Để xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch không từ bất kỳ thủ đoạn nào, trong đó có cả việc sử dụng các luận điệu xuyên tạc, “lật sử”, và cả vu khống. Câu chuyện về khẩu hiệu “Trí phú địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ” là một điển hình của các mưu đồ này.
Sáng suốt, nhận diện rõ những âm mưu, thủ đoạn, các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động tấn công vào nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng. (Nguồn: Báo Phú Thọ)
Đảng Cộng sản Việt Nam không hề có câu khẩu hiệu này
Đối với một đảng chính trị, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam, văn kiện có giá trị cao nhất là Cương lĩnh chính trị. Vì vậy, mọi nghị quyết, chỉ thị của Đảng đều không được trái với Cương lĩnh chính trị. Khi đưa ra luận điệu cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam có hẳn câu khẩu hiệu “Trí phú địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ”, các thế lực thù địch đã xuyên tạc cho rằng nó ở trong Luận cương chính trị tháng 10 năm 1930 do Tổng Bí thư Trần Phú soạn thảo.
Có thể thấy việc hiểu sai hay cố tình xuyên tạc về nội dung này thì thiên hình, vạn trạng. Trên BBC, cũng đăng bài viết có tiêu đề “Khiếp nhược hay là đang náu mình” có nội dung như sau: “Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương ghi rõ Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ. Như vậy trí thức là đối tượng được ưu tiên xếp hạng đầu tiên Đảng Cộng sản cần tiêu diệt”.
Đa phần các bài viết trên mạng đều dẫn khẩu hiệu này để quy kết cho Đảng Cộng sản Việt Nam về việc coi khinh trí thức, đàn áp trí thức. Cũng có những bài viết có vẻ khách quan hơn khi cho rằng đó là “một sai lầm của Đảng” và đã được sửa sai. Sự thật thì Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt lịch sử hơn 90 năm của mình chưa bao giờ có khẩu hiệu “trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ”. Câu khẩu hiệu này chỉ là một khẩu hiệu được đưa ra bởi một cấp ủy và chỉ để thực hiện trong nội bộ đảng của cấp ủy đó. Sau khi biết được điều này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã kịp thời chấn chỉnh.
Đảng được xây dựng từ sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân
Như vậy, khẳng định rằng câu khẩu hiệu này không phải của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nó càng không phải là đã được ghi trong Cương lĩnh Chính trị năm 1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương như bài viết của BBC nêu trên. Đây chỉ là chủ trương của một xứ ủy trực thuộc và sau khi nhận được thông tin này ngay lập tức Đảng đã ra chỉ thị chấn chỉnh.
Chúng ta đều biết Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931 đã bùng lên mạnh mẽ và sau đó bị đàn áp đẫm máu. Hàng loạt các tổ chức Đảng bị đàn áp, hàng loạt người yêu nước bị bắt và giết hại, các tổ chức của Đảng vỡ từng mảng, nhất là ở Xứ ủy Trung Kỳ. Khi ấy, ban lãnh đạo của Xứ ủy nhận định rằng tổn thất của phong trào có thể do trong hàng ngũ có kẻ phản bội. Nghi vấn đổ dồn vào những trí thức trong tổ chức khi ấy. Vì vậy, năm 1931, Xứ ủy Trung kỳ ra chỉ thị về vấn đề thanh Đảng (tức thanh lọc nội bộ của Đảng) có câu: “Thanh trừ trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ[1]”. Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung ương Đảng đã kịp thời uốn nắn nhận thức sai lầm này và khẳng định: “Xứ ủy Trung Kỳ, nhất là đồng chí Bí thư, ra chỉ thị thanh Đảng viết rõ từng chữ: Thanh trừ trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ, như vậy thì gốc đâu mà đào, xem rễ ở đâu mà trốc, quả là một ý nghĩ mơ hồ, một chỉ thị võ đoán và là một lối hành động quàng xiên chí tướng[2]”.
Tác phẩm “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Trung ương đã yêu cầu Xứ ủy Trung Kỳ phải có nhận thức đúng đắn và sửa sai: “Vậy tiếp được chỉ thị này, Xứ ủy phải nghiêm mật khảo xét lại từng địa phương, từng bộ phận, từng cá nhân, người nào sai, bộ phận nào sai phải dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy[3]”.
Trung ương khẳng định: “Đảng ta được xây dựng theo những nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Đảng được xây dựng từ sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân ta, Đảng ta kế thừa truyền thống đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm của dân tộc ta (…). Không tránh khỏi xuất hiện những tư tưởng hoang mang, dao động, bi quan, những phần tử đầu hàng phản bội. Điều đó không có gì lạ, mà là việc thường xảy ra đúng với quy luật đấu tranh cách mạng… nhưng là số ít, còn thì giai tầng nào mặc dầu, nhưng đa số đồng chí hết sức trung thành hiến thân cho Đảng đến giọt máu cuối cùng[4]”. Trung ương cũng yêu cầu Xứ ủy Trung kỳ phải tự chỉ trích, phải khắc phục những sai lầm, Chỉ thị cho Xứ ủy Trung Kỳ phải nghiên cứu thẩm tra lại tình hình cụ thể từng đảng bộ, từng cấp ủy và toàn thể đảng viên tiến hành tự phê bình và phê bình, kiểm điểm sắp xếp lại lực lượng. Sau đó, Xứ ủy Trung kỳ đã kịp thời khắc phục sai lầm này trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Bài học rút ra trong việc tiếp nhận thông tin
Việc xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm bóp méo, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là ngay chính những người là cán bộ, đảng viên cũng đã có lúc nhận thức sai, hiểu sai về vấn đề này. Chẳng hạn, vì không tìm hiểu kỹ nên khi đánh giá về những hạn chế trong quá trình lãnh đạo cách mạng, có những đồng chí cán bộ, đảng viên vẫn chưa hiểu thật sự thấu đáo vấn đề này khi còn cho rằng đó là một trong những sai lầm của Đảng khi ấy. Rõ ràng, Đảng là một thực thể sống và bao gồm rất nhiều người thuộc các thành phần khác nhau. Do đó, Đảng không phải không có sai lầm. Đánh giá đúng, “có gan thừa nhận những khuyết điểm” (lời Hồ Chủ tịch) để rút ra bài học, khắc phục những hạn chế khuyết điểm là việc đáng nên làm. Thế nhưng, bất luận trong bối cảnh nào cũng phải hiểu thấu đáo vấn đề, gắn với bối cảnh và hoàn cảnh lịch sử.
Từ câu chuyện này, rõ ràng nếu xem kỹ Văn kiện Đảng, chắc chắn ai đó sẽ không thể phán bừa rằng câu khẩu hiệu ấy “được ghi trong Cương lĩnh của Đảng” và những ai tìm hiểu cặn kẽ cũng sẽ hiểu rõ thêm.