Dốc toàn lực truy vết ca nhiễm
Theo ông Phạm Mạnh Cường - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương, đoàn công tác tình nguyện hơn 300 người của trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, được Bộ Y tế phân công nhiệm vụ vào TPHCM chống dịch, dựa vào tinh thần xung kích của sinh viên và cán bộ nhà trường. Đó là nhiệm vụ và trách nhiệm chớ không phải một chuyến du lịch như những thông tin thiếu xây dựng trên mạng xã hội.
Khi tận mắt chứng kiến các bạn sinh viên ấy làm việc một cách khẩn trương, hối hả, dốc hết toàn lực là cùng đồng đội xét nghiệm, truy vết các ca nhiễm bệnh, trong điều kiện TPHCM nắng nóng lên đến 35 - 37 độ C, trong bộ đồ bảo hộ kín như bưng, mồ hôi ròng rã. Những thông tin không đầy đủ trên mạng xã hội khiến những người có cái nhìn thiếu xây dựng trở nên gay gắt, bất công. Họ chỉ nghe những thông tin thiếu kiểm chứng, rồi tung ra những bình luận ác ý. Thậm chí kẻ xấu sẵn sàng chỉ trích vô cớ bằng những luận điệu xuyên tạc.
Đâu chỉ ở TPHCM, các bạn sinh viên trường này từ đầu năm đến nay đã liên tục có mặt ở những điểm nóng từ Hải Dương cho đến Bắc Ninh, Bắc Giang và giờ là TPHCM. Họ tình nguyện và tận hiến chớ không phải đi "hành nghề" chống dịch. Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy bày tỏ quan điểm: "Tôi mong người dân TP nên nhìn mọi thứ theo chiều hướng tích cực, nhẹ nhàng để mùa dịch vốn đã quá mệt mỏi trở nên dễ thở và vui vẻ hơn. Hãy bao dung, hãy để các em hoàn thành tốt mục tiêu đặt ra cho lần chi viện này. Và quan trọng hơn cả là cùng chung tay để TP của chúng ta sớm kiểm soát được dịch bệnh, người dân quay về nhịp sống thường ngày".
Là thành phố nghĩa tình nên người TPHCM luôn tôn vinh các gương điển hình người tốt - việc tốt, phê phán lối sống ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa và những hành vi, việc làm xấu, gây hại cho xã hội. Nghĩa tình của người Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM sáng ngời ở tinh thần "Vì cả nước, cùng cả nước", là nơi hội tụ và lan tỏa các nguồn lực, các giá trị tốt đẹp. Những giá trị tốt đẹp đó đã được người dân TP thể hiện qua những hành động đóng góp giúp đỡ các địa phương khác khi hoạn nạn, thiên tai. Trong các đợt dịch Covid-19, Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhiều lần điều động lực lượng phản ứng nhanh tiếp sức cho các điểm nóng chống dịch Covid-19 như ở Đà Nẵng, Gia Lai, Bình Dương, Hải Dương...
Chẳng lẽ hình ảnh đó là "làm màu", "hình thức", là muốn khoe "thành tích", là hợm hĩnh? Không, cũng như các bạn sinh viên Hải Dương vào TPHCM chống dịch, họ tự nguyện chọn công việc có ích cho xã hội, cho đất nước. Hành động "đi thẳng ra chiến trường" có lợi hơn hay nằm nhà có lợi hơn cho cộng đồng, các bạn ấy hiểu rõ và chọn cách dấn thân.
Bàn tay nhàu nhĩ của một sinh viện Khoa Y - Đại học Quốc gia TPHCM sau những ngày lấy mẫu tầm soát Covid-19 Ảnh: ĐHQG TPHCM
Tinh thần thiện nguyện luôn trong sáng
Xem hành trình của các bạn sinh viên Hải Dương: 13 giờ ngày 31-7, Bộ Y tế phát động chiến dịch thiện nguyện. Chỉ sau 20 tiếng, 320 thành viên trong đó có 312 sinh viên và 8 giảng viên của trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã có mặt tại TPHCM. Phần lớn các bạn là sinh viên năm thứ 3, 4, 5 đang học các ngành xét nghiệm, điều dưỡng, đa khoa... Vài tiếng sau khi có mặt tại TPHCM, họ đã nhận nhiệm vụ đầu tiên tại quận Gò Vấp vào chiều 1-7, tham gia xét nghiệm cho hàng ngàn người dân tại đây. Chẳng lẽ họ diễn "sâu" với biến chủng Delta của SARS-CoV-2, đến độ bất chấp nguy hiểm cho bản thân mình? Không, hãy tin vào các bạn trẻ, tâm họ trong sáng. Họ đến TPHCM là vì cộng đồng, cùng chung tay dập dịch.
Hãy nhìn những bàn tay lấy mẫu trắng bệch, hãy nhìn các bạn trẻ phờ phạc, suốt đêm lấy mẫu xét nghiệm trong bộ đồ bảo hộ kín bưng, mồ hôi đầm đìa... Chẳng phải họ đang lao động cật lực đó sao! Họ không "diễn" mà họ lao vào công việc. Nếu không có họ, tốc độ xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho hơn 5 triệu dân TPHCM biết bao giờ kết thúc, đồng nghĩa với việc chậm trễ trong công tác khống chế dịch.
Tại TPHCM, theo anh Ngô Minh Hải - Phó bí thư thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP HCM, hiện nay trung bình 1 ngày Thành đoàn đang đưa khoảng 6.000 tình nguyện viên đến các điểm lấy mẫu, các chốt cách ly, phong tỏa... Trong đó có đông đảo sinh viên của ngành y TP HCM. Đó là số lượng nhân lực rất lớn đang hỗ trợ các hoạt động chống dịch ở TP, từ lực lượng sinh viên y khoa tham gia lấy mẫu, nhập liệu, đến đội xe bán tải chuyên chở vật dụng đồ ăn, chuyên chở y bác sĩ đến khu lấy mẫu, lực lượng tài xế chạy xe cấp cứu, đội hình nấu ăn, ATM gạo, tủ lạnh cộng đồng, phiên chợ 0 đồng..., tất cả đều có mặt của họ.
Trong những ngày qua, khi làn sóng dịch bệnh thứ 4 dịch diễn ra phức tạp ở TPHCM thì sinh viên khối ngành sức khỏe của nhiều trường ĐH như Y dược TPHCM, Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khoa Y (ĐHQG TPHCM), trường ĐH Nguyễn Tất Thành... đều đã có mặt trên khắp các địa bàn có dịch. Tình hình dịch bệnh TPHCM là khẩn cấp, dù 30 ngày qua Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch đã có hơn 1.000 sinh viên tham gia chống dịch nhưng cách nay mấy ngày, PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, có thư kêu gọi sinh viên trường mình tham gia các hoạt động của đội sinh viên chống dịch Covid-19. Đó là trách nhiệm của trường y, cũng là trách nhiệm của các thầy thuốc tương lai.
Các bạn sinh viên trường y nói chung, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đang đóng góp công sức của mình cho "cuộc chiến" chống Covid-19 cần được động viên, khuyến khích không phải ở vật chất, sự đãi ngộ, mà bằng tinh thần. Các bạn đã lao vào công việc với tinh thần thiện nguyện thì phải đối xử với các em bằng tấm lòng trìu mến, bằng niềm tin và sự thương yêu, chớ không phải bằng "gạch đá” ném vô cớ vào những thông tin thiếu kiểm chứng, tô vẽ cho u ám, thậm chí những thông tin xuyên tạc, rất nguy hiểm.
Hãy để các bạn trẻ ấy lao vào công việc với sức trẻ, lý tưởng, niềm tin, sự tự trọng, cả niềm tự hào khẳng định bản thân