạt quốc tế”, “âm mưu nới lỏng giãn cách xã hội trước ngày 2-9” để “ăn mừng ngày quốc tang Cộng sản”.

Đồng thời, thông qua đó, Lisa Phạm kêu gọi người dân toàn quốc làm giấy tờ giả qua mắt lực lượng chức năng để tự do đi lại, lập kế hoạch “phá chốt kiểm dịch của Việt Cộng”; “phá rào cách ly tại các khu công nghiệp, tiến hành 3 sạch trên toàn quốc”, đặc biệt là TPHCM và Bình Dương nhằm phản đối chính quyền và đưa người dân về quê hương cách ly điều trị.

Xuyên tạc thành quả, nỗ lực của toàn dân tộc

Đọc và xem những clip trên của Lisa Phạm sẽ không thể chấp nhận được những lập luận bịa đặt, dựa trên suy nghĩ một chiều của một kẻ bán nước, sống tha hương cầu thực.

Trong những ngày qua, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, chủng Delta diễn biến phức tạp, không chỉ ở Việt Nam, các nước khu vực Châu Á và trên thế giới đều đau đầu trước lây lan của dịch bệnh. Trong tình hình đó, việc thực hiện giãn cách xã hội và 5K là biện pháp cực kỳ hữu hiệu, giúp ngăn chặn dịch bệnh. Để phòng, chống dịch bệnh, không chỉ công tác tuyên truyền, hằng ngày, số liệu về người nhiễm COVID-19, người được chữa khỏi bệnh liên tục được cập nhập trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền.

Những ngày này, hàng trăm ngàn CBCS các lực lượng tuyến đầu như Y tế, Công an, Quân đội... đã xung phong đến với đồng bào miền Nam nhằm ngăn chặn dịch bệnh, phần lớn trong số họ phải hy sinh thời gian dành cho gia đình, bản thân, thậm chí nhiều người đã vài tháng không thể về nhà để tập trung chiến đấu với dịch bệnh. Trong những ngày tháng đầy gian nan ấy, nhiều người đã hy sinh…

Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, nhất là sự bùng phát làn sóng thứ 4 của đại dịch đến nay, không khó để bắt gặp những hình ảnh CBCS Công an tích cực phối hợp cùng các lực lượng khác căng mình trên trận tuyến phòng, chống dịch COVID-19. Đó là những "tấm lá chắn" vững vàng giữa tâm dịch, ngày đêm bám trụ, túc trực tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, khu vực phong tỏa hay biên giới; là những CBCS không quản nắng mưa, ngày đêm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, nắm thông tin về tình hình Covid-19; hay các CBCS hết mình với công việc thiện nguyện, dốc lòng lo cho người dân từng bữa cơm; chưa kể nhiều tấm gương CBCS kịp thời đưa người bệnh, sản phụ… cấp cứu.

Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, CBCS Công an luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ kép, vừa ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, vừa giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chăm lo cho nhân dân.

Trong trận tuyến "chống dịch như chống giặc" ấy, nhiều CBCS Công an nhân dân phải đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm dịch bệnh. Có những CBCS đã ngã xuống trong công tác phòng, chống dịch bệnh, như Đại úy Phan Tấn Tài, trinh sát Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Công an quận 6, TPHCM hy sinh khi truy bắt một đối tượng “phê” ma túy, vi phạm về phòng chống dịch COVID-19; là Đại úy Lê Huỳnh Nhật Minh, Phó trưởng Công an xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu (Tây Ninh) trong lúc làm nhiệm vụ thực hiện truy vết COVID-19 không may bị nhiễm SARS-CoV-2 và hy sinh sau nhiều ngày được điều trị tích cực.

Vậy nhưng, sau những hy sinh thầm lặng, mất mát ấy, vẫn có những kẻ luôn đoái thương quá khứ, bán nước cầu vinh để suy diễn với những lời lẽ bịa đặt, vô căn cứ…

Bình luận (0)

Lên đầu trang