Số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đã vượt 20.000 người

Thứ Hai, 05/07/2021 08:59  | A. Quân

|

(CAO) Sáng 5/7 Việt Nam vượt ngưỡng 20.000 trường hợp mắc COVID-19, với 20.261 ca.

Theo Bản tin của Bộ Y tế về tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam, tính từ 18h ngày 4/7 đến 6h ngày 5/7 có 328 ca mắc mới (BN19934-20261) đều ghi nhận trong nước.

328 ca ghi nhận trong nước gồm: TP.Hồ Chí Minh (175), Đồng Tháp (100), Phú Yên (23), Hưng Yên (9), Khánh Hòa (8), An Giang (6), Long An (2), Bắc Ninh (2), Lạng Sơn (1), Đồng Nai (1), Sóc Trăng (1); trong đó 272 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Một số tỉnh, thảnh miền Đông Nam Bộ dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp

Sáng 5/7 Việt Nam vượt ngưỡng 20.000 trường hợp mắc COVID-19, với 20.261 ca.

Trước đó, ngày 12/6, Việt Nam đã cán mốc hơn 10.000 trường hợp mắc bệnh COVID-19. Như vậy, chỉ trong chưa đầy 1 tháng của đợt dịch lần thứ 4 này đã ghi nhận thêm hơn 10.000 trường hợp mắc COVID-19.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến nay Việt Nam chia làm 4 giai đoạn chống dịch COVID-19.

Giai đoạn 1 (từ ngày 23/1/2020-24/7/2020): 415 ca mắc COVID-19, trong đó có 106 ca mắc trong nước và 309 ca nhập cảnh.

Giai đoạn 2 (từ ngày 25/7/2020-27/1/2021): 1.136 ca COVID-19, trong đó có 554 ca mắc trong nước và 582 ca nhập cảnh.

Giai đoạn 3 (từ ngày 28/1/2021-26/4/2021): 1.301 ca COVID-19, trong đó có 901 ca mắc trong nước và 391 ca nhập cảnh.

Giai đoạn 4 (từ ngày 27/4/2021-đến nay): 17.409 ca COVID-19, trong đó có 16.833 ca mắc trong nước và 576 ca nhập cảnh.

Như vậy, đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 20.261 ca mắc COVID-19, riêng đợt dịch thứ 4 có hơn 17.000 ca mắc.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân bên trong khu vực được phong toả để phòng chống, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, trên thế giới dự báo dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có khả năng kiểm soát trong năm 2021. Có thể dịch COVID-19 tiếp tục xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn, mạnh hơn. Nguy cơ bùng phát dịch là hiện hữu, kể cả tại các quốc gia đã đạt được độ bao phủ tiêm chủng cao.

Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát về tổng thể. Tại Hà Nội, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Tại Bắc Giang, Bắc Ninh, tình hình dịch cơ bản đã được kiểm soát và đã bắt đầu ổn định. Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, thành phố Đà Nẵng và một số địa phương đã rất nỗ lực để nhanh chóng kiểm soát được tình hình.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh riêng tại TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ, dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp và dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới do mầm bệnh đã lưu hành trong một thời gian dài tại nhiều nơi, trong đó có các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch như các nhà máy, khu công nghiệp, các chợ dân sinh...

Các địa phương đang nỗ lực, khẩn trương và đã kịp thời đưa ra các biện pháp giãn cách phù hợp để có thể sớm kiểm soát tình hình. Tuy nhiên việc triển khai biện pháp phòng, chống dịch đang gặp một số khó khăn, đã có những lúng túng, bị động khi số ca bệnh tăng nhanh trong thời gian ngắn.

Theo thống kê, ngày 18/5 TPHCM mới chính thức có ca mắc COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng là một nhân viên công ty ở quận 3, cư trú tại chung cư Sunview Town (phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức).

Tuy nhiên, chỉ sau 1 tháng rưỡi kể từ ca mắc COVID-19 đầu tiên, đến sáng nay (5/7), số ca mắc ở TP.Hồ Chí Minh ghi nhận 6.034 trường hợp mắc bệnh.

Có một điều khá đặc biệt so với các tỉnh, thành khác là trong cùng một đợt, TPHCM đang trải qua 2 làn sóng dịch bệnh đáng chú ý.

Làn sóng thứ 1 từ 18/5 đến 14/6, với tâm điểm là chuỗi lây nhiễm tại nhóm truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp). Ổ dịch này bùng phát lan rộng khắp 21/22 quận, huyện, TP.Thủ Đức và cho đến nay ghi nhận có gần 600 ca mắc COVID-19.

Làn sóng thứ 2 bắt đầu từ ngày 15/6, từ vài ca chỉ điểm ban đầu đã dần xâm nhập sâu vào các khu nhà trọ, cụm dân cư, tòa nhà văn phòng, chung cư... Từ đó tiếp tục lan ra các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Số lượng ca mắc mới tại TPHCM liên tục gia tăng nhanh chóng trong những ngày gần đây.

Từ 18/5 đến 16/6: 1.000 ca; từ 16/6 đến 23/6 lên 2.000 ca; từ 23/6 đến 26/6 lên 3.000 ca; từ 26/6 đến 30/6 lên 4.000 ca; từ 30/6 đến 3/7 lên 5.000 ca và từ 3/7-5/7 lên 6.000 ca.

Bình luận (0)

Lên đầu trang